(ĐSPL) - Trả lời HĐXX đối với những tài sản thế chấp NH, bà Chi đề nghị xử lý dựa trên các hợp đồng tín dụng.
Theo VOV đưa tin, Bà Quách Kim Chi – vợ cựu Chủ tịch VNCB lần đầu tiên trả lời thẩm vấn tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh. Trả lời HĐXX đối với những tài sản thế chấp NH, bà Chi đề nghị xử lý dựa trên các hợp đồng tín dụng.
Cho rằng các tài sản là của hai vợ chồng nên bà Chi muốn những tài sản xử lý nợ cho NH thì trả lại phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của bà Chi. Phần còn lại, bà Chi lại đề nghị xin được trao đổi bàn bạc với chồng để tìm cách xử lý. Với ba bất động sản không thế chấp nhưng đang bị kê biên, bà Chi đề nghị giải tỏa kê biên những tài sản đó.
Làm rõ, HĐXX xác định, Tập đoàn Thiên Thanh là Công ty TNHH hai thành viên gồm Phạm Công Danh và bà Quách Kim Chi. Do vậy, tòa sẽ xem xét trách nhiệm nghĩa vụ tài chính dựa trên cơ sở pháp luật này.
Bị cáo Phạm Công Danh (Ảnh: Thanh Niên) |
Nêu ý kiến, ông Phạm Công Trung đề nghị được tạo điều kiện giải tỏa kê biên tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh và những tài sản đang thế chấp NH để làm thủ tục phối hợp cùng các NH chào mời các nhà đầu tư để bán với giá cao hơn nhằm thu hồi tiền cho Nhà nước, đảm bảo quyền lợi các bên.Sau khi thẩm vấn xong các bên liên quan về vấn đề kê biên tài sản của vụ án, luật sư tham gia tranh tụng tại tòa bắt đầu tham gia xét hỏi.
Luật sư Phan Trung Hoài – bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh mở đầu phần xét hỏi của các luật sư. Xung quanh việc thành lập VNCB, luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi với đại diện NHNN. NHNN có 3 đại diện tham gia trả lời luật sư.
Theo nội dung trả lời của đại diện NHNN, thời điểm thanh tra, NH Đại Tín chốt số liệu vào ngày 29/2/2012, Đại Tín kinh doanh âm hàng ngàn tỉ đồng.
Ba nguyên nhân được thanh tra NHNN đưa ra là do bà Hứa Thị Phấn thao túng toàn bộ NH nhằm phục vụ cho cá nhân và các công ty của bà Phấn và chây ỳ không trả nợ; Lãnh đạo của NH Đại Tín vi phạm trong hoạt động tín dụng; Hoạt động ban kiểm soát hoạt động không hiệu quả.
NHNN đã có kiến nghị yêu cầu Đại Tín bằng mọi giải pháp để thu hồi nợ, nhưng sau 15 tháng không giải quyết định. Chính vì vậy, NHNN đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để xem xét trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi luật sư về chấp thuận tái cơ cấu Đại Tín, đại diện NHNN cho biết, việc phê duyệt tái cơ cấu diễn tra trong nhiều bước khác nhau từ chủ trương, chấp thuận nhóm cổ đông mới và chấp thuận đề án tái cơ cấu.
Về thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần và nghĩa vụ giữa nhóm Phú Mỹ (đại diện bà Hứa Thị Phấn) và nhóm cổ đông mới (đại diện là Phạm Công Danh), NHNN không có nghĩa vụ phải phê duyệt thỏa thuận này. Thỏa thuận chuyển nhượng giữa hai bên là giao dịch dân sự.
Về việc đổi tên từ Đại Tín sang VNCB, NHNN căn cứ vào các quy định của lĩnh vực NH và luật doanh nghiệp để xử lý. Bên cạnh đó, NHNN cũng không phê chuẩn chức danh của các tổ chức tín dụng. “Về mặt pháp lý, người đại diện pháp luật quy định căn cứ vào điều lệ của NH”, đại diện NHNN cho biết.
Trả lời câu hỏi về chi phí chăm sóc khách hàng, đại diện NHNN cho biết, theo quy định không được huy động vượt trần lãi suất. NHNN phát hiện và đã xử lý nhiều vi phạm. NHNN cũng đã có văn bản chấn chỉnh về lãi suất.
Cũng theo thông tin của đại diện NHNN dựa vào báo cáo kiểm toán độc lập tính đến ngày 30/11/2014 việc kinh doanh của VNCB đã âm khoảng 27.000 tỷ đồng.
Đối với cơ sở pháp lý mua lại VNCB với giá 0 đồng, NHNN dựa trên Luật các tổ chức tín dụng, Luật NHNN và một số văn bản liên quan.
Ngoài ra, đại diện NHNN cũng trả lời một số câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài như lập đoàn kiểm tra NH Đại Tín liên quan đến kiến nghị của nhóm Trần Ngọc Bích.
Tiếp tục tham gia xét hỏi, luật sư Phan Trung Hoài thẩm vấn đại diện VNCB.
Một loạt câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài đối với đại diện VNCB, đại diện NH này không nắm được đầy đủ thông tin cũng như từ chối trả lời như liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh của VNCB tại Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Long An, về số sổ tiết kiệm của nhóm bà Trần Ngọc Bích…
Nội dung mà đại diện VNCB có thể trả lời khá trọn vẹn là trước khi cơ quan điều tra khởi tố, về thực trạng của NH, lỗ lũy kế hơn 11.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng. Theo báo cáo thì nhóm Phương Trang nợ 9700 tỷ đồng.
Luật sư Phan Trung Hoài cũng thẩm vấn Phan Thành Mai – cựu TGĐ VNCB về thời điểm tiếp nhận NH. Vẫn như lời khai trước đó, Phan Thành Mai cho biết, khi tiếp nhận NH Đại Tín rất khó khăn, nhiều khoản tiền của NH, gia đình Phạm Công Danh phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng chi trả.
Ngoài ra, Phan Thành Mai cũng trả lời luật sư về khoản tiền chăm sóc khách hàng. Số tiền này theo cựu TGĐ VNCB là rất lớn, không thể đưa vào hệ thống thanh toán của NH.
Theo chỉ đạo của Phạm Công Danh thì nguồn tiền chi chăm sóc khách hàng phải thực hiện nhiều phương thức và làm bằng mọi cách. Lúc đó, Phan Thành Mai nghĩ tới hai phương án là: Bỏ chạy ra khỏi vị trí đang nắm giữ; Ở lại thì phải tuân thủ theo chỉ đạo của Phạm Công Danh.
Phan Thành Mai đã phải suy nghĩ và hiểu rằng, không có thanh khoản thì NH sẽ sập bất cứ lúc nào và đã quyết định ở lại tuân thủ theo chỉ đạo của cựu Chủ tịch VNCB.
Về việc nâng vốn điều lệ của VNCB, Phan Thành Mai cũng cho biết, cuối tháng 11/2013, các cổ đông mới chuyển vào tài khoản phong tỏa để nâng vốn điều lệ tại chi nhánh Tân Phú lên từ 3000 tỷ đồng lên 4500 tỷ đồng.
Do số tiền này nằm trong tài khoản không kỳ hạn không sinh lãi. NH cũng muốn sử dụng số tiền này nên đã trình làm thủ tục trình NHNN để xin nâng vốn điều lên lên 7500.
Do chưa nhận được quyết định, thời gian kéo dài nên Phạm Công Danh chỉ đạo dùng nguồn tiền này. Theo Mai, lý do NHNN chưa chấp thuận việc tăng vốn điều lệ, do NHNN đang triển khai thanh tra lại tiền góp vốn của cổ đông có đúng quy định pháp luật hay không?
Theo báo Tiền Phong, trong buổi sáng ngày 4/8, bà Trần Ngọc Bích – người được Tòa triệu tập với tư cách nghĩa vụ, quyền lợi liên quan tới vụ án – đã được HĐXX thẩm vấn liên quan tới lời khai ‘có nhận lãi ngoài’ của VNCB.
Trước đó tại tòa, ông Phạm Công Danh và thuộc cấp nói rằng có đưa tiền lãi cho bà Bích và có sự thỏa thuận giữa ông Danh và bà Bích trong chuyện ông Danh tự ý chuyển dịch 5.190 tỷ đồng từ tài khoản bà Bích gởi tại VNCB.
Trong khi đó, bà Bích nói rằng không giao dịch gì với ông Phạm Công Danh
Đại diện VKS tại phiên tòa hỏi bà Bích có xem 3 bút lục mà ngày 2/8 Tòa đưa cho bà xem chưa. Trả lời HĐXX, bà Bích nói rằng đã xem.
3 bút tích mà Tòa đưa bà Bích xem là các bút lục. Trả lời HĐXX, bà Bích nói rằng bút lục số 4796, 4834 và 4807 có dòng chữ “Nhận lãi ngoài”. “Đây là các dòng chữ ghi thêm” – Bà Trần Ngọc Bích nói.
Cũng theo bà Bích, “Thông tin từ phía luật sư, hồ sơ vụ án không có dòng chữ “Nhận lãi ngoài” này. Do vậy tôi không giải thích được dòng chữ đó. Đề nghị VKS làm rõ dòng chữ “Nhận lãi ngoài” ở đâu ra”.
Và một lần nữa, bà Bích nói rằng bà chỉ giao dịch với bà Trang (Trang Phố Núi) và đó là “Giao dịch dân sự”.
Như vậy cho đến ngày xét xử thứ 13 này, HĐXX đã khá ‘sòng phẳng’ khi trước đó cho ông Danh và các thuộc cấp nêu quan hệ giữa ông Danh và bà Bích, nay thì Tòa cho bà Bích công khai nêu ý kiến phản tố của mình.
Tuy nhiên, do bà Bích phát hiện bút lục có ‘thêm hàng chữ’ nên sáng nay, bà Bích chưa nêu chính kiến của mình từ các bút tích là chứng cứ này.
Khi nghe bà Bích trình bày, Tòa nói bà Bích làm giải trình gởi cho thư ký phiên tòa để HĐXX xem xét.
Xem ra chuyện ông Danh tự ý dịch chuyển 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của bà Bích sang cho mình, vẫn còn là một ‘ẩn số’ mà HĐXX sẽ tiếp tục xem xét trong những ngày tiếp theo của phiên tòa.