Ngày 18/10 (theo giờ địa phương), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi kiện uỷ ban điều tra cuộc biểu tình bạo loạn ngày 6/1 để ngăn ban hội thẩm lấy hồ sơ của chính quyền ông từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia.
Cụ thể, đơn kiện nêu: "Yêu cầu của uỷ ban không khác gì một cuộc thám hiểm bất hợp pháp, gây phẫn nộ được Tổng thống Joe Biden cho phép thực hiện và được thiết lập để điều tra cựu Tổng thống Donald Trump cùng chính quyền của ông ấy một cách vi hiến. Luật pháp của chúng ta không cho phép một hành động bốc đồng, nghiêm trọng như vậy chống lại một cựu tổng thống và các cố vấn thân cận của ông ấy".
Trước đó, hồi tháng 8, uỷ ban điều tra đã yêu cầu Cơ quan Lưu trữ Quốc gia lập một danh sách đầy đủ các hồ sơ từ thời ông Trump tại vị và hậu quả của cuộc bạo động ở Điện Capitol ngày 6/1. Các luật sư của ông Trump cho biết cựu tổng thống quan tâm tới việc bảo vệ và duy trì các đặc quyền giữ bí mật đối với một số tài liệu nhất định.
Hiện chưa rõ vụ kiện của ông Trump sẽ được toà giải quyết thế nào. Tòa án Tối cao trước đây đã ra phán quyết rằng các cựu tổng thống có một số thẩm quyền về đặc quyền hành pháp nhưng toàn bộ phạm vi của đặc quyền này chưa bao giờ được các tòa án giải quyết.
Ngay cả khi một tòa án quyết định rằng cựu Tổng thống Trump có thể có đặc quyền hành pháp đối với một số tài liệu nhất định, các thẩm phán sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích bí mật của cựu tổng thống so với nhu cầu điều tra của ủy ban đối với hồ sơ.
Tổng thống Joe Biden đã bật đèn xanh cho việc thu thập hồ sơ vào tuần trước, trong đó, cố vấn Nhà Trắng Dana Remus cho biết đây là "hoàn cảnh đặc biệt và bất thường".
Yêu cầu sâu rộng từ ủy ban yêu cầu Cơ quan Lưu trữ chuyển giao các tài liệu và thông tin liên lạc từ bên trong Nhà Trắng "liên quan theo bất kỳ cách nào" đến vợ, con của cựu Tổng thống Trump và những người phụ tá trong chính quyền của ông, từ các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đến các cố vấn như luật sư Rudy Giuliani.
Minh Hạnh (Theo The Hill)