Thepo thông tin từ Báo Dân trí, ngày 22/1, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo kêu oan của ông Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường).
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 7/2023, ông Trần Hùng bị Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên 9 năm tù về tội nhận hối lộ. Ông Hùng lãnh án cao thứ 2 trong 36 người bị xét xử, sau bà Cao Thị Minh Thuận (10 năm tù) - người bị xác định cầm đầu đường dây sách lậu.
Vụ án này được điều tra từ tháng 6/2021, khởi phát khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) phát hiện đường dây sản xuất hàng triệu cuốn sách giả.
Hai tháng sau, ông Trần Hùng bị bắt về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đến tháng 11/2021, C03 thay đổi tội danh, điều tra cựu cục phó quản lý thị trường về tội nhận hối lộ.
Vụ án này đã nhiều lần bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trong bản cáo trạng và hồ sơ tài liệu được chuyển sang tòa án, cơ quan điều tra cùng viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm cáo buộc ông Trần Hùng tội nhận hối lộ, theo Báo Tuổi trẻ.
Suốt quá trình xét xử sơ thẩm, ông Trần Hùng liên tục kêu oan, khẳng định "10 năm qua, không ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi".
Trong khi đó 35 người còn lại bị đưa ra xét xử cùng ông Trần Hùng đều nhận tội. Nguyễn Duy Hải (bị cáo buộc môi giới hối lộ) cũng thừa nhận giúp bà Cao Thị Minh Thuận đưa tiền cho ông Hùng.
Tòa sơ thẩm xác định lời khai của Hải phù hợp với lời khai của Thuận, của hai nhân chứng và những người liên quan khác.
Đến cuối tháng 12/2023, phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Trần Hùng bị hoãn do một số luật sư vắng mặt và có đơn xin hoãn tòa.
Theo cáo buộc, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội quản lý thị trường (QLTT) số 17, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra, thu giữ số lượng lớn sách giáo khoa.
Kết quả kiểm tra phát hiện, thu giữ 27.360 quyển sách giáo khoa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Đội QLTT số 17 đã lập biên bản, tạm giữ số sách trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) biết ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra nên liên hệ đề nghị giúp đỡ để được xử lý nhẹ.
Sau đó, ông Hùng tạm thời đồng ý tha nhưng yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu.
Thuận sau đó kết nối với Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) để được gặp trực tiếp ông Hùng, ngỏ ý sẽ chi 400 triệu đồng.
Sau cuộc trao đổi với Hải, ông Hùng đã hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách bị thu giữ, chuyển thành sách do người khác mang đến ký gửi.
Tiếp nhận ý kiến của ông Trần Hùng, Hải thông qua một người khác trao đổi lại với bà Thuận.
Ngày 14/7/2020, Nguyễn Duy Hải gặp ông Hùng đặt vấn đề về việc Cao Thị Minh Thuận gửi ông Hùng và tổ công tác 304 số tiền 400 triệu đồng, xin bỏ qua vụ việc vi phạm của Công ty Phú Hưng Phát.
Một ngày sau, Hải cầm 300 triệu đồng được đựng trong túi màu đen đưa cho Trần Hùng.
Từ những căn cứ nêu trên, HĐXX cấp sơ thẩm xác định bị cáo Trần Hùng đã tiếp nhận yêu cầu của Cao Thị Minh Thuận sau khi gặp Hải. Sau đó, ông Hùng nhận tiền rồi làm thay đổi bản chất vụ việc vi phạm liên quan số sách của Phú Hưng Phát, báo Đại Đoàn Kết đưa tin.
Lời khai của Hải phù hợp với lời hai của người làm chứng, phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra và lời khai của những bị cáo, cá nhân khác có liên quan.
Như Quỳnh(T/h)