+Aa-
    Zalo

    Đà Nẵng: Không thể kê biên sân vận động Chi Lăng để thi hành án vụ Phạm Công Danh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng cho hay, khu phức hợp SVĐ Chi Lăng mới được phê duyệt sơ đồ ranh giới, chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết...

    Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng cho hay, khu phức hợp sân vận động Chi Lăng mới được phê duyệt sơ đồ ranh giới, chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết nên người nhận chuyển nhượng cũng không thể sử dụng đất vì việc sử dụng đất bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch.

    Ngày 30/6, Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết, ông Trần Phước Thu, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, đã có báo cáo về việc xử lý tài sản là sân vận động Chi Lăng để thi hành án vụ Phạm Công Danh.

    Theo Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, bản án tuyên buộc ông Phạm Công Danh và Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh và một công ty khác có nghĩa vụ liên đới bồi hoàn cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam gần 4.000 tỉ đồng và tiền lãi đối với các khoản vay.

    Tài sản được kê biên để thực hiện nghĩa vụ thi hành án là các lô đất ở sân vận động Chi Lăng.

    Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng - Ảnh: NLĐ

    Tuy nhiên, hiện nay theo Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, tính đến ngày 30/4/2019, ông Phạm Công Danh, Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh phải trả các khoản vay được đảm bảo tài sản sân vận động Chi Lăng với nợ gốc là 4.000 tỉ đồng và lãi phát sinh 4.408 tỉ đồng, tổng cộng gốc và lãi là 8.408 tỉ đồng.

    Còn theo cung cấp của Agribank chi nhánh Láng Hạ, tính đến nay Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh còn phải trả khoản vay được đảm bảo tài sản là 1 lô đất trong sân vận động Chi Lăng với nợ gốc là 219 tỉ đồng.

    Theo ông Trần Phước Thu, tài sản thế chấp là 10 lô đất trong khu phức hợp sân vận động Chi Lăng (gọi là sân vận động Chi Lăng) nhưng theo Luật đất đai năm 2003, khu phức hợp sân vận động Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì thời hạn sử dụng đất là có thời hạn.

    Trong khi đó, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại khu phức hợp sân vận động Chi Lăng được cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật đất đai về thời hạn sử dụng đất.

    Theo quy định pháp luật về đất đai và kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012 của Thanh tra Chính phủ, thành phố phải thu hồi những giấy chứng nhận này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định.

    Ngoài ra, ông Thu cho biết khu phức hợp sân vận động Chi Lăng mới được phê duyệt sơ đồ ranh giới, chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết nên người nhận chuyển nhượng cũng không thể sử dụng đất vì việc sử dụng đất bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch.

    Điều này dẫn tới việc các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thực hiện được.

    Theo Tiền Phong, trước đó, cuối năm 2018, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có công văn và báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sân vận động Chi Lăng và các vướng mắc trong thi hành án vụ án Phạm Công Danh.

    Ông Thơ cho biết, việc thi hành án bản án Phạm Công Danh và đồng phạm trong đó có nội dung xử lý đối với tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực sân vận động Chi Lăng là rất phức tạp, khó thi hành án và có thể kéo dài. Việc này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của nhân dân thành phố vì sân Chi Lăng là địa điểm văn hóa, thể thao có ý nghĩa quan trọng đối với Đà Nẵng.

    Từ đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tạo điều kiện cho phép chính quyền thành phố được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân vận động thông qua thi hành án bằng thỏa thuận với bên có quyền và nghĩa vụ liên quan.

    Theo đó, thành phố sẽ chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các đơn vị thực nộp vào ngân sách khi chuyển giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng (sau khi giảm 10% là 139 tỷ đồng) để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp.

    Hiện nay, Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng Xây dựng đều là 100% vốn nhà nước. Do đó, Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Đà Nẵng để cho phép thành phố thỏa thuận với các ngân hàng nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các lô đất thuộc sân Chi Lăng.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/da-nang-khong-the-ke-bien-san-van-dong-chi-lang-de-thi-hanh-an-vu-pham-cong-danh-a282207.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan