Sau khi nhận nhà đất từ bố mẹ, nhiều trường hợp con cái bất ngờ "trở mặt," thay đổi thái độ, thậm chí đuổi bố mẹ ra khỏi nhà hoặc từ chối chăm sóc họ. Vậy, trong trường hợp này bố mẹ đòi lại đất được không?
Theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quyền chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trừ trường hợp: Thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư; Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;
- Hộ gia đình cá nhân chưa được cấp nhưng đủ điều kiện cấp sổ đỏ thì được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
- Trong thời hạn sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Quy trình thực hiện cho tặng quyền sử dụng đất gồm 4 bước, bao gồm:
Bước 1: Người tặng cho thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực hợp đồng tặng cho tại phòng công chứng, văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND nơi có đất.
Bước 2: Kê khai thuế, lệ phí trước bạ.
Bước 3: Đăng ký biến động đất đai.
Bước 4: Cán bộ tiếp nhận sẽ trả bạn phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
Việc tặng cho quyền sử dụng đất được pháp luật xác nhận khi hợp đồng tặng cho được công chứng, đã làm xong thủ tục đăng ký biến động tại văn phòng đăng ký đất đai và hoàn tất việc đăng ký biến động vào sổ địa chính.
Thông thường, bố mẹ không có quyền lấy lại đất đã tặng cho vì việc tặng cho đã hoàn tất và đã có hiệu lực; các bên tặng cho tự nguyện, không lừa dối, cưỡng ép nên không có căn cứ để tòa án tuyên vô hiệu.
Tuy nhiên cũng có trường hợp tòa án sẽ tuyên vô hiệu nếu hợp đồng tặng cho đã công chứng quy định điều kiện hợp đồng được hủy bỏ do có những điều khoản ràng buộc về hậu quả pháp lý.
Theo Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện như sau:
- Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, người nhận tặng cho sẽ chỉ được nhận tài sản khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ mà người tặng cho đã đưa ra trong hợp đồng tặng cho.
Trong trường hợp này, nếu bên phía được tặng cho là con cái không thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng tặng cho đó thì bố mẹ có thể đòi lại tài sản đã tặng cho đó.