Đến 6 giờ sáng ngày 22/5, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong vòng 12 giờ qua, đã 36 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, tổng số ca mắc vẫn giữ nguyên 324 ca. Tuy nhiên người dân không được chủ quan vì thời gian tới vẫn còn nhiều nguy cơ.
Việt Nam đón công dân ở các nước về nước trong dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN |
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 14.744, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 266; cách ly tập trung tại cơ sở khác 7.726; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 6.752.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca âm tính lần 1 với vi rút SARS-CoV-2 là 4 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với vi rút SARS-CoV-2 là 4 ca.
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, mặc dù những ngày qua, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa chiến thắng, mà mới kiểm soát tốt dịch bệnh.
Cuộc chiến này còn rất dài và Việt Nam vẫn đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. Thậm chí giai đoạn này còn có phần khó hơn, bởi sau thời gian dài không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, nên người dân có tâm lý buông lỏng. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được có tâm lý "xả hơi". Việt Nam đã dập tắt các ổ dịch, tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn. Nhiều nơi, người dân đã có tâm lý "coi như hết dịch”.
Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới còn hết sức phức tạp, khó lường. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu.
Thực tế, những ngày gần đây, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh từ nước ngoài về. Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng, do chúng ta tổ chức đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước sang Việt Nam làm việc tại các dự án…
Vì vậy, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”.