Tại phiên tòa xử đại án Oceanbank chiều nay (22/9), đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm án cho nhiều bị cáo, song không có Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn.
Chiều 22/9, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần đối đáp của VKS với các lập luận bào chữa của luật sư.
Theo báo Tri thức trực tuyến, chiều 22/9, sau hơn một giờ trình bày quan điểm đối đáp, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm án, miễn hình phạt cho nhiều bị cáo.
Theo vị đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa, sau khi cân nhắc các ý kiến tranh luận tại phòng xử, VKS đã thay đổi một số quan điểm so với bản luận tội cách đây một tuần.
Trong số gần 30 bị cáo được VKS đề nghị HĐXX xem áp dụng miễn hình phạt, giảm nhẹ một phần hình phạt, trả lại tài sản đã nộp để khắc phục hậu quả..., không có Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank) và Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank).
Một tuần trước, trong bản luận tội, Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) bị VKS đề nghị: 16-18 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; chung thân tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tử hình tội Tham ô tài sản.Tổng mức hình phạt bị đề nghị là tử hình.
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên tòa chiều 22/9 - Ảnh: Vnexpress |
Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) bị đề nghị mức án: 19-20 năm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 18-20 năm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; chung thân tội Tham ô. Tổng mức hình phạt bị đề nghị là chung thân.
Với các bị cáo bị cáo buộc ở tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản, VKS đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó tổng OCeanbank) và Phạm Hoàng Giang (cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phẩn BSC Việt Nam).
VKS cũng đề nghị tuyên một số tình tiết giảm nhẹ cho Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BSC), xử phạt 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Ngoài ra cần cân nhắc, xem xét các ý kiến luật sư và bị cáo liên quan đến hành vi thu phí qua Công ty BSC để xử lý phù hợp theo các quy định của pháp luật.
Cơ quan giữ quyền công tố tại tòa cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo: Đỗ Đại Khôi Trang, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Thu Ba, Nguyễn Hoài Nam...
Trong số 51 bị cáo, VKS đề nghị miễn hình phạt với 4 người: Nguyễn Việt Hà (nguyên Giám đốc Oceanbank, Phòng giao dịch Chi nhánh Thái Bình), Nguyễn Phan Trung Kiên (nguyên Giám đốc Oceanbank, Phòng giao dịch Đông Đô), Nguyễn Thị Loan (nguyên Giám đốc Oceanbank, Phòng giao dịch Trung Yên) và Trần Anh Thiết (nguyên Giám đốc Oceanbank chi nhánh Hà Nội).
Viện Kiểm sát bác bỏ phần lớn quan điểm của luật sư
Theo báo An ninh Thủ đô, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, quá trình tranh luận, các luật sư nêu ra nhiều vấn đề trùng nhau. Do đó, VKS sẽ đối đáp theo từng tội danh gắn với từng nhóm vấn đề liên quan.
Cụ thể về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đại diện VKS tóm lược, tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo và luật sư đều thừa nhận có vi phạm quy định về trần lãi suất nhưng cho rằng việc này không gây hậu quả. Và nhờ việc chi lãi ngoài nên Oceanbank mới huy động được tiền gửi, tránh đổ bể và khoản tiền hơn 1.576 tỉ đồng giống như “mua đắt thì bán đắt”.
Đại diện VKS tại Tòa - Ảnh: VOV |
Đại diện VKS khẳng định, căn cứ vào các chứng cứ do CQĐT thu thập là lời khai của các bị cáo, kết luận giám định, có đủ cơ sở xác định số tiền chi lãi ngoài hơn 1.576 tỷ đồng là vi phạm quy định về trần lãi suất, vi phạm chế độ tài chính của các tổ chức tín dụng, không có giấy tờ hợp lệ, không có khả năng thu hồi...
Theo đại diện VKS, hậu quả của việc làm trái mà các bị cáo gây ra không chỉ làm thất thoát tài sản của Oceanbank, trong đó có tiền của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) mà quan trọng hơn là nó còn làm tiền đề cho tham nhũng phát triển. Nghiêm trọng hơn nữa là hành vi của các bị cáo đã làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với một số cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Oceanbank.
Ngoài ra, hơn 1.576 tỉ đồng thất thoát cũng góp phần đẩy nợ xấu của Oceanbank lên hơn 14.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu... Từ đó khiến Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng, đồng thời phải gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng này đối với khách hàng.
Đối đáp với các ý kiến, quan điểm của các luật sư, đại diện VKS nhìn nhận, trong hàng nghìn tỷ đồng chi lãi ngoài tại Oceanbank thì có 246 tỉ đồng chi cho Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc (TGĐ) Oceanbank và bị cáo này chiếm đoạt. Do đó, hậu quả do hành vi cố ý làm trái của Hà Văn Thắm cùng các bị cáo gây ra còn lại là hơn 1.300 tỉ đồng.
Đối với tội “Tham ô tài sản”, đại diện VKS xác định, quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và các luật sư cho rằng bị cáo này không phạm tội tham ô, chiếm đoạt tài sản vì bị cáo không có chức vụ và cũng không chiếm đoạt tiền của PVN.
Nhìn nhận hành vi này, đại diện VKS cho rằng tổng số tiền Oceanbank sử dụng để chi lãi ngoài là hơn 1.576 tỉ đồng. Đó đều là những khoản tiền mà OceanBank có được từ nhiều nguồn nhưng chủ yếu là nguồn huy động tiền gửi của các khách hàng. Sau đó, Oceanbank hạch toán vào các tài khoản cụ thể và có mục đích sử dụng rõ ràng...
“Trong lĩnh vực ngân hàng không cho phép hạch toán bừa, hạch toán sai, sử dụng không đúng mục đích. Vì khoản tiền này thuộc sở hữu của OceanBank nên cũng thuộc sở hữu của các cổ đông góp vốn. Những cổ đông lớn như PVN còn trực tiếp tham gia vào quá trình quản trị, điều hành OceanBank” – đại diện VKS khẳng định. Tiếp đến, đại diện cơ quan truy tố nhìn nhận hoạt động của Oceanbank không có hiệu quả thì cổ đông cũng phải chịu thiệt hại và gánh các nghĩa vụ tương ứng theo tỷ lệ góp vốn.
Các bị cáo tại phiên xử chiều 22/9. |
Trong số tiền Oceanbank bị thiệt hại có 246 tỉ được chi cho Nguyễn Xuân Sơn theo yêu cầu của bị cáo này và đã bị cựu TGĐ Oceanbank lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt. Căn cứ theo tỷ lệ góp vốn của PVN thì hơn 49 tỉ đồng trong số tiền này thuộc sở hữu của PVN và nói cách khác là thuộc sở hữu của Nhà nước.
Nhìn nhận bản chất hành vi, đại diện VKS cho rằng thời điểm chiếm đoạt tiền, Nguyễn Xuân Sơn không còn làm việc ở Oceanbank nhưng chủ trương chi lãi ngoài đã có từ trước khi bị cáo này trở về công tác tại PVN. Mặt khác, VKS nhận thấy việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cử Nguyễn Xuân Sơn làm người đại diện phần vốn góp tại Oceanbank là có sự xác nhận của đại diện PVN ngay tại phiên tòa.
“Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tại PVN và đối tác chiến lược của Oceanbank... để chiếm đoạt số tiền 246 tỉ đồng, trong đó có hơn 49 tỉ đồng là tiền của Nhà nước” – đại diện VKS đánh giá. Vì thế có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phạm tội “Tham ô tài sản”. Tiếp đến, cơ quan truy tố xác định Hà Văn Thắm là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Sơn tham ô tài sản.
Đối với cựu Chủ tịch Oceanbank, đại diện VKS nhận thấy quá trình xét xử bị cáo Thắm cho rằng mình là doanh nghiệp nên không phải chủ thể của nhóm tội tham nhũng. Tuy nhiên, theo đại diện VKS, căn cứ vào lời khai của bị cáo tại phiên tòa và cơ quan điều tra, căn cứ vào lời khai của bị cáo Nguyễn Minh Thu – cựu TGĐ Oceanbank và một số bị cáo khác hoàn toàn có đủ cơ sở xác định Hà Văn Thắm đã đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn về tội “Tham ô tài sản”.
Về số tiền chiếm đoạt, bị cáo Sơn khai đã đưa hết cho Ninh Văn Quỳnh – cựu Phó TGĐ PVN nhưng lại không đưa ra được bằng chứng nào khác. Trong khi đó, tại tòa, Ninh văn Quỳnh khai chỉ nhận từ bị cáo Sơn 20 tỉ đồng, trong đó có 5 tỉ đồng ở giai đoạn trước khi Sơn về làm Phó TGĐ PVN. Vì vậy, Nguyễn Xuân Sơn chỉ được giảm trừ số tiền 20 tỉ đồng mà Ninh Văn Quỳnh khai nhận về mặt dân sự.
Không có việc đánh tráo hồ sơ
Cùng cập nhật về diễn biến phiên tòa, báo Tuổi trẻ thông tin thêm, theo đại diện viện kiểm sát, tại tòa luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) cho rằng có 81 bút lục trong vụ án bị rút ra, thay thế bằng 81 bút lục khác.
Tuy nhiên, qua kiểm tra biên bản bàn giao hồ sơ vụ án giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát, giữa viện kiểm sát và tòa án, đại diện viện kiểm sát khẳng định: "Hồ sơ vụ án nguyên vẹn, không mất"
"81 bút lục luật sư Thơ cho rằng bị rút ra là tài liệu trước khi khởi tố vụ án Hà Văn Thắm, do điều tra viên khác, không phải điều tra viên được phân công trong vụ án thực hiện. Chúng tôi cũng đã cẩn trọng nghiên cứu các bút lục này thì nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín, không nằm trong pham vi xem của vụ án này" - đại diện VKS cho biết.
(Tổng hợp)