(ĐSPL) - Người dân tộc Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn. Ấy vậy mà nằm giữa miền sơn cước đó lại xuất hiện bản "không rượu bia, thuốc lá".
Đã 10 cái tết trôi qua, người dân bản Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) luôn đoàn kết cùng nhau thực hiện tốt khẩu hiệu "bản không rượu bia, thuốc lá", xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng yên ấm, quê hương giàu đẹp...
Bây giờ người dân bản Cu Pua trong mọi cuộc vui chỉ dùng nước ngọt. |
Bản "không rượu bia, thuốc lá"
Trong chuyến công tác về tỉnh Quảng Trị, chúng tôi có dịp đến thăm đồng bào dân tộc Vân Kiều tại huyện Đakrông. Cách cầu Rào Quán khoảng 15km, bản Cu Pua nằm nép mình bên dòng Đakrông uốn lượn. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu như không có các quán nhậu ở vùng quê này. Các tiệm tạp hóa cũng rất ít bày bán rượu bia và thuốc lá. Hàng quán chủ yếu bán cho khách qua đường vì đã 10 năm nay người dân trong bản Cu Pua chẳng có ai mua rượu bia, thuốc lá.
Được biết phong tục của người dân sống giữa đại ngàn Trường Sơn hễ có ma chay, cúng tế thần rừng, thần núi, thần sông, đám cưới, đám hỏi mà không có rượu, thuốc lá coi như đi ngược lại tục lệ bao đời nay. Song thật kỳ diệu, gần 10 năm nay, đồng bào ở bản Cu Pua từ già trẻ, gái trai đều không sử dụng rượu bia, thuốc lá. Chính điều này đã giúp cuộc sống bà con nơi đây ngày càng no ấm, gia đình ngày càng hạnh phúc hơn.
Để tìm hiểu về văn hóa và con người nơi đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với đồng chí Hồ Ê Nốt (SN 1974). Ê Nốt là một cán bộ văn hóa thôn, kiêm chức Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ luôn được bà con dân bản tin cậy.
"Mình làm cán bộ thôn mấy nhiệm kỳ rồi, còn vợ mình được bà con trong thôn bản bầu giữ chức Chi hội trưởng phụ nữ. Nhưng khổ nỗi vợ mình không biết cái chữ nên mình phải đứng ra để đảm nhiệm luôn cái chức ấy. Dù cuộc sống còn vất vả nhưng cũng phải cố gắng lắm, để vận động bà con hăng hái sản xuất, gạt bỏ những hủ tục lạc hậu thì cái bụng mới không bị đói", Ê Nốt cho biết.
Hồ Ê Nốt cũng cho biết thêm, trước đây ở bản Cu Pua người dân coi thuốc lá, rượu như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Đàn ông ở bản hầu như ai cũng hút thuốc, uống rượu, còn cánh chị em phụ nữ cũng không kém cạnh. Cứ 10 người phụ nữ trong bản thì có đến 9 người hút thuốc. Do tập quán đốt rừng làm nương rẫy nên quanh năm suốt tháng, dân bản hết di chuyển nơi này đến nơi khác để phát rừng trồng lúa, trỉa ngô. Cuộc sống nay đây mai đó đã khiến đời sống của họ rất bấp bênh. Cũng chính những tháng ngày phiêu bạt trong rừng thiêng nước độc như vậy nên có một thứ không thể thiếu để dân bản chống chọi lại giá rét, sự buồn tẻ là rượu gạo, rượu ngô và thuốc lá. Các dịp lễ hội cũng luôn được tổ chức rình rang với sự hiện diện của những ché rượu cần chất ngất, thịt lợn rừng, thịt trâu nhiều vô kể và hàng cuộn thuốc lá phơi khô được đưa đến để phục vụ dân bản một cách linh đình.
"Đã gần 10 năm nay, người dân trong bản Cu Pua thay đổi rất nhiều. Không còn ai hút thuốc và uống rượu nữa, người nào cũng hiểu được tác hại của việc uống rượu và hút thuốc. Uống rượu bia, hút thuốc vừa tốn tiền mà lại có hại cho sức khỏe nên cả bản quyết tâm từ bỏ. Bây giờ gia đình nào cũng ghi trước cửa nhà khẩu hiệu "Chõi ngoãi ploong tưng đong". "Tiếng Bru-Vân Kiều nghĩa là không được uống rượu bia. Không chỉ không uống rượu trong nhà đâu, mà là trong tất cả mọi hoạt động, mọi địa điểm ở Cu Pua. Tết năm nay là cái tết thứ 10 người dân Cu Pua chúng tôi không dùng rượu bia, thuốc lá nữa. Được cán bộ cấp trên tuyên truyền thực hiện "học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nên mọi người phấn khởi làm theo", Hồ Ê Nốt chia sẻ.
Vợ chồng Hồ Ê Nốt kể về những tháng ngày vận động bà con dân bản thực hiện "bản không rượu bia, thuốc lá". |
Thay "thuốc - men" bằng nước ngọt
Nhớ lại thời trai trẻ của mình Ê Nốt cho biết, anh đã từng là một con sâu rượu có số má ở bản Cu Pua. Độ lên 10 tuổi Hồ Ê Nốt đã theo đám bạn hút thuốc, rồi nghiện lúc nào không hay. Năm 16 tuổi, anh chàng này lại bắt đầu lao vào các cuộc rượu cùng trai bản, từ đó thuốc và rượu được xem như người bạn không thể thiếu trong những chuyến đi rừng.
Chị Hồ Thị Van (SN 1979, vợ Ê Nốt) nhớ lại: "Năm 1996, vợ chồng miềng cưới nhau, rồi sinh được cô con gái đầu lòng nhưng anh Ê Nốt chỉ biết kiếm tiền để mua thuốc với rượu chứ không hề quan tâm đến gia đình. Cuộc sống lúc đó nghèo khổ lắm, có khi phải nhịn cơm mấy ngày liền, mẹ con ăn rau rừng để sống qua ngày. Mỗi lần chồng say lại đánh đập vợ, đuổi vợ ra khỏi nhà. Năm 2002, cán bộ đến vận động Ê Nốt phải gương mẫu, không được bạo lực trong gia đình, từ đó chồng mình ngon ra nhiều. Thấy Ê Nốt thay đổi, lại biết cái chữ nên bà con bầu làm Trưởng thôn. Ê Nốt đi họp trên huyện, rồi về từng nhà vận động bà con trong bản từ bỏ rượu bia, thuốc lá".
Ở bản Cu Pua, hình ảnh cánh đàn ông ngồi tròn quanh bếp lửa, bên chai rượu và người phụ nữ với hàm răng đen nhánh phập phù tẩu thuốc trên môi đã trở nên quen thuộc và bám riết lấy dân bản, như chẳng thể tách rời. Ý tưởng của Ê Nốt vận động người dân lúc đầu gặp nhiều khó khăn. Nói dân bản bỏ cuộc sống du canh du cư còn dễ chứ khi nghe nói đến việc bỏ rượu, thuốc lá ai cũng giãy nảy. Cái lý của họ là bao đời nay dân bản vẫn hút thuốc, uống rượu mà có ảnh hưởng gì đâu. Bởi vậy dân bản nhất định không từ bỏ thói quen của mình! Chỉ đến khi có những người nghiện rượu, thuốc lá chết đi bởi những căn bệnh quái ác như ung thư dạ dày, ung thư phổi, hen suyễn... ngày càng nhiều thì dân bản mới bắt đầu cảm thấy lo sợ và nghe theo.
Chuyện bỏ thuốc lá, rượu bia được bắt đầu bởi những người già như ông Hồ Ốt, bà Giả Trức... rồi đến những người trẻ khác như anh Hồ Văn Phúc, Cót Nây, Hồ Răm Boi, chị Hồ Thị Đinh, Hồ Kê Nít... đây là những người đã từng một thời đắm chìm trong men rượu và khói thuốc. Cũng từ những người đầu tiên đoạn tuyệt được với thuốc lá, men rượu trên, đến nay gần như 100\% dân bản Cu Pua bỏ được những "chất độc" vô hình ấy.
Già làng Hồ Văn Vươn (80 tuổi) cho biết: "Chuyện không uống rượu, hút thuốc lá đã trở thành luật bất thành văn từ gần chục năm rồi, ai cũng hiểu và chấp hành nghiêm túc. Điểm thuận lợi để dân bản thực hiện nghiêm túc và duy trì được việc bỏ thuốc lá, rượu bia là do phần lớn họ có ý thức tự giác cao. Bản thân Ê Nốt cũng là người rất gương mẫu, vận động từng hộ gia đình làm theo".
Cần được tuyên truyền nhân rộng Ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết: "Bản Cu Pua là bản duy nhất "không rượu bia, thuốc lá" trong các lễ tết, lễ hội và những ngày thường. Từ ngày dân bản bỏ bia rượu, thuốc lá thì tình hình an ninh trật tự ở bản Cu Pua ổn định rất nhiều. Bạo lực gia đình hầu như không có, bà con hăng hái thi đua sản xuất. Tôi thực sự rất vui bởi người dân bản Cu Pua đã thực hiện tốt việc bỏ hút thuốc và uống rượu bia, một điều tưởng chừng rất khó với người miền núi. Theo tôi đây là một việc làm mang tính tích cực, tiến bộ và rất cần được tuyên truyền để nhân rộng hơn nữa". |