Dự kiến ngày 27/12, Tòa án quân sự Thủ đô đưa 4 cựu sĩ quan Học Viện Quân y và Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt ra xét xử trong vụ án sản xuất bộ kit phát hiện SARS-CoV-2.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát (VKS) Quân sự Trung ương truy tố Phan Quốc Việt (43 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty Việt Á) về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị can Trịnh Thanh Hùng (57 tuổi, cựu Vụ phó Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) và Hồ Anh Sơn (47 tuổi, cựu Thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) bị truy tố Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, báo Dân trí đưa tin.
Theo báo Tuổi trẻ, cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương xác định, trước tình hình dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ngoài, có nguy cơ vào Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu bộ xét nghiệm COVID-19.
Cuối tháng 1/2020, Hồ Anh Sơn (thời điểm đó là Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) trình Thiếu tướng Hoàng Văn Lương (Phó giám đốc Học viện Quân y) ký công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển bộ xét nghiệm COVID-19.
Sau khi nhận được văn bản, Trịnh Thanh Hùng đã trao đổi thống nhất với Phan Quốc Việt về việc để Việt Á tham gia đề tài này, Việt đồng ý. Hùng yêu cầu Hồ Anh Sơn bổ sung thêm Việt Á tham gia đề tài.
Đầu tháng 2/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ có quyết định thành lập hội đồng và tổ thẩm định kinh phí, giao Học viện Quân y chủ trì, Hồ Anh Sơn là chủ nhiệm đề tài với kinh phí 18,98 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng.
Đến ngày 10/2/2020, Hồ Anh Sơn ký bàn giao quy trình chế tạo bộ sinh phẩm với Công ty Việt Á để sản xuất thử nghiệm.
Khoảng giữa tháng 2/2020, Việt chỉ đạo Hồ Thị Thanh Thủy (Phó Tổng giám đốc Việt Á, vợ của Việt) mang bộ xét nghiệm COVID-19 (do Thủy nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và một số nước khác...) đi đánh giá, thử nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho kết quả đạt.
Khi biết được bộ xét nghiệm của Việt Á có chất lượng tốt hơn bộ sinh phẩm của Học viện Quân y, Việt đã báo cáo Trịnh Thanh Hùng.
Hùng sau đó yêu cầu Việt làm công văn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đề nghị phối hợp thử nghiệm bộ xét nghiệm do Việt Á đưa đến.
Sau đó, Việt cho nhân viên mang 3 loại bộ xét nghiệm do Việt Á cung cấp đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để tiếp tục đánh giá, thử nghiệm. Kết quả bộ kit của Việt Á đạt yêu cầu.
Cáo trạng thể hiện khoảng tháng 4/2020, Việt Á làm hồ sơ xin cấp phép lưu hành sản phẩm chính thức gửi Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế).
Sau đó, Bộ Y tế ra văn bản đề nghị Việt Á làm rõ quan hệ giữa Học viện Quân y và Việt Á trong toàn bộ hồ sơ liên quan và bổ sung tài liệu chứng minh.
Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng biên bản có nội dung "Học viện Quân y đồng ý để Việt Á toàn quyền sử dụng sản phẩm của đề tài để đăng ký lưu hành và đăng ký cấp chứng nhận lưu hành…". Biên bản này được Sơn trình thiếu tướng Hoàng Văn Lương ký.
Do tin tưởng Hồ Anh Sơn, ông Lương không xem nội dung biên bản mà ký và đưa lại cho Sơn. Biên bản này sau đó được chuyển tới Bộ Y tế để đưa vào hồ sơ xin cấp phép.
Sau khi được Bộ Y tế cấp phép, Phan Quốc Việt đã đưa bồi dưỡng cho Trịnh Thanh Hùng 2 lần tổng số tiền 350.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng).
Phan Quốc Việt cũng chỉ đạo cấp dưới thông qua chi phần trăm tiền ngoài hợp đồng mua bộ xét nghiệm của Học viện Quân y để chia sẻ lợi nhuận đề tài cho Hồ Anh Sơn là gần 2,5 tỷ đồng.
"Trong vụ án này Trịnh Thanh Hùng là người khởi xướng, giữ vai trò, trách nhiệm chính. Hồ Anh Sơn là người thực hành tích cực, phải chịu trách nhiệm sau ông Hùng...", Viện kiểm sát cáo buộc.
Vân Anh(T/h)