+Aa-
    Zalo

    Đại biểu Quốc hội đề nghị trang bị máy bay để chữa cháy, cứu nạn

    • Nguyễn Thu HuyềnDSPL

    (ĐS&PL) - Theo báo cáo của Bộ Công an, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn thiếu, lạc hậu, kém chất lượng, chưa đảm ứng yêu cầu thực tiễn.

    Tham gia thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chiều 27/6, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho biết, tai nạn cháy nổ xảy ra ngày càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua.

    Ông Thanh nhấn mạnh, nguyên tắc quy định trong Luật này lấy phòng ngừa là chính, hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ; khi có tình huống xảy ra, yêu cầu công tác cứu nạn cứu hộ phải nhanh chóng, hiệu quả.

    Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Công an, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện nay còn thiếu, lạc hậu, kém chất lượng, chưa đảm ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tình hình thực tiễn.

    Đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn Kon Tum (Ảnh: Media Quốc hội).

    Đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn Kon Tum (Ảnh: Media Quốc hội).

    Do đó, ông Thanh cho rằng, Nhà nước cần có ngay biện pháp phù hợp để giải quyết nhanh nhất những tồn tại nêu trên, cần bổ sung các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

    “Cần quy định có ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, trang bị phương tiện cứu nạn cứu hộ tiên tiến, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất để cứu người, cứu tài sản, dập đám cháy nhanh nhất, kể cả máy bay để thực hiện”, ông Thanh đề xuất.

    Cũng theo ông Thanh, thực tế nhiều địa phương có tình trạng cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ không thực hiện đúng thẩm quyền xử lý sai phạm, thậm chí còn tiếp tay cho các vi phạm về trật tự xây dựng. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới nhiều vụ cháy nổ trong thời gian qua. Vì thế, cần bổ sung các hành vi bị cấm trong dự Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

    Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu ý kiến, dự thảo Luật chưa nhấn mạnh được mục tiêu chính của việc chữa cháy là phải dập tắt ngay đám cháy càng sớm càng tốt. Đây là mục tiêu trực tiếp, kịp thời đầu tiên trên hết và trước hết.

    Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần đưa cụm từ "để dập tắt đám cháy" lên trước các hành động khác là phù hợp. Do đó, cần diễn đạt lại khoản 3, Điều 3 như sau: "Chữa cháy là hoạt động triển khai lực lượng, phương tiện để dập tắt đám cháy, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan...".

    Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị (Ảnh: Media Quốc hội).

    Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị (Ảnh: Media Quốc hội).

    Tại Điều 5 về nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đại biểu cho rằng, trình bày như dự thảo Luật là chưa đầy đủ, bởi vì khi thực hành hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong khi nhấn mạnh vai trò của lực lượng và phương tiện tại chỗ, thì việc chuẩn bị và vận hành cơ chế chỉ huy tại chỗ với phương châm bốn tại chỗ là rất quan trọng, không thể thiếu được. Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa nguyên tắc này theo hướng làm rõ phương châm hành động bốn tại chỗ.

    Về ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, ông Thắng đề nghị giải thích và làm rõ phương tiện được ưu tiên đi trên các phương tiện giao thông là ưu tiên như thế nào?

    Về người chỉ huy chữa cháy, khoản 1 Điều 38 quy định khi xảy ra chữa cháy, người có chức vụ cao nhất trong lực lượng công an nhân dân có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp, cần nghiên cứu, xem xét vấn đề này cho hợp lý.

    Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đoàn Tp.HCM (Ảnh: Media Quốc hội).

    Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đoàn Tp.HCM (Ảnh: Media Quốc hội).

    Góp ý về việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn Tp.HCM) cho rằng, đây là nội dung liên quan đến quyền tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nhưng quy định trong dự thảo Luật còn chung chung.

    Do đó, để có cơ sở triển khai quy định này và tránh phát sinh vướng mắc trong thực tiễn, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm việc bồi thường là cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hay là UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn hay là cơ quan chuyên môn nào khác?

    Đồng thời, theo bà Hạnh, dự án Luật cần bổ sung quy định về quy trình, thủ tục thực hiện việc bồi thường; bổ sung quy định về nguyên tắc và phương án, xác định giá trị đối với các phương tiện giá trị bị tổn hao, nhà và công trình bị phá dỡ…; bổ sung quy định về nguồn kinh phí thực hiện việc bồi thường.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ai-bieu-quoc-hoi-e-nghi-trang-bi-may-bay-e-chua-chay-cuu-nan-a438955.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan