(ĐSPL) - Liên quan đến việc Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng, thêm 10 sếp ngân hàng bị truy tố.
Theo báo Vnexpress, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank (Nay là Ngân hàng TMCP Nam Việt) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Là người giữ vai trò cầm đầu vụ án, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) vẫn bị giữ nguyên truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như - Ảnh: báo Vnexpress |
Như báo Thanh niên đã đưa tin trước đó, tháng 4/2011, Lê Quang Trí chủ trì cuộc họp thống nhất chủ trương thông qua các nhân viên Navibank (nay đổi tên thành Ngân hàng TMCP Nam Việt) đứng tên gửi hơn 1.543 tỉ đồng vào Ngân hàng (NH) TMCP Công thương VN (Vietinbank) chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM, đã nhận gần 76 tỉ đồng tiền lãi (với lãi suất 14%/năm). Riêng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng, Navibank giao cho ông Huỳnh Vĩnh Phát mở tài khoản riêng chuyển khoản 15 tỉ đồng. Số tiền này được Navibank mở sổ sách theo dõi và chuyển cho 47 cá nhân vay tiền để tất toán lãi vay khi đến hạn. Hành vi của những bị can này phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 7/1/2015, TAND tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, đã kiến nghị Viện KSND tối cao và Cơ quan CSĐT - Bộ Công an xác minh làm rõ một số đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi vượt quá 10 lần lãi suất do NH Nhà nước quy định nhưng chưa bị khởi tố và trách nhiệm của một số cán bộ NH có dấu hiệu cố ý làm trái.
Sau khi điều tra xác định, đối với kiến nghị “hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm đã xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty CPTM và đầu tư Hưng Yên, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CPĐT An Lộc, Công ty bảo hiểm toàn cầu và Công ty CPCK Sài Gòn Bank Berjaya, để điều tra xét xử lại”, cơ quan điều tra cho rằng bản chất hành vi phạm tội và quá trình phạm tội của Như đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo.
Cụ thể, do cần tiền trả nợ, khi biết các công ty nói trên có tiền muốn gửi NH, Như đã giả danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, tự thỏa thuận với các nhân viên, lãnh đạo các công ty sẽ chi lãi suất và chi ngoài cao đến 36%/năm. Sau đó, Như làm giả hợp đồng tiền gửi giữa các công ty với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Do các công ty trên cũng có chủ trương gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao trái quy định của pháp luật ngay từ đầu nên đã buông lỏng quản lý tài khoản, tạo điều kiện để Như lợi dụng trích chuyển tiền và chiếm đoạt hàng ngàn tỉ của các công ty trên.
Đối với kiến nghị khởi tố 7 người cho vay nặng lãi, chỉ đủ căn cứ khởi tố hành vi của Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung (kinh doanh bất động sản, ngụ TP.HCM). Trung đã cho Như vay với lãi suất 144%/năm, hưởng hơn 660 tỉ đồng tiền lãi suất. Trung đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra đối với Trung.
Ngoài ra, với đề nghị điều tra, xem xét trách nhiệm của các lãnh đạo của Vietinbank chi nhánh TP.HCM là ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên giám đốc), Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (đều là phó giám đốc) liên quan đến việc Như chiếm đoạt 1.419 tỉ đồng của 4 đơn vị là NH TMCP Á Châu, NH TMCP Nam Việt, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CP ĐT và TM An Lộc, tài liệu điều tra xác định, theo quy định của NH Nhà nước và Vietinbank những người này không có trách nhiệm phải kiểm tra từng nghiệp vụ phát sinh tại phòng giao dịch.
Tuy nhiên, là lãnh đạo của Vietinbank thì phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn vật tư, tài sản, tiền vốn, con người, nhưng lãnh đạo ngân hàng này đã không quản lý chặt chẽ cán bộ dưới quyền, để một số cá nhân lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm về hành chính.
Cũng theo báo Vnexpress, với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của nhiều khách hàng, đầu năm 2014, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án tù chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Một năm sau, TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên hủy một phần bản án về tội lừa đảo, điều tra lại về tội Tham ô đối với Như. Dự kiến trong thời gian tới Như và đồng phạm bị đưa ra xét xử trong giai đoạn 2 của vụ án.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009) 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]MgnkZujQxJ[/mecloud]