Michael Cohen, cựu luật sư của ông Donald Trump đã nhận tội vi phạm các quy định tài chính trong vận động bầu cử tại một phiên tòa ở New York.
Michael Cohen, cựu luật sư của Tổng thống Mỹ Donald Trump. - Ảnh: Reuters |
Ngày 21/8, Michael Cohen, một trong những cấp dưới thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hơn 10 năm, thừa nhận đã sắp xếp chi trả "cho mục đích chính là tác động bầu cử" theo chỉ dẫn của một ứng cử viên. Trong bản nhận tội không nêu trực tiếp tên của ông Trump.
Cáo buộc đối với ông Cohen liên quan đến việc ông chi tiền cho những phụ nữ nhận là có quan hệ tình cảm với Tổng thống Trump để yêu cầu họ giữ im lặng. Danh tính hai người phụ nữ này được cho là ngôi sao phim khiêu dâm Stephanie Clifford, với nghệ danh là Stormy Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal.
Ông Cohen còn thừa nhận 8 tội danh khác, trong đó có 5 tội danh về trốn thuế, 1 tội danh về thông báo sai đối với một tổ chức tài chính, 1 tội danh về cố ý tạo ra một khoản đóng góp bất hợp pháp của công ty và 1 tội danh về tạo ra một khoản đóng góp quá mức cho chiến dịch tranh cử.
Ông Cohen cũng thừa nhận đã có những khoản thanh toán để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 theo chỉ đạo của một ứng cử viên tranh cử cấp liên bang.
Với những tội danh này, ông Cohen có thể bị kết án lên tới 65 năm tù. Tuy nhiên, như một phần thỏa thuận dàn xếp với Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), có khả năng ông Cohen sẽ chỉ phải nhận mức án 4-5 năm tù. Dự kiến phiên tòa tuyên án ông Cohen sẽ diễn ra vào ngày 12/12 tới và mức tiền tại ngoại là 500.000 USD.
Việc ông Cohen nhận tội là một đòn giáng mạnh vào đội ngũ của ông Trump. Cohen đã làm việc trong đội ngũ này hơn một thập kỷ, với tư cách là luật sư của Tập đoàn Trump và tiếp tục cố vấn cho Tổng thống Mỹ sau bầu cử.
Ông Cohen từng nói mình "sẵn sàng đỡ đạn cho ông Trump", nhưng mối quan hệ với Tổng thống Mỹ đã sa sút kể từ khi FBI lục soát nhà riêng, khách sạn và nơi làm việc của luật sư này. Kể từ đó, Cohen cảm thấy mình bị cô lập, bị ông Trump xa lánh. Cohen nói mình chỉ còn tin vào gia đình và trên hết là quốc gia, chứ không phải Tổng thống.
Tổng thống Donald Trump và luật sư Michael Cohen từng rất thân thiết. - Ảnh: alexasteroidastrology.com |
Trước đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã khám xét nhà, văn phòng và phòng khách sạn của ông Cohen và tịch thu nhiều tài liệu. Theo New York Times, các công tố viên tập trung vào khoản vay hơn 20 triệu USD Cohen có được từ việc kinh doanh taxi do ông và gia đình sở hữu. Đây là một phần trong cuộc điều tra trốn thuế và tác động bầu cử.
Theo luật bầu cử Mỹ, các khoản đóng góp vận động bầu cử phải được công khai. Một số chuyên gia cho biết khoản tiền với mục đích buộc người khác im lặng về quan hệ bất chính trước bầu cử cũng có thể đóng góp vào chiến dịch vận động.
Ngoài ra, một số giao dịch tài chính của ông Cohen từ khi ông Trump nhậm chức năm 2017 cũng đã được công bố.
Công ty dược Thụy Sĩ Novartis AG cho hay đã trả ông Cohen gần 1,2 triệu USD trong một hợp đồng tư vấn, công ty viễn thông AT&T nói đã trả 600.000 USD và Tập đoàn Công nghiệp Không gian Hàn Quốc tiết lộ đã trả ông Cohen 150.000 USD.
Những khoản tiền trên bị cáo buộc là nhằm mục đích mua ảnh hưởng với tổng thống.
Việc luật sư Michael Cohen nhận tội đã xảy ra ngay sau khi một bồi thẩm đoàn ở Alexandria, Virginia, ra phán quyết cáo buộc ông Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, tội danh trốn thuế và gian lận ngân hàng.
Trước việc ông Manafort bị tuyên có tội, Tổng thống Trump gọi đây là một điều "rất đáng buồn" nhưng lưu ý rằng nó "không liên quan gì đến việc" thông đồng với Nga. Tổng thống Mỹ không bình luận về trường hợp của Cohen.
Việc xét xử các ông Cohen và ông Manafort nằm trong cuộc điều tra đầu tiên đối với đội ngũ cố vấn tranh cử của Tổng thống Trump của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ. Từ tháng 5/2017 và tới nay đã truy tố hơn 30 người, trong đó 5 người nhận tội.
Tổng thống Trump luôn gọi cuộc điều tra này là “cuộc săn phù thủy”, đồng thời liên tục phủ nhận các cáo buộc có quan hệ với cô đào Daniels hay thông đồng với Nga. Tại cuộc gặp ở Helsinki hồi tháng 7, phía Nga phủ nhận can thiệp bầu cử Mỹ.
NGUYỄN QUỲNH (Theo CNN, Reuters)