“Cái bánh ngân sách dù có trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay. Đã đến lúc không thể ầu ơ, khoan nhượng với tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước”, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn nêu quan điểm.
Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) rất tâm đắc, đánh giá cao báo cáo của đoàn Giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) nêu thực trạng, có quá nhiều văn bản chỉ đạo từ Nghị quyết của Đảng đến các hình thức văn bản khác như luật của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Trong vô số văn bản đó, nhiều văn bản chồng chéo, giao thoa, đan xen hoặc bỏ trống làm cho người thi hành hết sức khó khăn. Có loại chồng chéo, có thể phối hợp giải quyết được nhưng cũng có loại chồng chéo, giao thoa mà quan điểm không thống nhất nên không thực hiện được.
Việc tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nói chung, bộ máy hành chính nói riêng còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả. Chức năng nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo, cơ cấu bên trong thiếu hợp lý, tổ chức biên chế phình to, tăng tổ chức, tăng biên chế là có thật.
ĐBQH Nguyễn Minh Sơn. (Ảnh: Quochoi.vn). |
“Tôi thấy không đơn thuần tách là làm tăng biên chế, nhập là làm giảm biên chế. Tách nhập, thành lập mới là tùy thuộc hoàn toàn vào nhu cầu thiết yếu, không làm là không hoạt động được, cản trở sự phát triển. Phải là nhu cầu khách quan, cân nhắc thật kỹ mà bố trí cán bộ thích hợp, không khiên cưỡng, gượng ép. Như thế là hỏng và không bao giờ tinh giản được”, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn nói.
“Muốn giảm được chi từ ngân sách Nhà nước, tinh giản được biên chế từ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp rất cần sự chung sức, chung lòng của toàn dân. Người dân nhất định không thể đứng ngoài cuộc ca thán, trách móc Nhà nước. Người dân hãy vào cuộc chung tay góp sức với Nhà nước để đỡ tiêu tốn ngân sách Nhà nước, giảm biên chế. Đã đến lúc không thể ầu ơ, khoan nhượng với tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước đã được Đảng chủ trương từ nhiều năm nay”, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.
Ông cũng nhắc lại, trước đây, nhiều ĐBQH so sánh ngân sách Nhà nước như cái bánh, chia kiểu nào cũng không đủ. Nếu rất muốn tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển thì chi hành chính sự nghiệp lại thiếu nên cứ co kéo mãi. Từ khi Đảng chủ trương đổi mới, cái gì Nhà nước ôm không nổi thì nên để xã hội chung lo.
“Tuy nhiên, sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, hơn 30 năm đổi mới toàn diện nhưng cái bánh ngân sách dù trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó có thể bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay”, vị ĐBQH tỉnh Tiền Giang nêu.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho biết, ông đã nêu vấn đề này từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII và từng chất vấn Bộ trưởng bộ Nội vụ vì sao sau 5 năm thực hiện đề án tinh giản biên chế, nhưng biên chế không giảm mà phình ra, số lượng Cục, Vụ tăng lên, nhiều Bộ số lượng Thứ trưởng vượt quá quy định, làm tăng gánh nặng quỹ lương, ảnh hưởng đến đề án tiền lương của Chính phủ.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương. (Ảnh: Quochoi.vn). |
“Tình trạng tăng biên chế vẫn tiếp tục qua các năm, đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến ĐBQH đã nêu vấn đề, Bộ trưởng bộ Nội vụ có nêu một giải trình mà tôi rất chia sẻ là “quýt làm, cam chịu”. Báo cáo giám sát của Quốc hội nêu hạn chế, ưu điểm rất thẳng thắn. Tôi thấy rằng, hệ thống văn bản còn nhiều kẽ hở, bị lợi dụng, một số luật, văn bản ban hành phát sinh thêm biên chế”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho hay.
“Trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được. Tỉnh làm được thì huyện, xã, phường làm được. Bộ làm được thì các sở, ngành làm được, từ đó, cấp phó tăng nhanh không chỉ trong các cơ quan Nhà nước mà kể cả cơ quan trong Đảng và đoàn thể. Thực tế có những phòng, ban phần lớn là lãnh đạo, thậm chí chỉ có lãnh đạo không có nhân viên. Thế nhưng trong suốt thời gian dài không có cơ quan nào bị nhắc nhở, phê bình.
Chưa có quy định ràng buộc theo kiểu, có bao nhiêu biên chế thì cần cấp phó, bao nhiêu biên chế thì được 2 cấp phó, bao nhiêu lớp mới được thành lập một trường. Hiện nay, có những xã chỉ 150 học sinh cũng có một trường.
Chính sự phân cấp phân quyền có sự trùng lặp, Trung ương làm, địa phương cũng làm, như vậy là thừa biên chế. Cơ cấu tổ chức tạo nên số lượng cán bộ sáng cắp ô đi tối cắp về chứ không phải là họ lười biếng.
Có tình trạng tăng biên chế để con em mình vào, đó cũng là nguyên nhân sinh ra chạy chức, chạy quyền”, vị ĐBQH tỉnh Quảng Bình dẫn dụ về bộ máy cồng kềnh như trong báo cáo Giám sát đã chỉ ra.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đề xuất: “Cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy những người mất đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức”.