(ĐSPL) - Tại nghị trường Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội lo ngại, Trung Quốc đang muốn đóng những “cột mốc” bằng việc xây dựng các công trình đồ sộ trên Biển Đông. Việc làm này thậm chí còn nghiêm trọng, nguy hiểm hơn cả lúc đặt hạ trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Một số đại biểu đề xuất thành lập bộ Kinh tế Biển nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như phát triển kinh tế biển.
PGS. Chu Hồi |
Trao đổi với PV báo ĐS&PL bên lề Quốc hội, ĐB Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) nhấn mạnh, hiện nay, vấn đề Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp do hành động đơn phương của Trung Quốc. Cử tri và các ĐBQH đang rất quan tâm xem chúng ta có những đối sách như thế nào để đảm bảo được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chính vì thế, ngay phiên trù bị trước kỳ họp, có ĐB đề nghị Quốc hội cần tỏ rõ thái độ về vấn đề Biển Đông và cho cử tri cả nước biết. Ý kiến trên đã nhận được sự đồng tình, sau đó, chương trình kỳ họp được bổ sung nội dung Quốc hội nghe báo cáo tình hình Biển Đông.
Đánh giá cao đề xuất thành lập bộ Kinh tế Biển, vị ĐB này cho rằng, đất nước chúng ta có chiều dài bờ biển, vùng thềm lục địa lớn... việc tập trung đầu tư và khai thác sẽ mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như quốc phòng an ninh, thủy sản, môi trường, thủy văn... nên việc thành lập bộ Kinh tế Biển và phối hợp với các ngành khác cần được tính toán kỹ. Theo vị này, bài toán về tổ chức trên cần giải quyết ở đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới.
Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo nhận định, sau đợt “sóng cồn” đặt hạ giàn khoan vào năm ngoái, hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là những đợt “sóng ngầm” cực kỳ nguy hiểm. PGS. Chu Hồi cũng đặt ra các tình huống: Mưu toan của Trung Quốc là “đảo hóa” để tạo căn cứ trong dàn xếp pháp lý về tranh chấp quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam; tiến hành xây các căn cứ quân sự (ngầm và nổi) vững chắc ở đây để khống chế tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông...
Từ thực tế diễn biến trên Biển Đông đang hết sức phức tạp và khó lường, ngoài các biện pháp đấu tranh khác, PGS. Chu Hồi cho rằng, cần nhanh chóng thành lập một bộ quản lý tổng hợp về biển và hải đảo trong bối cảnh Biển Đông diễn biến phức tạp.
Theo ông, tập trung phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững sẽ tăng cường “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông, góp phần giảm căng thẳng. Thành lập một cơ quan cấp Bộ đủ mạnh để giúp Chính phủ lo toàn cục, đại sự lâu dài đối với vấn đề phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước là cần thiết và đủ sức nhanh chóng thay đổi tình hình, giải quyết các thách thức lớn liên quan đến vấn đề hệ trọng của dân tộc ta - biển, đảo.
HƯƠNG LAN - ANH ĐỨC