Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông đề nghị áp dụng mức án cao nhất trong khung hình phạt đối với từng tội danh.
2 ngày xét xử vụ án tham nhũng tại Chi nhánh Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông, trong khi hầu hết các bị cáo đều nhận tội theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông, thì bị cáo Vũ Việt Hùng (nguyên Giám đốc chi nhánh VDB khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông ) luôn kêu oan và phủ nhận tất cả các tội danh.
Bị cáo Hùng luôn chối tội, nhưng vẫn phải đối mặt với án tử hình. Ảnh: N.S |
Về phía các nguyên đơn dân sự, thì cả Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á đều không thừa nhận số tiền thiệt hại như đã nêu trong cáo trạng. Kết thúc phần xét hỏi, VKSND tỉnh Đắk Nông đã giữ nguyên các tội danh truy tố các bị cáo, và đề nghị mức án tử hình đối với Vũ Việt Hùng, 4 án tù chung thân đối với các Giám đốc công ty lừa đảo.
Tại phiên tòa, các bị cáo Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân đã khai nhận tội, bằng việc làm giả các hợp đồng kinh tế xuất khẩu, từ tháng 10/2008 đến tháng 7/2010, họ đã vay được gần 2.000 tỷ đồng của Chi nhánh Ngân hàng phát triển khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông, trong đó chiếm đoạt hơn 357 tỷ đồng. Để đủ các điều kiện vay vốn, các bị cáo này đã hối lộ cho Giám đốc chi nhánh ngân hàng là Vũ Việt Hùng 1 xe ô-tô BMW X6 trị giá hơn 2 tỷ đồng.
Khi các bị cáo mất khả năng trả nợ, Hùng đã ký khống các hợp đồng tiền gửi, xác nhận không đúng sự thật để giúp các đối tượng tiếp tục lừa đảo vay 580 tỷ đồng của Ngân hàng Nam Á – chi nhánh Hà Nội và Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông – Sở giao dịch TP. HCM.
Lời khai của các bị cáo Mai và Xuân cũng phù hợp với lời khai của các bị cáo khác cùng tham gia vay vốn tại các ngân hàng, cũng như lời khai của những bị cáo nguyên là cán bộ các ngân hàng bị truy tố về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng. Các bị cáo Trần Xuân Lộc và Nguyễn Thị Hồng Liên (cán bộ Chi nhánh Ngân hàng phát triển Đắk Lắk - Đắk Nông), đều khai rằng Hùng với cương vị giám đốc đã chỉ đạo buộc họ phải hợp lý hóa các điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn.
Các bị cáo Trương Đình Hải (nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Nội - Ngân hàng Nam Á), Lâm Hữu Hạnh (nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông), Võ Tiến Đạt (nguyên Giám đốc Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh - Ngân hàng Phương Đông) thì thừa nhận những sai phạm của mình khi xét duyệt cho vay đối với các doanh nghiệp, cũng vì quá tin vào những xác nhận, cam kết mà Vũ Việt Hùng đã ký.
Ngược lại, bị cáo Vũ Việt Hùng liên tục kêu oan, phủ nhận lời khai của các bị cáo khác, và phủ nhận cả 3 tội danh: nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động tín dụng mà Viện kiểm sát truy tố.
Kết thúc 2 ngày xét hỏi đối với các bị cáo, VKSND tỉnh Đắk Nông đã đưa ra quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị áp dụng mức án cao nhất trong khung hình phạt đối với từng tội danh của các bị cáo. Cụ thể, án tử hình đối với bị cáo Vũ Việt Hùng về tội nhận hối lộ; tù chung thân đối với các bị cáo Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Kim Loan; từ 18 đến 20 năm tù giam đối với bị cáo Đặng Thị Ngân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo nguyên là cán bộ các ngân hàng bị đề nghị mức án từ 5 đến 10 năm tù giam về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng. Đối tượng môi giới vay vốn Nguyễn Văn Khánh bị đề nghị mức án 12 đến 13 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông còn đề nghị xử phạt Vũ Việt Hùng từ 8 đến 10 tỷ đồng và tịch thu một số tài sản sung công quỹ nhà nước; đề nghị buộc Ngân hàng phát triển phải trả lại số tiền hơn 510 tỷ đồng cho các Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Nam Á vì đây là số tiền do các đối tượng lừa đảo mà có; buộc các bị cáo phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt của các ngân hàng. Việc này sẽ được thi hành án bằng những tài sản đảm bảo đang bị phong tỏa của các bị cáo Hùng, Mai, Xuân, Vân, Loan.
Hôm nay (13/3), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo và các bên liên quan.
Theo VOV