+Aa-
    Zalo

    Cựu cán bộ tài chính lừa đảo gần 37 tỷ đồng như thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù đã nghỉ việc nhưng cựu cán bộ tài chính huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận “nổ” mình là người có chức quyền, có thể thuê đất làm du lịch để lừa đảo gần 38 tỷ đồng.

    Dù đã nghỉ việc nhưng cựu cán bộ tài chính huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận “nổ” mình là người có chức quyền, có thể thuê đất làm du lịch để lừa đảo gần 38 tỷ đồng.

    Cựu cán bộ tài chính làm giả hàng loạt tài liệu, con dấu của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo.

    Thủ đoạn của cựu cán bộ tài chính

    Phạm Thanh Liêm (SN 1982, ngụ thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình), nguyên là chuyên viên phòng Tài chính - Kế hoạch Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

    Tháng 1/2017, Liêm quen biết anh Trần Kính Thiên thông qua việc mua bán đất tại xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình. Lúc này, Liêm đã nghỉ việc nhưng vẫn nói mình đang giữ chức Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bắc Bình, có nhiều mối quan hệ có thể làm thủ tục thuê đất ven biển ở khu vực Bắc Bình.

    Tưởng thật nên anh Trần Kính Thiên và Nguyễn Tấn Duy (ngụ huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cùng một số người khác tin tưởng nhờ làm thủ tục thuê đất ven biển để làm dự án du lịch. Liêm đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối như: Thuê người làm giả các con dấu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), trực tiếp làm giả các tài liệu, con dấu của cơ quan, sử dụng các con dấu giả đóng lên các tài liệu giả, thuê người vẽ bản đồ vị trí các thửa đất để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Nguyễn Tấn Duy và 7 người khác với tổng số tiền gần 38 tỷ đồng.

    Cụ thể: Liêm nhờ Trần Huỳnh Phú vẽ các bản đồ vị trí, Liêm tự làm hồ sơ xin thuê năm thửa đất, thuê Lâm Thanh Tùng (chưa rõ địa chỉ cư trú) làm giả năm giấy chứng nhận QSDĐ giả rồi giao cho anh Duy, làm anh Duy tưởng đã thuê được đất nên chuyển tiền cho Liêm tổng cộng hơn 21,5 tỷ đồng và bị Liêm chiếm đoạt.

    Cũng với thủ đoạn như nêu trên Liêm thuê Lâm Thanh Tùng làm giả 29 giấy chứng nhận QSDĐ, 16 con dấu của các cơ quan Nhà nước. Liêm còn trực tiếp làm giả năm bảng biểu tính thuế nộp tiền thuê đất, một biên bản giao nhận sổ hồng sử dụng các con dấu giả đóng lên các tài liệu này rồi sử dụng các tài liệu giả này để lừa đảo, chiếm đoạt của anh Nguyễn Minh Hoàng hơn 992 triệu đồng; chiếm đoạt của anh Nguyễn Minh Nhựt gần 3,2 tỷ đồng; chiếm đoạt của anh Trịnh Vĩnh Dương 500 triệu đồng; chiếm đoạt của chị Trần Xuân Mai 5,3 tỷ đồng; chiếm đoạt của anh Trần Kính Thiên 1,3 tỷ đồng; chiếm đoạt của anh Đinh Ô Phăng 3,5 tỷ đồng; chiếm đoạt của anh Đặng Văn Bình 1,5 tỷ đồng.
    Trong vụ án này, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận xác định, Ông Trần Huỳnh Phú, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TN&MT thuộc sở TN&MT tỉnh Bình Thuận; Vũ Đông Phương, cán bộ phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bắc Bình có hành vi sử dụng máy móc của cơ quan để xác định tọa độ và vẽ bản đồ theo yêu cầu của Liêm; Lê Minh Truyền (công chức địa chính thuộc UBND thị trấn Chợ Lầu) có hành vi giao giấy chứng nhận QSDĐ giả cho các bị hại theo yêu cầu của Liêm.

    Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy cả ba người này đều không biết Liêm sử dụng các bản đồ mà mình cung cấp để làm giấy chứng nhận QSDĐ giả nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi giao giấy chứng nhận QSDĐ, Truyền không biết đó là các GCNQSDĐ giả nên không đồng phạm với Liêm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Cả ba người có tên nêu trên đã thực hiện các hoạt động trên vào Thứ Bảy và Chủ Nhật, không phải đang thực hiện công vụ, nhiệm vụ được phân công. Do đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận không xử lý họ về hình sự.

    Dù vậy, hành vi sử dụng tài sản công trái quy định của Phú, Phương và Truyền sẽ bị xử lý kỷ luật theo luật Cán bộ, công chức. Do đó, sau khi kết thúc điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi UBND huyện Bắc Bình và sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đề nghị xem xét kỷ luật đối với các cán bộ nêu trên.

    Sau khi vụ án xảy ra, 3 cán bộ này đã nộp lại hơn 160 triệu đồng là số tiền mà Liêm đã chiếm đoạt của các bị hại rồi "cho" họ.

    Bị cáo Liêm phải trả giá đắt...

    Làm giả con dấu, tài liệu để tạo uy tín, khi làm ăn có tiền sẽ đổi sổ thật?

    Với hành vi phạm tội nói trên, Liêm bị khởi tố, truy tố, xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bị cáo Liêm bị TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra xét xử về các tội danh này, ở khung hình phạt có mức án lên đến tù chung thân.

    Cơ quan công tố xác định hành vi của Liêm là đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo Liêm cũng ý thức được hành vi phạm tội của mình sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc, do đó Liên thành khẩn khai báo, nhận tội và ăn năn hối hận để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

    Riêng hành vi làm giả hàng chục Giấy chứng nhận QSDĐ, Liêm nói chỉ làm tạm thời nhằm tạo uy tín, niềm tin với khách hàng chứ hoàn toàn không có ý lừa đảo.

    “Bị cáo vì muốn giữ uy tín nên làm sổ giả, khi làm ăn có tiền sẽ làm lại sổ thật để đổi cho khách hàng chứ hoàn toàn không có ý định chiếm đoạt”, bị cáo Liêm biện minh.

    Tuy nhiên, lời biện minh này của Liêm không được cơ quan công tố và tòa chấp nhận. Sau 1 ngày xét xử và nghị án, HĐXX TAND tỉnh Bình Thuận đã nhận định, hành vi của bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội, bản thân bị cáo biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện nhiều lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác mà mỗi lần đều cấu thành tội phạm nên thuộc trường hợp phạm tội 2 lần trở lên. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên cần tuyên mức án nghiêm khắc.
    Tuy nhiên, quá trình lượng hình, tòa cũng xem xét một số tình tiết như bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, được bị hại làm đơn bãi nại... làm căn cứ giảm cho Liêm một phần hình phạt.

    Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt theo quy định pháp luật, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Liêm 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 4 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt, Liêm phải chấp hành là 20 năm tù.

    Ngoài bản án hình sự, tòa còn buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại là ông Nguyễn Tấn Duy số tiền 31 tỷ đồng.

    Công Thư

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (43)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuu-can-bo-tai-chinh-lua-dao-gan-37-ty-dong-nhu-the-nao-a343668.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan