+Aa-
    Zalo

    Đại biểu Quốc hội băn khoăn Việt Nam đứng trước nguy cơ dư thừa 4 triệu nam giới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo các đại biểu Quốc hội, Việt Nam đang mất cân bằng giới tính khi sinh. Nếu vấn đề bình đẳng giới không được quan tâm đúng mức thì sẽ dư thừa tới 4 triệu nam giới.

    Theo các đại biểu Quốc hội, Việt Nam đang có sự mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng này đang gia tăng. Nếu vấn đề bình đẳng giới không được quan tâm đúng mức thì tới giữa thế kỷ này số lượng nam giới ở Việt Nam sẽ dư thừa 2,3 – 4 triệu người.

    Bất bình đẳng giới khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ dư thừa nam giới

    Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

    Theo đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), Việt Nam đang có sự mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng này đang gia tăng và không đồng đều giữa các cùng miền. Năm 2006 tỉ lệ này là 106 nam/100 nữ, tới năm 2013, tỉ lệ là 113,8 nam/100 nữ và ước thực hiện năm 2017 là 113 nam/100 nữ. Số tỉnh có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tăng nhanh, năm 2009 là 45/63 tỉnh, thành; tới năm 2015 là 55/63 tỉnh, thành. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của tâm lý xã hội về việc muốn có con trai để nối dõi tông đường, trọng nam hơn nữ.

    Theo đại biểu Yến, đến giữa thế kỷ này dự báo Việt Nam có 2,3-4,3 triệu nam giới ở độ tuổi trưởng thành "dư thừa". Kinh nghiệm ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy tình trạng này làm nảy sinh nhiều hệ luỵ như "mua" cô dâu nước ngoài, phát sinh nạn hiếp dâm, bạo lực…

    Trước những ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

    Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phụ nữ Việt Nam đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, làm tốt vai trò người mẹ, người vợ. Tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo ngày càng tăng. Công tác bình đẳng giới của Việt Nam đã có những bước tiến bộ, là một điểm sáng về bình đẳng giới. Tuy nhiên, định kiến về giới còn dai dẳng do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, phong kiến.

    Về giải pháp đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quan tâm tới vấn đề tạo công ăn việc làm cho phụ nữ. Ở nông thôn, phụ nữ sẽ cùng tham gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, có các chương trình về nói không với bạo lực, xâm hại và không để phụ nữ "lùi" lại phía sau. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ đơn thân, có chương trình về chống bạo lực gia đình, buôn bán, xâm hại phụ nữ… hôn nhân yếu tố nước ngoài.

    Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Ảnh: TTXVN.

    Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

    Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoài phạm vi gia đình đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Nhiều chị em vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo nhất là khi người gây bạo lực là người thân; tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay xâm hại tình dục đối với trẻ em gái có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp hơn.

    Theo số liệu báo cáo trong năm 2016 có 1.627 trẻ em bị bạo lực và xâm hại tình dục (416 em bị bạo lực và 1.211 em bị xâm hại tình dục) trong đó nạn nhân là trẻ em gái là 1.369 em (chiếm 84%); 8 tháng đầu năm 2017 có 832 vụ bạo lực và xâm hại tình dục (116 em bị bạo lực và 716 em bị xâm hại tình dục) trong đó nạn nhân là trẻ em gái là 765 em (chiếm tỷ lệ 92%).

    Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc đã xét xử 1.880 vụ xâm hại trẻ em với 1.976 bị cáo.

    Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) cho biết, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề cần được quan tâm, theo thống kê năm 2010, cứ 3 phụ nữ được hỏi thì có 1 người bị bạo lực thể xác, tình dục hoặc tinh thần. 58% phụ nữ đã kết hôn bị bạo lực tình dục, thể xác hoặc tinh thần; 27% cho rằng từng bị cả 3 loại bạo lực trên. Đây chỉ là con số thống kê, thực tế số liệu này có thể lớn hơn nhiều.

    Do vậy, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) kiến nghị, cần tăng cường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp với vấn đề bình đẳng giới. Đặc biệt là thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đằng giới. Phân công trách nhiệm cụ thể, phân bổ nguồn lực bổ sung về bình đẳng giới.

    Nên quy định tuổi nghỉ hưu nam và nữ bằng nhau

    Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói: "Trước đây pháp luật cho phép lao động nữ được nghỉ hưu sớm, tức là được hưởng thụ sớm hơn. Nhưng mặt trái của nó là không tạo điều kiện cho những người muốn cống hiến được tiếp tục làm việc.

    Tôi đề nghị tới đây sửa Bộ luật Lao động quy định nam và nữ nghỉ hưu bằng tuổi nhau, nhưng phụ nữ được lựa chọn nghỉ hưu trước tuổi quy định".

    Phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu, bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung hứa nghiên cứu để đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-bieu-quoc-hoi-ban-khoan-viet-nam-dung-truoc-nguy-co-du-thua-4-trieu-nam-gioi-a208729.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan