Đại diện VKS đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù về tội Cố ý làm trái, 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tổng cộng là 30 năm tù.
Ngày 23/5, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) giữ quyền công tố tại tòa theo ủy quyền của Viện KSND Tối cao đã nêu quan điểm luận tội, đề nghị các mức án đối với bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank) cùng 27 đồng phạm về các hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại cho TrustBank hơn 6.362 tỉ đồng.
Theo VKS, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ án liên quan đến ngân hàng gây ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng. Qua tranh luận công khai tại tòa đã làm rõ chứng cứ trong vụ án, hầu hết bị cáo đều khai nhận như cáo trạng quy kết.
Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng tới xã hội và xâm phạm tài sản nhiều đơn vị, gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, do vậy cần phải áp dụng mức án nghiêm khắc với các bị cáo.
Đại diện VKS đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù về tội Cố ý làm trái, 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tổng cộng là 30 năm tù.
Bị cáo Bùi Thị Kim Loan (Kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) bị đề nghị 13 năm tù với tội Lạm dụng, 15-16 năm tù tội Cố ý làm trái, tổng hình phạt là 28-29 năm tù. Bị cáo Trần Xuân Nam (nguyên Tổng giám đốc TrustBank) bị đề nghị 6-7 năm tù tội Cố ý làm trái. Bị cáo Ngô Kim Huệ (Phó tổng Giám đốc TrustBank) bị đề nghị 7-8 năm tù với tội Lạm dung, 3-4 năm tù với tội Cố ý làm trái, tổng hình phạt là 10-12 năm. Bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Trustbank) bị đề nghị 7-8 năm tù tội Cố ý làm trái.
Các bị cáo khác từ bị đề nghị từ 3 năm tù treo tới 10-12 năm tù giam.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 23/5 - Ảnh: Thanh Niên |
Về mặt dân sự, bị cáo Phấn bị buộc phải bồi thường hơn 1.105 tỷ đồng từ hành vi Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và 5.200 tỷ đồng từ hành vi Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bồi thường lãi suất phát sinh của hơn 5.200 tỷ đồng và tổng lãi phạt của số tiền trên tổng dư nợ gốc 9.400 tỷ đồng cho CB (Ngân hàng Xây Dựng, tiền thân là VNCB).
Buộc Công ty Phương Trang phải thanh toán khoản nợ gốc 3.936 tỷ đồng và lãi suất phát sinh đến ngày khởi tố vụ án. Tiếp tục kê biên 43 tài sản để đảo bảo nghĩa vụ thanh toán các khoản vay. Riêng tài sản thế chấp cho tài sản trái phiếu Trường Vĩ, dự án Bình Điền Long An do Phương Trang thế chấp vay, nhưng hoàn toàn không được giải ngân và đến nay không có dư nợ với khoản vay này nên VKS đề nghị huỷ kê biên, giao tài sản cho Phương Trang.
Theo cơ quan công tố, lời khai tại tòa và tài liệu hồ sơ vụ án đủ căn cứ xác định bà Phấn đã lợi dụng tư cách cổ đông lớn (85% cổ phần Đại Tín) chi phối mọi hoạt động của nhà băng. Bị cáo đã thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành, cán bộ, nhân viên rồi chỉ đạo thực hiện nhiều hành vi sai phạm.
Trong phạm vi vụ án đang xét xử, bà Phấn chỉ đạo nhân viên làm các hợp đồng mua bán lòng vòng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho các công ty do bà ta thành lập. Sau đó nâng khống giá trị căn nhà lên 8 lần, bán cho Đại Tín 1.268 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng của nhà băng.
Ngoài ra, bà Phấn và đồng phạm còn hạch toán thu chi khống để hợp thức hóa việc chiếm dụng 5.256 tỷ đồng của Đại Tín rồi đẩy nợ cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang.
Cụ thể, từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, Đại Tín giải ngân cho Công ty Phương Trang, 18 công ty khác cùng 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu với số tiền trên sổ sách là gần 16.500 tỷ đồng. Thực tế Công ty Phương Trang chỉ nhận được hơn 3.900 tỷ đồng.
VKS cho rằng, bà Phấn đã lợi dụng Phương Trang đang cần vốn để mở rộng kinh doanh bất động sản, buộc công ty này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt. Sau đó bà Phấn dùng hồ sơ này giải ngân, chiếm đoạt tiền; có khi không giải ngân đầy đủ tiền cho công ty này.
"Bị cáo Phấn đã lợi dụng ảnh hưởng của mình trong khi Đại Tín đang gặp khó khăn về thanh khoản, tồn quỹ tiền mặt chỉ khoảng 20 tỷ, không đủ tiền để giải ngân, chỉ đạo cán bộ ngân hàng lập chứng từ thu khống, hạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó đẩy dư nợ khống cho Phương Trang để cấn trừ vào số tiền đã vay của nhà băng trước đó", VKS nêu quan điểm.
Đánh giá về vai trò trong vụ án, VKS xác định bà Phấn là người chủ mưu, vì lòng tham lôi kéo hàng loạt người thân, nhân viên cấp dưới thực hiện hành vi trái pháp luật. Bị cáo dùng thủ đoạn tinh vi điều phối hoạt động ngân hàng cho mục đích bản thân, bất chấp hậu quả để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Bị cáo Bùi Thị Kim Loan giữ vai trò giúp sức tích cực trong việc truyền đạt chỉ đạo của bà Phấn. Loan đưa hồ sơ cho HĐQT Đại Tín ký phê duyệt việc mua lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, giúp bà Phấn chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng. Đồng thời, bị cáo còn thay mặt bà Phấn chỉ đạo nhân viên Đại tín lập hàng loạt chứng từ khống trong việc hạch toán thu chi hơn 5.256 tỷ đồng đẩy nợ cho Phương Trang.
Hầu hết bị cáo khai nhận hành vi như cáo trạng buộc, phạm tội do hoàn cảnh hoặc làm theo chỉ đạo. Trong đó, bị cáo Ngô Kim Huệ là người được bà Phấn nuôi ăn học từ nhỏ, sau đó đưa vào làm Phó tổng giám đốc Đại Tín nên tin tưởng thực hiện mọi chỉ đạo của bà Phấn…
Cự Giải (T/h)