Theo báo Sài Gòn giải phóng, tham gia phiên thảo luận trước Quốc hội ngày 9/11, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM), nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã có đề xuất liên quan đến việc phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Trong đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Cụ thể, hồi cuối tháng 10, số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM chiếm 47% cả nước, số ca tử vong chiếm 75%. Do vậy, thời gian giãn cách xã hội của TP cùng dài nhất so với các địa phương, kéo dài khoảng gần 4 tháng.
Khi thực hiện phương châm "ai ở đâu ở đấy", việc hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Ông Nhân thông tin, bình quân trong giai đoạn này, chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 0,7% tổng số doanh nghiệp toàn TP. Điều này đồng nghĩa với khoảng hơn 99% doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, kéo theo người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng, gây ảnh hưởng nặng nề về tăng trưởng kinh tế của TP. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân dự báo năm nay TP.HCM tăng trưởng âm 5%.
Để khắc phục hậu quả, TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc toạ đàm với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Qua đó, TP đã xác định được 4 giải pháp để vực dậy nền kinh tế TP, bao gồm việc tổng kết sâu sắc bài học về COVID-19 trong 2 năm qua để thực hiện phòng chống dịch tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần đưa số người nhiễm bình quân một ngày từ mức 1.000 người như hiện nay xuống dưới 500 trường hợp. Đồng thời, TP cũng cần hỗ trợ người đã mắc COVID-19 và gia đình có người thân tử vong do COVID-19 phục hồi sức khoẻ, có điều kiện quay trở lại làm việc, hỗ trợ thu hút trở lại hàng trăm nghìn lao động đã trở về quê, đồng thời bổ sung đáp ứng nhu cầu lao động mới.
Hiện, TP.HCM đã và đang thực hiện các mục tiêu trên, số lao động còn thiếu khoảng 8%. Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chiều 9/11. Nguồn: Truyền hình Quốc hội
Theo báo Tuổi Trẻ, cũng trong phiên thảo luận này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đã đặt câu hỏi: "Ta hình dung đoàn tàu kinh tế TP.HCM còn nguyên toa tàu, lái tàu và đường ray, 92% nhân viên ở các toa tàu. Như vậy cần kinh phí để mua dầu cho đoàn tàu chạy trở lại, bán được vé thì sẽ có tiền trả nợ, vậy cần bao nhiêu tiền để hỗ trợ?".
Chỉ ra thực trạng doanh nghiệp hiện nay phần lớn là vừa và nhỏ với quy mô vốn bình quân là 41 tỷ đồng, 14 lao động, doanh thu mỗi năm là 27 tỷ đồng, ông Nhân dự đoán chỉ khoảng 20% doanh nghiệp tự khởi động mà không cần hỗ trợ, còn 80% phải cần hỗ trợ để có vốn lưu động. Theo đó, ông khuyến nghị chính phủ cần có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn với mức bình quân khoảng 5 tỷ đồng/doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vay khoảng 25 triệu đồng. Như vậy, tổng mức vay là 440.000 tỷ đồng để khởi động lại các doanh nghiệp.
Theo đại biểu, số tiền vay 5 tỷ chiếm 20% doanh thu; hộ kinh doanh được vay 25 triệu đồng, chiếm 5% doanh thu là "có thể trả được". Đồng thời, hỗ trợ cho vay thông qua giảm 3% lãi suất vay sẽ cần nguồn lực là 28.200 tỷ đồng, điều này được đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đánh giá là phù hợp nếu so với số thuế đóng góp của doanh nghiệp mỗi năm là 277.000 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần số tiền bỏ ra. Ông Nhân nhận xét: "Đó là giải pháp cần thiết".
Với cộng đồng doanh nghiệp cả nước, ông Nhân cũng kiến nghị dành 4% GDP hỗ trợ doanh nghiệp, nên có thể tính toán sử dụng nguồn đầu tư công chưa dùng hết trong năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp và phòng chống dịch.
Minh Hạnh (T/h)