+Aa-
    Zalo

    Đại án ở DAB: Vũ "nhôm" khai có 3 tên, 2 quốc tịch

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) cho biết, y còn có 2 tên khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Ngoài quốc tịch Việt Nam, Vũ "nhôm" còn có quốc tịch Antigua and Barbuda.

    Trả lời HĐXX, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) cho biết, ngoài tên trên còn có 2 tên khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Ngoài quốc tịch Việt Nam, Vũ "nhôm" còn có quốc tịch Antigua and Barbuda.

    Sáng 27/11, TAND TP.HCM đưa các bị cáo: Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 24 đồng phạm ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại DAB.

    Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 27/11 đến 25/12.

    Phiên xét xử do ông Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa cùng thẩm phán Phạm Văn Hà và 3 hội thẩm nhân dân, 2 thẩm phán dự khuyết. Đại diện VKSND TP.HCM là ông Phạm Văn Dũng, bà Nguyễn Quỳnh Lan và Lê Thị Đông.

    Vũ "nhôm" được dẫn giải đến tòa - Ảnh: Dân trí

    Ngoài ra, VKSND TP.HCM cũng cử thêm 3 KSV dự khuyết tham gia phiên tòa.

    Nguyên đơn dân sự là Ngân hàng DAB. Có 27 tổ chức và 306 cá nhân là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Trần Phương Bình) được triệu tập tới tòa.

    Có 60 luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa. Trong đó, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) bào chữa cho Vũ Nhôm. Cựu Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á - ông Trần Phương Bình có 3 luật sư là Phan Trung Hoài, Phạm Công Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) và Bùi Thị Hồng Giang (Đoàn luật sư Hà Nội).

    Trong phần kiểm tra căn cước, bị cáo Vũ "nhôm" khai ngoài tên Phan Văn Anh Vũ còn có tên Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ. Bị cáo có 2 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và Antigua and Barbuda. Chủ tọa cho biết sẽ làm rõ thông tin này sau.

    Chủ tọa hỏi Vũ "nhôm" chuyển hộ khẩu về 22 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, khi nào thì Vũ trả lời không nhớ rõ. Chủ tọa hỏi tại sao chuyển hộ khẩu mà không nhớ.

    "Tại bị cáo bị bắt lâu rồi và vụ án này làm oan bị cáo lắm", Vũ "nhôm" trả lời và kêu oan dù chưa vào phần xét xử.

    Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến - Ảnh: VnExpress

    Trước đó, là người đầu tiên được gọi lên thẩm tra lý lịch, giọng ông Trần Phương Bình khá bình tĩnh, trả lời rành mạch các câu hỏi của HĐXX.

    Ông Bình cho biết đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank từ năm 1998 và là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2013 đến 2015. Ông là cử nhân kinh tế, nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy kinh tế, trước khi chuyển sang gây dựng và dẫn dắt ngân hàng phát triển hơn 23 năm qua.

    Ngày 20/8/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định đình chỉ chức tổng giám đốc và thành viên Hội đồng Quản trị của ông Trần Phương Bình, sau khi đưa DAB vào diện kiểm soát đặc biệt.

    Tòa tiếp tục kiểm tra lý lịch của 24 bị cáo nguyên là cán bộ của Ngân hàng DAB, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS 1999) và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285, BLHS 1999).

    Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (60 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc DAB) bị cho là đồng phạm giúp sức tích cực cho ông Trần Phương Bình chiếm đoạt tiền của DAB.

    Cáo trạng cho thấy, Vũ nhôm đã lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 200 tỉ đồng của DAB khi muốn mua cổ phần trong đợt tăng vốn điều lệ của ngân hàng này.

    Theo cáo buộc, do có chủ trương tăng vốn điều lệ ngân hàng nên ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc của DAB lúc đó đã gặp Phan Văn Anh Vũ để bàn bạc về việc bán cổ phần cho Vũ và Vũ đồng ý mua cổ phần với trị giá 600 tỉ đồng.

    Trong đó, 400 tỉ do Vũ thế chấp 220 lô đất ở Đà Nẵng để vay của DAB còn 200 tỉ thì ông Bình chỉ đạo nhân viên xuất phiếu thu khống cho Vũ, nghĩa là Vũ không nộp tiền nhưng vẫn được ghi nhận có tiền để dùng tiền đó mua cổ phần.

    Sau này, việc tăng vốn điều lệ không thành công, ông Bình chỉ đạo chuyển trả tiền cho Vũ gồm cả gốc và lãi là 609 tỉ đồng. Vũ đã sử dụng chính số tiền này mua lại cổ phần của DAB và tiêu xài cho việc riêng.

    Trong suốt quá trình điều tra, Vũ thừa nhận là có nhận số tiền này nhưng không biết đấy là tiền của DAB, sau đó, anh trai của Vũ đã nộp khắc phục hậu quả 13 tỉ đồng trước khi cáo trạng truy tố các bị cáo được ban hành.

    Và trong thời gian chờ xét xử, gia đình Vũ đã nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, đến nay, tổng số tiền mà Vũ đã nộp là 173 tỉ đồng.

    Ngoài số tiền 203 tỉ đồng (bao gồm cả gốc và lãi) chiếm đoạt của DAB, Phan Văn Anh Vũ còn nhận từ ông Trần Phương Bình số tiền 13,4 triệu đô la.

    Số tiền này cũng do ông Bình rút ruột ngân hàng mà có nhưng Vũ khai rằng đây chỉ là tiền vay của ông Bình hoặc nhờ ông Bình mua đô la chứ Vũ không chiếm đoạt của ngân hàng.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-an-o-dab-vu-nhom-khai-co-3-ten-2-quoc-tich-a252787.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan