+Aa-
    Zalo

    Cứu bàn tay bị đứt lìa nhờ bảo quản đúng cách

    (ĐS&PL) - Nam thanh niên gặp tai nạn với máy dập ở công xưởng, khiến cổ tay phải bị cắt đứt lìa. Đồng nghiệp sau đó đã sơ cứu vết thương tại chỗ rồi mang theo phần bàn tay bị đứt lìa đã được bảo quản đi thẳng đến bệnh viện.

    Theo Pháp luật TP.HCM, sáng 19/9, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM cho biết vừa phẫu thuật cho bệnh nhân L.G.T (22 tuổi) bị dập mất đoạn xương và lìa cổ tay phải do tai nạn lao động.

    Được biết, T. nhập viện trong tình trạng bàn tay phải đứt lìa do máy dập gây ra trong lúc đang làm việc ca đêm. Sau khi được sơ cứu tại chỗ, anh T được đưa tới Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM cùng phần bàn tay đứt lìa.

    Nhận định anh T. bị chấn thương rất nặng, các bác sĩ chia ra các nhóm để cùng lúc hồi sức cấp cứu mất máu, làm xét nghiệm để mổ khẩn cấp.

    Bệnh nhân vừa được thực hiện hồi sức cấp cứu mất máu, vừa được làm các xét nghiệm. Đồng thời, bàn tay đứt lìa được vào thẳng phòng mổ để cắt lọc, xử lý sạch sẽ và đánh dấu các cấu trúc mạch máu thần kinh, trước khi bệnh nhân vào phòng mổ.

    cuu ban tay bi dut lia nho bao quan dung cach
    Hiện bàn tay anh T. đã sống, có thể cử động nhẹ. Dự kiến anh T còn trải qua các cuộc phẫu thuật để tạo hình, nối ghép vi phẫu thần kinh, nối ghép gân gấp và gân duỗi. Ảnh: Dân Trí.

    Ekip phẫu thuật cho bệnh nhân có sự góp mặt của 3 bác sĩ khoa Vi phẫu tạo hình. Theo ekip điều trị, đây là trường hợp khá phức tạp khi chi bị đứt lìa hoàn toàn, vết thương bầm dập.

    Phần đứt lìa của bệnh nhân bị dập đầu dưới xương quay. Trong khi đó, mạch máu thần kinh và gân bị dập lóc 1 đoạn, đã bị máy nghiền nát. Ekip phẫu thuật đã tiến hành cắt ngắn xương trụ để tạo hình cổ tay tương đối ổn định, sau đó ưu tiên ghép vi phẫu động mạch và tĩnh mạch để cứu bàn tay.

    Qua 5 ngày điều trị, bàn tay nối lại có dấu hiệu sống ổn định, tinh thần bệnh nhân đã phấn khởi hơn. Dự kiến, bệnh nhân còn trải qua các cuộc phẫu thuật để tạo hình, nối ghép vi phẫu thần kinh, nối ghép gân gấp và gân duỗi.

    Theo nhóm bác sĩ điều trị, trong trường hợp này, bệnh nhân được nối tay thành công dù dập mất một đoạn xương, nhờ phần đứt lìa được bảo quản đúng cách (bỏ vào bịch nylon cột dây thun lại, sau đó cho vào thùng nước đá).

    Ngoài ra, ca mổ được thực hiện bởi các phẫu thuật viên có kinh nghiệm về khâu nối vi phẫu. Ekip đã đưa phần bàn tay đứt lìa vào xử lý trước để tiết kiệm thời gian, trong khi bệnh nhân còn đang làm các xét nghiệm phẫu thuật ở ngoài phòng cấp cứu.

    Dân trí dẫn lời khuyến cáo của các bác sĩ, người lao động cần lưu ý đảm bảo đầy đủ các phương tiện phòng hộ lao động, tuân thủ quy trình kỹ thuật và bảo vệ bản thân, nhằm tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

    "Đặc biệt trong các tình huống cần làm đêm khuya, càng cần đề cao cảnh giác để đảm bảo lao động năng suất, an toàn cho mình", đại diện bệnh viện chia sẻ.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuu-ban-tay-bi-dut-lia-nho-bao-quan-dung-cach-a591679.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan