(ĐSPL) - Dù đã bỏ trốn ra nước ngoài nhưng 2 cha con bị can Khuân vẫn ký hàng chục giấy ủy quyền để cấp dưới vay vốn ngân hàng hàng trăm tỉ đồng từ các ngân hàng.
Theo báo Thanh Niên Online, hôm nay (27/7), đại diện VKSND đã luận tội 27 bị cáo trong vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam. Theo đó, Lâm Minh Mẫn (nguyên Kế toán trưởng) và Trịnh Thị Hồng Phượng (nguyên Phó giám đốc) thuộc Công ty Phương Nam bị đề nghị từ 15 – 17 năm tù cùng tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm.
Theo luận tội, biết công ty Phương Nam kinh doanh thua lỗ gần 1 nghìn tỷ đồng và việc làm của Lâm Ngọc Khuân (chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam) là vi phạm pháp luật, Mẫn vẫn làm theo chỉ đạo của Khuân lập báo cáo tài chính khống, hồ sơ nâng khống số lượng hàng tồn kho lên nhiều lần, dùng một lượng hàng tồn kho của công ty thế chấp cho 5 ngân hàng vay vốn. Mẫn còn chỉ đạo phô tô chứng từ ngân hàng tồn kho thành nhiều bản để làm tài sản đảm bảo thế chấp lừa đảo các ngân hàng; báo cáo gian dối hàng tồn kho khi cán bộ ngân hàng kiểm tra; ký các chứng từ sai mục đích…
Trịnh Thị Hồng Phượng ký 2 báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh gian dối là có lãi; tham gia ký biên bản kiểm tra tài sản bảo đảm là hàng tồn kho;... Việc làm của 2 bị cáo này giúp "đại gia" Khuân lừa đảo chiếm đoạt của 5 ngân hơn 784 tỉ đồng.
VKS đề nghị tuyên 25 bị cáo còn lại (nguyên là lãnh đạo, cán bộ tại 5 ngân hàng) mỗi bị cáo từ 5 - 9 năm tù về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trong đó có những người từng giữ chức vụ cốt cán tại chi nhánh lớn của các ngân hàng như: Nguyễn Thế Thắng (nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam – chi nhánh tỉnh Sóc Trăng), Nguyễn Thị Bích Dung (nguyên Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh tỉnh Sóc Trăng), Nguyễn Thanh Long (nguyên Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín – chi nhánh tỉnh Sóc Trăng), Đỗ Hùng Sở (nguyên Giám đốc ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Sở giao dịch Hậu Giang); Nguyễn Văn Sơn (nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình – chi nhánh tỉnh Bạc Liêu).
VKS còn đề nghị buộc Mẫn, Phượng, Khuân và Lâm Ngọc Hân (con ông Khuân, nguyên Giám đốc Công ty Phương Nam) bồi thường thiệt hại cho 5 ngân hàng 784 tỉ đồng.
Theo báo Đại đoàn kết, cáo trạng của VKSND tối cao xác định bị can Lâm Ngọc Khuân (62 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Phương Nam) và con gái Lâm Ngọc Hân (đã cùng nhau bỏ trốn sang Mỹ) có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Cha con ông Khuân đã chỉ đạo nguyên kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn và Phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng (cùng 35 tuổi) thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt gần 785 tỷ đồng của 5 ngân hàng là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Sở giao dịch Hậu Giang (LPB Hậu Giang), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng, Vietcombank Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng và Ngân hàng An Bình (ABbank) chi nhánh Bạc Liêu.
Bị cáo Nguyễn Thế Thắng và Nguyễn Văn Xem tại tòa. |
Trong phần xét hỏi ở những ngày đầu phiên xử, Mẫn khai biết giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp dao động từ 111 đến 285 tỷ đồng nhưng bị cáo lập báo cáo tài chính nâng khống lên hàng nghìn tỷ là làm theo chỉ đạo của ông Khuân. Theo Mẫn, việc làm của bị cáo nhằm phục vụ cho công ty và tiền được vay đều chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp, chứ không chuyển vào tài khoản cá nhân của giám đốc để ông Khuân chiếm đoạt. Mẫn khẳng định số tiền mất khả năng chi trả trên 780 tỷ đồng, ông Khuân không chiếm đoạt số tiền này, nên bị cáo không phải là đồng phạm lừa đảo.
Đối với bị cáo Phượng, Phượng không đồng ý với cáo buộc của VKS về việc quy kết bị cáo giúp sức cho cha con ông Khuân chiếm đoạt tiền của 5 ngân hàng. Theo Phượng, những hợp đồng mà bị cáo ký kết với ngân hàng là để vay vốn cho Công ty Phương Nam, không phải vay vốn cho ông Khuân. Vì vậy, bị cáo Phượng khẳng định với HĐXX rằng, bản thân không thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Phượng lại thừa nhận các hồ sơ ký không đúng thực tế là làm theo chỉ đạo của ông Khuân. Chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc điều tra thì mới biết là làm sai. Cũng theo Phượng, các giấy tờ do bộ phận kế toán soạn sẵn rồi bị cáo ký xác nhận và hoàn toàn không hưởng lợi đồng nào từ tiền lừa đảo của ông Khuân (?!).
Trả lời HĐXX về cáo trạng truy tố khi chỉ đạo cấp dưới làm các chứng từ khống để vay vốn ngân hàng, bị cáo Lâm Minh Mẫn, nguyên Kế toán trưởng Cty thủy sản Phương Nam cho rằng mình không chỉ đạo nhân viên mà chính bản thân trực tiếp làm các giấy tờ nâng khống hàng tồn kho và mục đích của việc này là để báo cáo ngân hàng sau khi vay được vốn, chứ không phải nâng khống để gửi ngân hàng xin vay vốn.
Theo báo Người Lao Động, cũng tại phiên tòa, đại diện Sacombank cho biết HĐQT đã kiểm tra quá trình cho vay của các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên chi nhánh Sacombank Sóc Trăng và xác định họ không có hành vi trục lợi cá nhân. Vì thế, ngày 11/5/2015, HĐQT Sacombank đã có văn bản cho rằng dư nợ của Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam đã được Sacombank trích quỹ dự phòng rủi ro để giải quyết xong.
Hơn nữa, Sacombank đã có hướng giải quyết tiếp theo cho đến khi thu hồi hoàn tất khoản nợ trên nên đề nghị cơ quan pháp luật xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho 6 bị cáo, gồm: Nguyễn Thanh Long (SN 1976, nguyên giám đốc Sacombank Sóc Trăng), Lưu Quốc Cường (SN 1980, nguyên phó giám đốc), Võ Lê Việt Thắng (SN 1982, nguyên trưởng phòng cá nhân kiêm doanh nghiệp), Trương Văn Hùng (SN 1981, nguyên chuyên viên khách hàng), Lê Hoàng Phong (SN 1980, nguyên trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh) và Lê Mạnh Hùng (SN 1973, nguyên kiểm soát viên tín dụng).
Tương tự, đại diện của VDB Sóc Trăng, LPB Hậu Giang và VCB Sóc Trăng cũng xác định hậu quả xảy ra trong việc cho Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam vay vốn là rủi ro tín dụng do lãnh đạo của công ty này có hành vi lừa đảo. Các cán bộ NH có vi phạm, nhưng các NH đã áp dụng những biện pháp để xử lý rủi ro nên đề nghị cơ quan pháp luật hỗ trợ thu hồi nợ.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc ABbank có văn bản đề nghị xử lý theo qui định pháp luật trước hành vi vi phạm về cho vay đối với 3 bị cáo nguyên lãnh đạo, nhân viên của ABbank Bạc Liêu, gồm: Nguyễn Văn Sơn (SN 1976, nguyên giám đốc), Võ Văn Trương (SN 1983, nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng) và Kim Hoàng Minh Tân (SN 1980, nguyên trưởng phòng quản lý tín dụng).
Phiên tòa chiều nay tiếp tục phần tranh luận.
BTV(Tổng hợp)
[mecloud]NyTmPuN3rt[/mecloud]