Tại phiên tòa xử đại án Oceanbank chiều 20/9, bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang, nguyên Giám đốc khối Khách hàng cá nhân Oceanbank nói: "Người làm ở bộ phận quản lý ngân hàng lương 20 triệu đồng/tháng thì không ăn, không tiêu, chỉ để lại đóng vào việc bồi thường cũng mất 766 năm, 10 đời mới bồi thường hết".
Chiều 20/9, phiên tòa xét xử đại án Oceanbank tiếp tục diễn ra với phần tự bào chữa của các bị cáo.
Theo báo Tri thức trực tuyến, bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (cựu Giám đốc khối Khách hàng cá nhân Oceanbank) nói không biết vì sao VKS cáo buộc mình tổng hợp, phê duyệt số tiền chi ngoài lãi suất.
“Khối khách hàng cá nhân không liên quan đến số tiền chi ngoài lãi suất, chỉ làm nhiệm vụ xác nhận, xác thực thông tin của khách hàng. Khối khách hàng cá nhân là công đoạn về sau, không có liên quan gì đến chi ngoài lãi suất bởi vì bị cáo không biết số tiền đấy cho cho ai, chi như thế nào”, nữ bị cáo nói.
Về cáo buộc số tiền chịu trách nhiệm liên đới, Trang nói mình oan ức. Bị cáo mong HĐXX xem xét phân tách số tiền này.
Bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (cựu Giám đốc khối Khách hàng cá nhân Oceanbank) - Ảnh: CafeF/ Trí thức trẻ |
Khôi Trang mong HĐXX xem xét cho mình không phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự. “Bị cáo không biết số tiền này như thế nào. Bị cáo không thể nào đi gặp 51.000 khách hàng để đòi số tiền này vì không biết các đơn vị chi cho nhóm khách hàng nào, lúc nào”, Đỗ Đại Khôi Trang trình bày.
Theo bị cáo Trang, với cáo buộc liên đới chịu trách nhiệm về số tiền 187 tỷ đồng thì một người làm ở bộ phận quản lý ngân hàng lương 20 triệu đồng/tháng thì không ăn, không tiêu, chỉ để lại để đống vào việc bồi thường cũng mất 766 năm, 10 đời mới bồi thường hết. VKS buộc tội bị cáo chịu trách nhiệm dân sự số tiền này là vô lý.
Theo báo An ninh Thủ đô, trong phần bào chữa, cựu Giám đốc Khối Nguồn vốn Oceanbank – Nguyễn Hoài Nam trình bày, bị cáo hoàn toàn đồng ý với quan điểm mà các luật sư bào chữa nêu ra. “Bị cáo chỉ xin bổ sung thêm một số nội dung mà luật sư chưa đề cập đến và nói về nhận thức của bị cáo ở thời điểm chi lãi ngoài” – bị cáo Nam nói.
Nói về quan điểm luận tội, bị cáo Nam cho rằng kết luận điều tra đã khẳng định bị cáo đã cung cấp rất nhiều tài liệu giúp CQĐT sớm kết thúc vụ án nhưng bị cáo lại không hiểu vì sao VKS kết luận bị cáo không thành khẩn.
Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận: “Bị cáo thấy rằng đúng là Oceanbank đã làm sai Thông tư 02 về trần lãi suất, trong đó mỗi đơn vị của ngân hàng cũng tham gia vào quá trình đó nên rõ ràng có sai”.
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam, cựu Giám đốc Khối Nguồn vốn Oceanbank - Ảnh: CafeF/ Trí thức trẻ |
Trước tòa, Nam cho rằng thực hiện hành vi chi lãi ngoài, bị cáo rất băn khoăn, do đó đã gặp bị cáo Thắm hỏi có nên làm hay không? Bị cáo nghĩ làm thì sao, không làm thì sao? Khi ấy, bị cáo Thắm nói không làm thì có thể bị đuổi việc. Vì thế bị cáo nghĩ nếu chuyển sang ngân hàng khác thì có gì bảo đảm bị cáo không bị giao việc gì liên quan đến việc chi lãi suất ngoài. Bởi thời điểm đó, hầu hết các ngân hàng đều chi ngoài lãi suất như Oceanbank.
“Chính cái ranh giới mong manh ấy, nhận thức không đầy đủ về hành vi của mình và dưới áp lực của thị trường, áp lực về thanh khoản của ngân hàng nên đã khiến bị cáo làm vậy” – cựu Giám đốc Khối Nguồn vốn Oceanbank trình bày. Tiếp tục trần tình, bị cáo Nam cho rằng tuy bị cáo cùng các bị cáo khác làm sai, cố ý làm trái nhưng cái sai đó không gây ra thiệt hại...
Liên quan đến trách nhiệm dân sự, bị VKS đề nghị phải liên đới bồi thường hàng trăm tỷ đồng, Nguyễn Hoài Nam thấy điều đó là rất nặng nề. Và với số tiền lớn như vậy thì bị cáo không có khả năng bồi thường, dẫn đến bị cáo bị tuột mất cơ hội giảm nhẹ. “Ở đây bị cáo thấy không hợp lý vì bị cáo không thực hiện chi trả, không biết khách hàng là ai nên việc thu hồi lại là không tưởng” – cựu Giám đốc Khối Nguồn vốn Oceanbank nói.
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam nói: “Bị cáo xin HĐXX xem xét, nếu hành vi của các bị cáo đáng bị xử lý hình sự thì cũng trả đúng tên tội danh là cố ý làm trái quy định của nhà nước nhưng không gây hại cho Oceanbank".
Nguyễn Xuân Sơn xin không bị tuyên án tử
Theo báo VOV, trước đó, tại phiên tòa sáng cùng ngày (20/9), tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - cựu TGĐ Oceanbank gửi lời kêu cứu đến HĐXX khi cho rằng, mình không hề phạm tội tham ô tài sản, không lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Theo Sơn, hành vi của ông ta trong vụ án này là đã giúp Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank chi lãi ngoài cho khách hàng. Trình bày, Sơn chi làm hai giai đoạn: Giai đoạn làm TGĐ Oceanbank đã trực tiếp chi chăm sóc khách hàng, còn giai đoạn về làm Phó TGĐ PVN thì đã có hành vi chuyển hộ tiền của Hà Văn Thắm cho PVN. “Bị cáo thừa nhận những hành vi sai phạm, thực sự ăn năn hối lỗi về những hành động đó”, Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận.
Trong giai đoạn làm TGĐ Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn cho biết đã chuyển số tiền hơn 69 tỷ đồng của Hà Văn Thắm đưa để chăm sóc khách hàng, trong đó có PVN khoảng 30-40 tỷ đồng. Việc thỏa thuận đàm phán chi lãi ngoài như thế nào, theo Nguyễn Xuân Sơn do Hà Văn Thắm quyết định. Ở giai đoạn này, Sơn còn cho biết là dùng cả tiền túi để chi tiếp khách nhằm tạo cho ngân hàng một lượng khách lớn, một khoản lãi lớn.
Sau khi về PVN làm Phó TGĐ, Nguyễn Xuân Sơn giới thiệu Nguyễn Minh Thu và chuyển những khách hàng Vip để Thu tiếp tục chăm sóc, vấn đề này, Sơn cho rằng, mình không có quyền giới thiệu Nguyễn Minh Thu làm TGĐ Oceanbank. “Bị cáo chưa phải là thành viên HĐQT nên không có chuyện bị cáo “cài cắm” Nguyễn Minh Thu ở lại”, Sơn nói.
Về vai trò của mình trong giai đoạn này, Sơn cho biết chỉ nhận lời giúp Hà Văn Thắm tạo quan hệ, chuyển giúp tiền cho PVN. Việc chi lãi ngoài trên toàn hệ thống Oceanbank, làm trái thông tư 02 bị cáo hoàn toàn không biết.
Thừa nhận mình làm sai, nhưng Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, chỉ với mục đích giúp cho Oceanbank, giúp Hà Văn Thắm giảm bớt chi phí trong quá trình huy động vốn, làm tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Về số tiền 246 tỷ đồng bị quy buộc chiếm đoạt, Nguyễn Xuân Sơn cho hay, mình không có chức trách liên quan đến khoản tiền Hà Văn Thắm chi cho PVN. Sơn trình bày mình không chiếm đoạt, và nếu muốn chiếm đoạt của Hà Văn Thắm, bị cáo có thể yêu cầu chi nhiều hơn, rồi chiếm đoạt một phần trong số đó.
“Mà nếu bị cáo chiếm đoạt tiền của người khác thì sẽ không có uy tín để làm việc nữa. Bị cáo đã làm lâu trong ngành tài chính nên rất thấu hiểu điều này”, Nguyễn Xuân Sơn giãi bày.
Theo Nguyễn Xuân Sơn hành động của mình đã làm tổn hại đến uy tín của PVN, bị cáo mong HĐXX xem xét khi lượng hình để bị cáo không bị những hình phạt khắc nghiệt nhất.
“Bị cáo thực sự ăn năn hối lỗi, mong HĐXX cho phép được dùng tài sản của mình để khắc phục hậu quả, làm giảm thiệt hại và được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”, Nguyễn Xuân Sơn trình bày.
(Tổng hợp)