"Bị cáo ăn năn hối lỗi, mong HĐXX cho phép được dùng tài sản của mình và tài sản đang bị niêm phong để khắc phục thiệt hại, hưởng khoan hồng của pháp luật - cựu Tổng giám đốc Oceanbank nói tại tòa.
Theo thông tin trên báo Tri thức trực tuyến, sáng 20/9, HĐXX cho phép Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) - người vừa bị VKS đề nghị HĐXX tuyên tử hình về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản... lên trước vành móng ngựa trình bày phần tự bào chữa cho bản thân. Sơn cho rằng đây là phiên tòa dân chủ, công minh và tin tưởng sẽ nhận được mức án thấu tình, đạt lý.
Bước vào phần tự bào chữa, Sơn thỉnh cầu tới HĐXX và VKS minh oan cho mình, không thể và không hề phạm tội Tham ô và chiếm đoạt tài sản của Hà Văn Thắm cùng ngân hàng. Sơn thừa nhận hành vi vi phạm của mình trong vụ án này, chia làm 2 giai đoạn.
Thứ nhất là TGĐ ngân hàng đã chi tiền của Thắm để chăm sóc khách hàng (2009-2010). Thứ hai, giai đoạn 2011-2014, bị cáo có hành vi chuyển hộ tiền của Hà Văn Thắm để chăm sóc khách hàng cho PVN.
Bị cáo Sơn thừa nhận hành vi sai phạm của mình và thực sự ăn năn hối lỗi về việc đó. "Những hành động như trên của bị cáo cấu thành tội gì, sai phạm đến đâu, rất mong VKS và HĐXX xem xét thấu đáo", Sơn nói.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã thừa nhận sai phạm của mình, song, vẫn mong muốn được minh oan tội danh Tham ô tài sản - Ảnh: Lao động |
Theo lời Sơn, trong giai đoạn bị cáo làm Tổng giám đốc, bị cáo đã chuyển tiền mà Hà Văn Thắm đưa (69 tỷ) để chăm sóc khách hàng theo ý kiến của Thắm. Bị cáo chi tiền cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Vietsovpetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Cựu Tổng giám đốc Oceanbank nói: "Bị cáo ăn năn hối lỗi, mong HĐXX cho phép được dùng tài sản của mình và tài sản đang bị niêm phong để khắc phục thiệt hại, hưởng khoan hồng của pháp luật".
Bị cáo Sơn cho rằng hành vi giúp ích cho ngân hàng của ông đã vô tình lại mắc sai phạm của pháp luật. Bị cáo không chối bỏ hành vi này và nhận đã làm sai.
Về việc có thể chiếm đoạt và mong muốn chiếm đoạt tiền của Hà Văn Thắm hay không, Sơn khai trong 2 năm ông ta làm Tổng giám đốc Oceanbank, ngân hàng chỉ phải chi 69 tỷ đồng “chăm sóc”, nghĩa là mỗi năm chỉ hơn 30 tỷ. "Thắm khai các ngân hàng trong giai đoạn đó, nhất là các ngân hàng nhỏ như Oceanbank sẽ phải chi nhiều hơn thế. Nếu bị cáo muốn chiếm đoạt tiền của anh Thắm, bị cáo hoàn toàn có thể yêu cầu anh Thắm chi nhiều hơn nữa để chiếm đoạt một phần trong đó", Sơn trình bày.
Lý giải việc nhận tội ở phiên xử sơ thẩm lần 2 này, Sơn nói trong phiên xử 1, ông ta nghĩ nếu khai sẽ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của PVN nên không khai. Bị cáo cho rằng không muốn để ảnh hưởng đến một doanh nghiệp đầu đàn của nền kinh tế.
Sơn nói thêm: "Bị cáo không khai ra là làm sai bản chất, do vậy trong phiên xử lần này đã trình bày hết, không giấu giếm gì và chỉ nói ra sự thật. Bị cáo khẳng định mình không tư lợi gì".
Bị cáo Sơn nói hành vi của bản thân vô tình vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của PVN. Sơn xin HĐXX không truy tố tội Chiếm đoạt tài sản và Tham ô tài sản, giảm nhẹ cho mình hình phạt tử hình.
Theo báo Vnexpress, bào chữa bổ sung sau ông Sơn, bị cáo Nguyễn Minh Thu (cựu tổng giám đốc Oceanbank, bị đề nghị 24-27 năm tù) xin được trình bày "hoàn cảnh vì sao vi phạm".
Bà nói, tất cả những người làm ngân hàng đều biết tỷ giá và lãi suất quan hệ tỷ lệ thuận. Thời điểm 2009 xảy ra hiện tượng ‘bong bóng’ tiền tệ, lãi suất lên tới 30-40%, tỷ giá ngoại tệ bùng nổ. Ngân hàng Nhà nước vì thế phải ban hành thông tư về trần tỷ giá. Đầu năm 2009 khi bị cáo về OceanBank làm việc, chưa có giao dịch ngoại tệ, sau đó mới được cấp thanh toán quốc tế.
"Cung ngoại tệ không có mà cầu quá cao, OceanBank ban đầu không tham gia mua bán ngoại tệ trái quy định. Tuy nhiên bị cuốn theo thị trường, OceanBank phải bán ngoại tệ để giữ chân khách hàng", bà Thu giải thích việc bán ngoại tệ không đúng tỷ giá của Ngân hàng nhà nước.
Bà cho biết khi nhận chức Tổng giám đốc OceanBank đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt về lãi suất huy động vốn giữa các ngân hàng. Bị cáo được ông Thắm dặn dò "để ý" mảng huy động vốn. Tuy nhiên, bị cáo không trực tiếp ra quyết định chi tiền lãi ngoài hợp đồng hay chăm sóc khách hàng.
Với tội danh bị cáo buộc, bà Thu cho rằng việc quy kết "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" là khiên cưỡng. Ở tội "Cố ý làm trái", bà chỉ tiếp nhận chủ trương của ông Thắm khi chi lãi suất ngoài hợp đồng.
“Bị cáo thụ động, tiếp nhận thực hiện”, bà Thu phân trần và cho hay với việc chi tiền chăm sóc các khách hàng lớn như Vietsovpetro, Lọc hóa Dầu Bình Sơn là tiếp nhận và làm theo người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Sơn.
Hà Văn Thắm xin được nhận tội thay cho cấp dưới
Trước đó, theo TTXVN, trình bày phần tự bào chữa trước Tòa ngày 19/9, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, đây là một phiên tòa dân chủ, Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát đã lắng nghe đầy đủ các ý kiến của bị cáo và của các luật sư.
Về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Hà Văn Thắm nhận tội, nhưng xin xem xét về việc mình không phải là chủ mưu. Bị cáo Thắm đã đưa ra 4 nội dung để xin giảm nhẹ hành vi vi phạm cho mình. Cụ thể, theo bị cáo Thắm, nguyên nhân OceanBank bị mất vốn là do khách hàng không sử dụng vốn đúng mục đích. Mặt khác, các bên không thực hiện tuân thủ theo hồ sơ tín dụng, phía Ngân hàng Đại Tín không thực hiện phong tỏa tài khoản theo hợp đồng cam kết 3 bên, đây là nguyên nhân chính trong việc để mất 500 tỷ đồng của OceanBank.
Cựu Chủ tịch Oceanbank - Hà Văn Thắm tự bào chữa trước tòa ngày 19/9 - Ảnh: An ninh Thủ đô |
Bị cáo Thắm cũng phân tích: Bị cáo không có động cơ, mục đích để chủ mưu thực hiện các hành vi gây thiệt hại cho chính Ngân hàng của mình.
Liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung, bị cáo Thắm cho rằng mình không đủ khả năng cũng như không đủ bản lĩnh để đe dọa và ép buộc bị cáo Hứa Thị Phấn, vì bà Phấn là một doanh nhân lâu năm, bên cạnh bà Phấn còn có nhiều luật sư giỏi nên họ hoàn toàn có thể làm chủ tình huống. Khi thực hiện ký hợp đồng cho vay, Hứa Thị Phấn gọi duy nhất một lần cho bị cáo Thắm khi Hội đồng tín dụng đã quyết định thông qua khoản vay này. Bị cáo cho rằng, mình không phải là chủ mưu trong hành vi Vi phạm quy định về cho vay.
Về hành vi Cố ý làm trái, Thắm thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng xin nhìn nhận ở góc độ, bị cáo mang lại lợi ích cho ngân hàng của mình chứ không phải gây thiệt hại cho ngân hàng. Bị cáo xin được phán xét một cách công tâm.
Hà Văn Thắm xin Hội đồng xét xử lưu ý một số tình tiết giảm nhẹ. Đó là hoàn cảnh của bị cáo lúc quyết định dừng thực hiện chính sách chăm sóc khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank. Cũng tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành xử lý một số ngân hàng vi phạm quy định của Thông tư 02 về trần lãi suất. Việc xử lý này đa phần là xử lý hành chính, nặng hơn thì là cách chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng trong 3 năm. Tuy nhiên, khi không thực hiện chi lãi ngoài, khách hàng của OceanBank ồ ạt rút tiền mang gửi sang ngân hàng khác. OceanBank đứng trước nguy cơ bị sụp đổ do mất thanh khoản. Nhìn sang việc xử lý các ngân hàng đã từng chi lãi ngoài chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, nên Hà Văn Thắm đã quyết định tiếp tục triển khai chủ trương chi lãi ngoài, nhằm cứu ngân hàng. Vì vậy, Thắm mong Hội đồng xét xử xem xét công tâm hoàn cảnh khi thực hiện hành vi vi phạm này.
Sau khi trình bày 4 tình tiết giảm nhẹ, Hà Văn Thắm đã xin một tình tiết tăng nặng về mình. Đó là trong suốt thời gian xét xử, về hành vi Cố ý làm trái, bị cáo thấy mình là người duy nhất hưởng lợi. Các bị cáo khác là nhân viên cấp dưới không được hưởng lợi gì mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, bị cáo Thắm xin được nhận tội thay cho các bị cáo và nhấn mạnh: “Nếu việc nhận tội này để đồng nghiệp của bị cáo không phải chịu tội thì bị cáo xin được nhận tội cho các bị cáo khác và chịu mức cao nhất của tội Cố ý làm trái”.
(Tổng hợp)