Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, nhưng Chính phủ đã kiên định, chủ động điều hành các mặt theo Hiến pháp, pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội và đạt được những kết quả lớn.
Các ĐBQH thảo luận tại tổ, đánh giá về các báo cáo của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan tư pháp, Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Trong sáng nay (23/3), các ĐBQH đã thảo luận tại tổ, đánh giá về các báo cáo của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan tư pháp, Kiểm toán Nhà nước.
Về phần đánh giá báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đa số các ĐBQH đều cho rằng, Chính phủ đã đạt được nhiều thành quả to lớn ở các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, an ninh, an toàn của khu vực có nhiều bất lợi ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta.
Góp ý hoàn thiện báo cáo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, cần làm nổi bật tính chủ động của Chính phủ trong việc đề nghị Trung ương điều chỉnh các mục tiêu kinh tế từ đầu nhiệm kỳ (năm 2011) trước những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới.
“Đầu nhiệm kỳ chúng ta chưa thấy hết tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới. Sau đó, Chính phủ đã rất nhạy bén, kiên trì đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế và Trung ương, Quốc hội kịp thời điều chỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đây là hành động có tính chất chiến lược và giờ đây nhìn lại thì đó là quyết định chính xác”, ông Vương Đình Huệ nhận xét.
Chính nhờ sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đạt được mục tiêu kép trong thực hiện nhiệm vụ là kinh tế tăng trưởng năm sau tốt hơn năm trước, kiềm chế lạm phát và đi tới việc kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông Vương Đình Huệ: “Đó là các thành tích ấn tượng nhất”.
“Lúc đầu thắt chặt đầu tư công để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nghe thì ghê gớm lắm, tỉnh nào cũng kêu và dẫn đến nhiều công trình dở dang. Nếu Chính phủ không kiên trì theo đuổi mục tiêu thì không có kết quả hôm nay. Đó là điểm cần làm rõ, đưa vào phần kinh nghiệm và là bài học rất tốt cho nhiệm kỳ tới đây của Chính phủ”, đại biểu tỉnh Bình Định nêu quan điểm.
Ở đoàn TPHCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Báo cáo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính Nhà nước, thực hiện quyền hành pháp và chấp hành của Quốc hội đã thể hiện được các nội dung lớn là triển khai việc thi hành Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Quốc hội theo đúng yêu cầu.
Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng, kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ vẫn còn những hạn chế, chẳng hạn như tính dự báo tình hình còn chưa tốt.
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề ngập mặn ở khu vực ĐBSCL hiện nay chưa được dự báo sớm nên giải pháp đưa ra vẫn chỉ là tình thế, “chưa ổn lắm”.
Thêm vào đó, các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan khác cũng chưa chỉ ra trách nhiệm của đơn vị, cá nhân đối với những hạn chế trong thực thi nhiệm vụ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, những tồn tại của Chính phủ nhiệm kỳ này là bài học và cũng để cho Chính phủ khóa mới phải khắc phục, đó là nền kinh tế chưa tự chủ và khối doanh nghiệp dân doanh còn khó khăn; bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu quả chưa cao, kỷ cương phép nước còn chưa nghiêm.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn TPHCM) cho rằng, một nội dung quan trọng là xây dựng Chính phủ điện tử, nhưng nhiệm kỳ này chưa có bước tiến rõ rệt. Chính phủ khóa mới cần phải làm mạnh hơn để phục vụ tốt cho việc giám sát công vụ và bộ máy hoạt động tốt hơn.
Theo baochinhphu.vn