Chiều 10/4, TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đỗ Hữu Ca cùng 12 bị cáo khác trong vụ án mua bán hóa đơn, đưa, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Trong phần thủ tục của phiên xử sáng cùng ngày, thư ký phiên tòa thông báo, sức khỏe 13 bị cáo ổn định, đủ điều kiện dự tòa. Riêng bị cáo Đỗ Hữu Ca đau chân nên được phép ngồi trình bày tại tòa nếu nội dung kéo dài.
Lo 35 tỷ “chạy án”
Tại phần xét hỏi, vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đồng ý với nội dung cáo trạng. Hai bị cáo tiếp tục khẳng định đã 4 lần mang tiền đến nhà bị cáo Đỗ Hữu Ca với tổng số tiền là 35 tỷ đồng, để nhờ Ca chạy tội.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Đước, Đước coi bị cáo Ca như anh trai nên rất tin tưởng. Khi biết Công an tỉnh Quảng Ninh đang điều tra hành vi mua bán hoá đơn, trốn thuế trong các doanh nghiệp của mình, Đước và vợ đã nghĩ đến ông Ca.
Vợ chồng bị cáo Đước đã 4 lần rút tiền, chuyển đủ cho ông Ca 35 tỷ để nhờ ông này chạy án. Đến ngày 3/2/2023, Trương Xuân Đước bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Sau khi chồng bị bắt, vợ Đước là bị cáo Ngọc Anh đến nhà gặp ông Ca xin lại số tiền 35 tỷ đồng nhưng ông Ca không những không trả lại tiền mà còn mắng và đuổi Ngọc Anh về.
“Coi như em ruột, tưởng nhờ giữ hộ”
Khai trước tòa, bị cáo Đỗ Hữu Ca thừa nhận Ngọc Anh 4 lần đến nhà đưa tiền, với số tiền 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Ca khai không yêu cầu bị cáo Ngọc Anh làm vậy. "Tôi không bảo Ngọc Anh mang tiền đến nhà tôi; cách Ngọc Anh mang tiền đến cũng cập rập, vội vàng. Mang tiền đến Ngọc Anh chỉ nói là anh cất tiền đi cho em. Tôi nghĩ Đước đi vắng, nhà có 3 mẹ con nên Ngọc Anh mang tiền đến nhà tôi gửi, khi nào lấy thì đến lấy", bị cáo Ca giải thích trước tòa.
"Việc này có sự ngộ nhận rất lớn. Tôi coi Đước như em ruột nên cố gắng cứu Đước trên tinh thần đúng pháp luật. Do đó, khi Đước vi phạm pháp luật chiếm đoạt tiền nhà nước thì phải khắc phục trả lại", bị cáo Ca trình bày.
Theo lời khai của bị cáo Ca, quá trình trao đổi với Ngọc Anh, biết Đước có công ty ở Quảng Ninh về mua bán hóa đơn, có thể được trích lại 10% lợi nhuận. Do đó, Ngọc Anh "ang áng" phải chuẩn bị số tiền như vậy và mang số tiền đó đến nhà bị cáo Ca.
Đỗ Hữu Ca khai, bản thân khi còn làm giám đốc công an chỉ làm công tác quản lý, không nắm rõ về hoạt động hóa đơn giá trị gia tăng nên mới bảo Ngọc Anh tìm mọi cách gọi Đước về để "hỏi cho rõ việc làm của Đước là như nào".
Bị cáo Ca nói thêm, số tiền đó để trong nhà hơn một tháng mà bị cáo không biết cụ thể. Sau này khi giao nộp, cơ quan công an kiểm đếm, mới biết đó là 35 tỷ đồng. Bị cáo Ca cho rằng không hiểu ý của Ngọc Anh là mang tiền để nhờ chạy tội mà chỉ nghĩ mang tiền đến gửi.
HĐXX tiếp tục làm rõ chi tiết, khi Ngọc Anh đến nhà Ca đòi lại tiền, Ca không trả. Ngọc Anh khai tình tiết này nhưng bị cáo Ca phủ nhận.
Màn “đối đáp dậy sóng”
Khi HĐXX yêu cầu đối đáp với lời khai của bị cáo Ca, vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh khẳng định mang tiền đến nhà Ca để nhờ "chạy án" chứ không phải mang đến gửi.
Bị cáo Trương Xuân Đước lập luận: "Tôi chưa bị điên để tự dưng cứ cầm tiền hết lần này tới lần khác đến nhà anh Ca. Nếu anh ấy ân tình với tôi, hướng dẫn cho tôi đúng luật thì hôm nay, tôi đã không đến mức này”, Trương Xuân Đước nói tại tòa.
Bị cáo Đước cũng khẳn định tại tòa: “Nếu bị cáo Ca coi bị cáo là anh em thì không anh em nào sống như thế cả. Nếu không giúp được bị cáo thì ông Ca đừng nhận tiền, đừng hứa. Nếu để từ đầu cho bị cáo Đước chủ động thì gia đình đã không đến cơ sự như hôm nay”.
Đối với bị cáo Đỗ Hữu Ca, khi chủ tọa hỏi bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có đúng hay không, bị cáo Ca nói: “Bản thân ngay từ đầu không có ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; có nhận tiền nhưng do "không rõ Ngọc Anh mang tiền đến làm gì, không hiểu ý nguyện của Ngọc Anh".
HĐXX hỏi: "Bị cáo khai như vậy thì cáo trạng truy tố bị cáo là sai?".
Bị cáo Ca nói: “Tôi không dám kết luận như thế, tôi khai báo hết sức thành khẩn. Tôi mang tiền nộp lại khi chưa có quyết định tố tụng gì với tôi, tôi không hứa hẹn, cam kết, dụ dỗ gì vợ chồng Ngọc Anh".
Đại diện VKS công bố lời khai của bị cáo Ca tại cơ quan điều tra và hỏi lại "lời khai có đúng không?". Bị cáo Ca tiếp tục giữ nguyên lời khai tại tòa.
Đại diện VKS cảnh báo bị cáo Ca cần khai báo thành khẩn để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bởi cơ quan tố tụng thu thập các chứng cứ một cách đầy đủ, đúng trình tự và khách quan. Lời khai nhận tội hoặc chối tội của bị cáo chỉ có giá trị khi phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.