(ĐSPL) - Tách biệt hẳn với những con sóng lớn từ thị trường vàng, USD vẫn giữ phong độ ổn định. Thực tế cho thấy tỉ giá VNĐ/USD trong các ngày gần đây biến động không đáng kể.
Cụ thể, giá USD ngày 8/7 tại các ngân hàng thương mại: Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND tại mức mua vào 22.290 đồng/USD và bán ra là 22.380 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua.
Ngân hàng Vietinbank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 22.260 – 22.340 đồng/USD, giảm 10 đồng chiều mua vào- bán ra.
Tại ngân hàng Eximbank, chiều mua vào- bán ra được giữ nguyên ở mức 22.260- 22.340 đồng/USD.
Ngân hàng ACB niêm yết tỷ giá ở mức 22.250 – 22.330 đồng/USD, giảm 10 đồng so với ngày 7/7.
BIDV tiếp tục mua – bán USD ở mức 22.270 – 2.340 đồng/USD.
Ngân hàng Techcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 22.250 – 22.350 đồng/USD, giảm 10 đồng cả hai chiều mua và bán.
Ngân hàng HSBC cũng niêm yết tỷ giá USD/VND tại mức mua vào 22.250 đồng/USD và bán ra là 22.350 đồng/USD, giảm 15 đồng so với ngày hôm qua.
Tỷ giá USD tự do tại Hà Nội giao dịch tại mức mua vào 22.320 đồng/USD, bán ra vào khoảng 22.350 đồng/USD.
Tỷ giá trong 6 tháng còn lại của năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa). |
Trước đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thông báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục 38 tỉ USD (chưa bao gồm vàng). Trong 5 tháng đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã thu mua gần 8 tỉ USD. Việc mua ngoại tệ khá thuận lợi do nguồn cung trên thị trường dồi dào.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định tỉ giá VNĐ/USD tương đối ổn định trong 6 tháng đầu năm 2016. Vì, đồng USD giảm giá đáng kể trên thị trường quốc tế do sự trì hoãn tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào (cán cân thanh toán tổng thể quý I/2016 thặng dư; xuất siêu trong 6 tháng đầu năm; FDI giải ngân tăng khá mạnh).
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá các yếu tố hỗ trợ tỉ giá trong 6 tháng cuối năm 2016 sẽ không được thuận lợi như nửa đầu năm 2016. Bởi lẽ cân đối cung cầu ngoại tệ sẽ tăng cao vào cuối năm do nhu cầu nhập khẩu tăng; khả năng FED sẽ tăng lãi suất một lần vào cuối năm.
Khi lãi suất được điều chỉnh, đồng USD sẽ tăng giá trên thị trường quốc tế, gây ảnh hưởng tới tỷ giá VNĐ/USD; đồng Nhân dân tệ có nguy cơ tiếp tục mất giá trong 6 tháng cuối năm…
Tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với tỷ giá
Mặc dù có diễn biến tương đối bình ổn trong sáu tháng đầu năm nhưng theo báo cáo của CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá diễn biến tỷ giá trong 6 tháng còn lại của năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.
Ngoài ra, tình trạng xuất siêu cũng chưa thật sự bền vững khi không xuất phát từ việc xuất khẩu tăng trưởng mạnh (chỉ tăng 6\% YoY) mà chủ yếu do nhập nhập khẩu giảm bớt (giảm 0,5\% YoY).
Theo quy luật một số năm gần đây, tỷ giá thường chịu sức ép lớn từ cuối quý II trở đi khi các yếu tố như nhập khẩu, lạm phát, biến động thị trường tiền tệ thế giới cùng cộng hưởng tại một thời điểm. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ khi sự kiện Brexit vừa qua được dự báo sẽ còn có ảnh hưởng lâu dài, gây tác động mạnh tới giao dịch của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.
Ngoài ra, xu hướng tăng trở lại khá rõ nét của lạm phát trong hai quý cuối năm cũng có thể là một trong những nhân tố gây sức ép lên tỷ giá.
Theo tính toán của BVSC, mặc dù tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa vẫn nằm trong vùng an toàn, nhưng tỷ giá hữu hiệu thực đã tăng lên vùng “đáng lưu ý” đối với khả năng điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Nếu NHNN không hành động kịp thời, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực và từ đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế.
"Trong kịch bản trung bình, chúng tôi dự báo VND sẽ giảm giá khoảng 2-3\% so với USD trong năm 2016", BVSC dự đoán.
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin