Ông Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng bộ GTVT vừa bị cơ quan điều tra bộ Công an khởi tố về tội Vi phạm quy định về sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219, Bộ luật Hình sự 2015. Trao đổi với PV DDS&PL, luật sư Hoàng Nguyên Hồng, cựu chuyên viên cấp cao Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định: "Tham nhũng phải bị xử lý nghiêm, không loại trừ ai, ngay cả với cán bộ về hưu".
Tham nhũng "kết bè, kết mảng" gây mất niềm tin trong nhân dân. Ảnh minh họa. |
Lo ngại tham nhũng "kết bè, kết mảng"
PV: Ông có nhận định gì về tình hình tham nhũng, tiêu cực hiện nay qua các vụ việc được xử trong suốt thời gian qua?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Vài năm trở lại đây, rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự sau khi đã nghỉ công tác cho thấy, chống tham nhũng "không có vùng cấm".
Thực tế trên cho thấy, nạn tham nhũng đã có từ lâu, phổ biến, "kết bè, kết mảng" gây mất niềm tin trong nhân dân. Vì thế, công tác phòng, chống tham nhũng không được "chững lại" mà tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, bài bản, không có có ngoại lệ, hiệu quả hơn.
PV:Ông đánh giá thế nào về việc cựu Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa bị khởi tố, bắt tạm giam, dù ông này đã nghỉ hưu được 3 năm?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Việc khởi tố và bắt tạm giam cựu Thứ trưởng bộ GTVT là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không có vùng cấm, đương chức hay nghỉ hưu, hiện tại và trước đó có vi phạm pháp luật và quy định của Đảng là phải xử nghiêm.
Cụm từ "hạ cánh an toàn" trước đây vẫn được nhắc tới để nói về việc một số quan chức sau khi về hưu là hết trách nhiệm với tổ chức và nhân dân, bất kể lúc đương chức có vi phạm thế nào. Thế nhưng, sẽ không còn những "chuyến tàu vét" lại thông qua ga!
Danh dự quan trọng hơn lợi lộc
PV: Nói như vậy, việc xử lý trách nhiệm những cán bộ sai phạm ngay cả khi nghỉ hưu chính là xử lý tận gốc sai phạm, răn đe những người đang công tác không dám làm ẩu, làm liều, mưu cầu lợi ích cá nhân, thưa ông?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Chúng ta đang chống tham nhũng rất quyết liệt. Cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang được Tổng Bí thư đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, tham nhũng (lạm dụng tiền, của, đất đai, tài nguyên, làm giàu nhanh...) đã thành ý thức của không ít cán bộ từ khi tham gia hoạt động xã hội đoàn thể đến khi được quy hoạch, cất nhắc. Hơn nữa, nhiều cán bộ đang bị đồng tiền tha hóa, "tư duy nhiệm kỳ" chi phối, mưu cầu lợi ích riêng dẫn đến bị tha hóa nhanh. Nếu cán bộ được lựa chọn mà chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, gia đình, lúc nào cũng mong hãnh tiến, giàu sang và "trèo cao, chui sâu" thì dân vẫn còn nhiều bức xúc, tham nhũng tiêu cực vẫn chưa đẩy lùi được.
Vấn đề cái gốc là con người quản lý và quản lý con người. Theo tôi, phải tiếp tục chống tham nhũng đối với cán bộ tại chức và nghỉ hưu, nếu phát hiện ra, phải xử lý nghiêm.
PV:Có ý kiến cho rằng việc cách chức khi về hưu đối với cán bộ vi phạm chỉ là hình thức. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Theo tôi, đó là việc làm cần thiết. Sai phạm lúc đương chức, bây giờ phát hiện ra thì vẫn xử lý. Xử lý cách chức 1 người đã nghỉ hưu cho thấy Đảng rất nghiêm minh đối với những sai phạm của đảng viên chứ không phải cứ về hưu là ung dung dưỡng già.
Dù không còn chức vụ nữa nhưng danh dự của 1 Đảng viên, 1 con người còn quan trọng hơn chức tước và lợi lộc. Lúc anh tham nhũng, dân không biết, khi anh nghỉ hưu rồi mới phát hiện ra sai phạm và anh bị kỷ luật là thể hiện sự nghiêm minh trong đánh giá nhân cách và tư cách của Đảng viên.
Theo lẽ thông thường, 1 người khi có chức quyền (dù bé, nhỏ, thấp) dễ nảy sinh tham lam, ích kỷ, bất chấp pháp luật và đạo lý; Khi còn chức thì u mê về lợi ích, nhưng khi hết quan rồi về làm dân thì lại trọng danh dự. Họ hàng tự hào, tới đâu cũng giới thiệu rất hoành tráng nhưng khi bị kỷ luật thì tiu nghỉu như mèo cắt tai, gặp ai cũng không dám nhìn thẳng. Vì thế, khi nghỉ hưu rồi mà bị kỷ luật thì tiếng để đời, bởi "trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".
PV:Theo ông, làm sao để xử lý tận gốc tham nhũng?
Ông Hoàng Nguyên Hồng: Chống tham nhũng không chỉ là xử lý 1 nhóm các quan chức sai phạm. Nó còn là giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống quản trị, pháp quyền và 1 nền văn hóa chung chi đã ăn sâu. Con người có tinh thần dám hành động vì nghĩa cả là nhân tố tiên quyết bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến chống tham nhũng. Vì vậy, đòi hỏi trước hết của trận tuyến này phải có quân hùng, tướng mạnh, mới có thể hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới đánh bại "giặc nội xâm".
Bên cạnh đó, việc của dân phải do dân giám sát thì mọi sự sẽ minh bạch và rõ ràng. Không ai thay được dân trong công việc giám sát. Về mặt pháp luật, phải có những chế tài, quy định mới để kiềm chế, giới hạn và kiểm soát quyền lực khiến cán bộ không dám tham nhũng.
PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!
HƯƠNG LAN
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật kỳ 2 số thứ Bảy (34)