Dưới đây là chia sẻ của bạn Đỗ Thị Trà Giang, cựu học viên Thạc sỹ của trường Đại học Khoa học công nghệ quốc gia Hàn Quốc UST, về cơ hội học bổng và môi trường học tập tại nơi bạn đã từng theo học.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Hàn Quốc (UST – Korea University of Science and Technology) là trường đại học chuyên đào tạo sau đại học được Chính phủ Hàn Quốc mở ra từ năm 2003 theo mô hình đặc biệt nhằm thúc đẩy đào tạo về khoa học công nghệ - một nhân tố cốt lõi trong phát triển kinh tế sáng tạo của Hàn Quốc.
Đây là trường đại học duy nhất được Chính phủ tài trợ để cung cấp chương trình đào tạo liên kết chặt chẽ với các viện nghiên cứu quốc gia của Hàn Quốc và doanh nghiệp (Co-op program).
Trường chú trọng đào tạo qua nghiên cứu thực hành giống như các trường đại học nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới như Viện Max Planck (Đức) và Sokendai (Nhật bản). Khác với các trường Đại học khác ở Hàn Quốc, tại UST, sinh viên dành phần lớn thời gian để học tập nghiên cứu tại các Viện, được trực tiếp tham gia vào các dự án nghiên cứu, và có cơ hội network với các chuyên gia hàng đầu tại các Viện và doanh nghiệp. Với các ngành học đa dạng tại 32 Viện nghiên cứu quốc gia, UST chính là nơi giao thoa của hàng trăm lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, từ những lĩnh vực đã có từ lâu như chế tạo máy, đến các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo, Internet of Things.
Hình ảnh trụ sở Trường UST (Ảnh: UST) |
Tính tới năm 2016, trường UST đang liên kết với 32 cơ sở Viện nghiên cứu quốc gia, trên khắp nước Hàn, bao gồm cả những Viện nghiên cứu danh tiếng như KIST, KRICT v.v… và hợp tác trao đổi sinh viên cùng với 75 trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước như KAIST, SOKENDAI v.v…. Nhờ mô hình liên kết đặc biệt, trường có số lượng chuyên ngành hết sức đa dạng, trải dài trong các lĩnh vực từ IT, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, tới công nghệ vũ trụ, chính sách công v.v…. Trường hiện đang đào tạo 1.292 sinh viên sau đại học và đã có 1.530 sinh viên đã tốt nghiệp từ trường.
Chương trình học bổng cho sinh viên
Sinh viên theo học tại UST được nhận mức học bổng cao trong suốt thời gian theo học. Sinh viên theo học Thạc sỹ có thể nhận học bổng từ $1.500 - $1.800; còn học bổng cho sinh viên Tiến sỹ là từ $2.000 -$2.300 - đây hiện là mức hỗ trợ tài chính cao nhất trong các trường đại học tại Hàn Quốc. Ngoài ra, trong quá trình học, UST có rất nhiều chương trình hỗ trợ khích lệ sinh viên, như tham gia các khoá trao đổi đào tạo, dự hội thảo tại nước ngoài, giải thưởng cho kết quả nghiên cứu xuất sắc ($1.500/suất), lấy bằng đúp (dual-degree) liên kết với một số trường danh tiếng trên thế giới. Ở các campus Viện nghiên cứu đều có kí túc xá với đầy đủ cơ sở vật chất, và sinh viên có thể được ở trong kí túc xá của Viện nghiên cứu với chi phí rất rẻ, chỉ khoảng 80-100 USD/tháng.
Tác giả (áo đỏ) chụp ảnh cùng giáo sư và các bạn đồng môn trong 1 chuyến tham dự hội thảo tại đảo Jeju (Ảnh: Trà Giang) |
Môi trường học tập tại UST
Một trong những điểm đặc biệt nhất của UST đó là sinh viên được tìm tòi học hỏi ngay tại Viện nghiên cứu hoặc công ty liên kết với UST. Không có sự phân biệt đáng kể nào đối với các chính sách dành cho sinh viên tại các Viện nghiên cứu này: sinh viên hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu và ngoại khoá ở Viện, cũng như nhận thêm sự hỗ trợ tài chính của Viện khi công tác, tham dự hội thảo, thưởng kết quả nghiên cứu v.v… Bên cạnh đó, sinh viên còn được sự hỗ trợ tối đa từ hội sở UST. Trường có đội ngũ quản lý và nhân viên nhiệt tình, thân thiện, luôn sẵn lòng lắng nghe khúc mắc của sinh viên … là những điểm cộng khiến cho sinh viên UST luôn yêu mến và đánh giá cao đội ngũ ở đây.
Nhờ môi trường học tập đặc biệt và sự hỗ trợ hết sức tích cực cho sinh viên từ phía nhà trường, sinh viên theo học tại UST đã đạt được những thành tích đáng nể. Trung bình mỗi sinh viên PhD theo học tại UST có 3.76 bài báo SCI, chỉ số Impact factor trung bình là 3.11, và có 1.76 sáng chế. Cho tới nay, đã có tới 8 bài báo của sinh viên UST được đăng trên tạp chí khoa học danh giá hàng đầu thế giới như Nature, Science …, trong đó có 1 sinh viên Việt Nam là anh Ngô Đình Nguyên Thạch, đăng trên tạp chí Nature Communications năm 2015 (nay anh đã tốt nghiệp UST và đang làm việc tại Viện Khoa học Tiêu chuẩn KRISS).
Cộng đồng sinh viên Việt Nam tại UST như thế nào?
Thật thiếu sót nếu không nhắc đến cộng đồng sinh viên Việt Nam tại UST. Khởi đầu chỉ với một vài sinh viên theo học rải rác tại viện KIST và một số viện khác năm 2004, cho tới nay cộng đồng sinh viên Việt Nam tại UST đã phát triển mạnh mẽ và trở thành cộng đồng sinh viên ngoại quốc lớn nhất và hoạt động tích cực nhất ở đây, với khoảng 100 sinh viên Việt Nam đang theo học và 80 sinh viên đã tốt nghiệp. Sinh viên Việt Nam được đánh giá là không chỉ tích cực trong nghiên cứu và đạt được nhiều thành tích tốt, mà còn năng nổ trong các hoạt động ngoại khoá.
Với số lượng sinh viên Việt Nam ngày càng tăng, từ năm 2011, Hội sinh viên Việt Nam tại UST đã được thành lập để tăng cường kết nối anh chị em hỗ trợ nhau trong đời sống và học tập. Năm 2015 và 2016, đội đá bóng nữ và nam của sinh viên Việt Nam tại UST đã lần lượt giành được huy chương vàng bóng đá tại các giải bóng đá do VSAK và ICFood (liên kết với đội ĐH Chungnam) tổ chức tại Hàn Quốc, bên cạnh các huy chương ở các nội dung thi đấu khác. Đây là thành tích đáng tự hào của các anh chị em trong chi hội, và đã được sự cổ vũ và hỗ trợ nhiệt tình của trường UST.
Những sinh viên đã tốt nghiệp từ UST giờ ra sao?
Sau khi tốt nghiệpk, một số cựu sinh viên quyết định tiếp tục theo đuổi chương trình sau đại học hoặc sau tiến sỹ tại Hàn Quốc, Mỹ, Bỉ v.v…, một số khác sau một thời gian làm việc tại Hàn Quốc đã quay trở về Việt Nam cống hiến cho quê hương trong nhiều cương vị khác nhau ở các bộ ngành, đại học, viện nghiên cứu, hay doanh nghiệp. Trong số đó, anh Nguyễn Mai Cương, hiện là Giám đốc trung tâm…, , anh Bùi Bá Chính, hiện là Giám đốc Trung tâm đổi mới công nghệ Việt Hàn (Tổng cục Đo lường Chất lượng), là một số cựu sinh viên tiêu biểu. Hội Cựu sinh viên UST tại Việt Nam cũng đã được hình thành để tăng tình đoàn kết, giao lưu, hợp tác giữa các anh chị em cựu sinh viên, cũng như tham gia làm chiếc cầu nối cho sự hợp tác giao lưu khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, và hỗ trợ các cựu sinh viên trong tương lai khi trở về cống hiến cho nước nhà.
Để trở thành USTians, bạn cần phải làm gì?
Tại UST, mỗi năm có 2 kỳ học chính là kỳ mùa Đông và kỳ mùa Thu. Kỳ học mùa Đông bắt đầu vào tháng 3 hàng năm, và thời gian nhận hồ sơ ứng tuyển thường thường bắt đầu khá sớm, từ khoảng đầu tháng 9 năm trước, còn kỳ học mùa Thu bắt đầu từ tháng 9 hàng năm và nhận hồ sơ từ đầu tháng 3. Ở mỗi kỳ tuyển sinh, trường sẽ công bố danh sách các chuyên ngành có chỉ tiêu tuyển sinh (và cấp học bổng). Ngôn ngữ giảng dạy chính ở trong trường là tiếng Anh, vì vậy bạn không cần phải lo lắng nếu chưa biết tiếng Hàn khi ứng tuyển. Mặc dù vậy, nếu có sự chuẩn bị trước về tiếng Hàn thì chắc chắn bạn sẽ có thể hoà nhập nhanh hơn với cuộc sống ở bên Hàn phải không nào!
Có 2 cách thức để ứng tuyển vào trường: hoặc được Giáo sư chấp nhận trước, hoặc ứng tuyển qua kênh thông thường của trường, sau đó trường phân bổ hồ sơ về các giáo sư có nhu cầu tuyển sinh. Dù là theo cách nào thì bạn vẫn cần phải thoả mãn các điều kiện sơ tuyển của nhà trường như sau:
- Đã tốt nghiệp đại học đối với chương trình Thạc sỹ hoặc Kết hợp (Combined), tốt nghiệp Thạc sỹ đối với chương trình Tiến sỹ
- Có chứng chỉ tiếng Anh: TOEIC từ 730, TOEFL iBT từ 79, TEPS từ 657, hoặc IELTS từ 6.0. Sinh viên đã từng học tập tại các nước nói tiếng Anh sẽ được miễn yêu cầu chứng chỉ này. Còn nếu bạn từng học các trường có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, bạn có thể được “nợ” chứng chỉ nếu xin được chứng nhận của trường về ngôn ngữ chương trình giảng dạy
Điều kiện cơ bản đơn giản là vậy, tuy nhiên để có lợi thế trong quá trình ứng tuyển, bạn cần thuyết phục Hội đồng xét tuyển thông qua thành tích đã đạt được, và đề xuất được hướng nghiên cứu phù hợp với định hướng của ngành bạn xin ứng tuyển. Sau khi trải qua vòng hồ sơ, ứng viên sẽ trải qua vòng phỏng vấn với giáo sư. Bật mý với bạn rằng, để chuẩn bị tốt cho cuộc phỏng vấn, hãy tìm hiểu kỹ về chuyên ngành mình định theo đuổi, và có định hướng nghiên cứu rõ ràng để tự tin thuyết phục giáo sư phỏng vấn nhé! Chúc các bạn may mắn và sẽ trở thành một USTian trong tương lai.
Đỗ Thị Trà Giang