Ông M.Saakashvili đã sang Mỹ từ cuối năm 2013 |
Ông M.Saakashvili đã rời khỏi nước này ngay sau khi tổng thống mới của Gruzia tuyên thệ nhậm chức vào tháng 11-2013. Hiện ông được cho là đang ở New York, Mỹ. Các công tố viên đã triệu tập nhằm thẩm vấn với tư cách là một nhân chứng vào tháng 3-2014, nhưng ông đã từ chối hợp tác với các nhà điều tra. Luật sư đại diện cho các ông M.Saakashvili, Adeishvili và Kezerashvili cho rằng, những cáo buộc này hoàn toàn mang động cơ chính trị và khẳng định họ sẽ kháng cáo quyết định bắt giữ vắng mặt các cựu chính trị gia này.
Ông M.Saakashvili bắt đầu sự nghiệp chính trị dưới sự dẫn dắt của cựu Tổng thống Gruzia Eduard Shevarnadze. Được bầu vào Quốc hội Gruzia, ông trở thành người đứng đầu phái nghị sĩ của đảng "Liên minh công dân Gruzia". Nhưng con đường công danh của M.Saakashvili chỉ được rộng mở sau khi các vụ tham nhũng và gian lận trong bầu cử của các chiến hữu dưới quyền Tổng thống E.Shevarnadze bị lật tẩy. Ông được cho là linh hồn của Cách mạng Hoa hồng - điểm khởi đầu cho làn sóng cách mạng màu sắc làm rung chuyển không gian hậu Xô Viết đầu thập kỷ trước - lật đổ chế độ thân Nga và dựng lên bộ máy cầm quyền thân phương Tây. Tuy nhiên sau thất bại của đảng cầm quyền của Tổng thống M.Saakashvili trong các cuộc bầu cử năm 2012, nhiều nghị sĩ Quốc hội Gruzia đã buộc tội cá nhân cựu Tổng thống và gia đình thiết lập sự kiểm soát đối với toàn bộ các ngành kinh tế của đất nước. Nhiều ý kiến còn cho rằng, ông M.Saakashvili đã kiên trì xây dựng cho mình một hệ thống quyền lực riêng với các dấu hiệu của một nhà nước độc tài, lập ra một hệ thống đàn áp nhằm vào các đối thủ chính trị, những người bất đồng chính kiến và người thân của họ. Hiện tại, ở Gruzia vẫn lưu truyền các đồn đoán xung quanh cái chết của Zurab Zhvania và Badri Patarkashvili - những đối thủ chính trị của Tổng thống M.Saakashvili. Nhiều nhà chính trị Gruzia đã thẳng thắn cho rằng, đó là những vụ ám sát chính trị.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rustavi-2 có trụ sở ở thủ đô Tbilisi, ông M.Saakashvili khẳng định sẽ không xin tị nạn tại bất kỳ quốc gia nào do ông thấy không cần thiết phải làm như vậy. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc đưa cựu tổng thống này về nước xét xử không phải là chuyện dễ dàng.