(ĐSPL) - Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vừa phối hợp cùng Công an tỉnh Nghệ An và người dân địa phương cứu sống thành công một phụ nữ có ý định nhảy cầu Bến Thủy tự vẫn.
[mecloud]Nxj06ZX5fP[/mecloud]
Chiều ngày 23/11, Trung tá Võ Mậu Sơn, Trạm trưởng trạm Công an Gia Lách - Công an Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa mới phối hợp cùng Công an tỉnh Nghệ An và người dân địa phương cứu thành công một phụ nữ nhảy cầu Bến Thủy (nối giữa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh).
Theo đó, vào khoảng 8h30 ngày 23/11, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc phát hiện 1 người phụ nữ nhảy cẩu Bến Thủy 1, Tổ công tác Trạm Công an Gia Lách do đồng chí Trung tá Võ Mậu Sơn làm Trạm trưởng chỉ huy đã cùng các cán bộ chiến sĩ lập tức triển khai ra hiện trường.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện người phụ nữ đã để lại dép, điện thoại trên cầu rồi nhảy xuống sông tự vẫn.
Vào lúc này, trời mưa to nhưng các chiến sĩ vẫn không quản ngại vất vả, huy động lực lượng cùng người dân ven bờ chèo thuyền ra giữa sông cứu người.
Nạn nhân được các cán bộ chiến sỹ công an và người dân đưa lên bờ. |
Khi ra đến nơi, phát hiện nạn nhân còn sống, Trung tá Sơn đã nhảy xuống đưa nạn nhân lên bờ và tiến hành sơ cứu.
Sau khoảng 15 phút, người phụ nữ dần hồi tỉnh, các cán bộ chiến sĩ đã thông báo và bàn giao nạn nhân cho Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Nghệ An.
Bước đầu xác định nạn nhân tên Thanh, tầm 50 tuổi, trú ở phường Lê Mao, TP Vinh (Nghệ An).
Trạm Công an Gia Lách được thành lập năm 1992, tính đến nay, cán bộ chiên sĩ của Trạm đã cứu sống được 8 người nhảy cầu.
Điều 11. Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ (Nghị định Số: 44/2012/QĐ-TTg) 1. Lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi nhận được thông tin sự cố, tai nạn có yêu cầu cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý thì phải triển khai ngay nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ ban đầu. Trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý thì phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, đồng thời báo cho chính quyền địa phương sở tại và Công an nơi gần nhất. 2. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi nhận được thông tin về sự cố, tai nạn có yêu cầu cứu nạn, cứu hộ thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ; triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường nơi xảy ra tai nạn, sự cố để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý thì phải báo ngay cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Bộ, ngành liên quan và Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xảy ra sự cố, tai nạn. Khi sự cố, tai nạn lớn mang tính thảm họa thì phải báo cáo ngay cho thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
NGỌC TUẤN
Xem thêm video:
[mecloud]okG1V8m33E[/mecloud]