Ngày càng xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo qua điện thoại. Có không ít cuộc gọi mạo danh các cơ quan thẩm quyền hoặc nhà mạng để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân, hoặc lừa đảo số tiền lớn.
Nếu như bạn nhận được cuộc gọi có nội dung dưới đây thì hãy tắt ngay nhé.
Những cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo
Thông tin từ VTV News, ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, người nghe khó dứt khỏi cuộc gọi. Các cuộc gọi có thể kể đến như:
Nhận cuộc gọi từ nhà mạng mất hàng chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Nhận cuộc gọi từ bệnh viện mất cả trăm triệu đồng.
Nhận cuộc gọi làm cộng tác viên bán hàng online mất cả tỷ đồng.
Đáng nói, tất cả đều là các cuộc gọi lừa đảo.
Các chuyên gia khuyến cáo khi nhận được những cuộc gọi có nội dung dưới đây thì nên tắt máy để tránh bị đưa vào những bẫy lừa đảo lớn:
Cuộc điện thoại mà ở đầu dây bên kia nói đúng họ và tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở của bạn. Chắc có lẽ sẽ là hơi bất ngờ một chút nhưng nếu đầu dây bên kia lại nói "Yêu cầu anh/chị hợp tác" là có vẻ… có vấn đề rồi!
Cũng là cuộc gọi lạ nhưng là để nâng cấp sim. Nếu bạn nhận được tin nhắn thông báo sim điện thoại của mình sẽ bị khóa sau 2h nữa nếu không nâng cấp lên sim 4G hoặc 5G. Tiếp đó, một đối tượng gọi điện, tự xưng là nhân viên nhà mạng, đọc chính xác nhiều thông tin cá nhân của bạn, rồi yêu cầu bạn nhắn tin theo hướng dẫn để nâng cấp sim điện thoại. Tuyệt đối không nghe theo.
Cũng là những cuộc gọi lạ, nhưng với những lời mời chào hấp dẫn về hoa hồng lên đến hàng chục phần trăm nếu ứng tiền ra trước. Có những người sau khi hưởng số tiền nhỏ tin tưởng và ứng số tiền lớn đó là khi khi kẻ lừa đảo lộ mặt.
Lưu ý khi nhận được những cuộc gọi lừa đảo
Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện Cục Viễn thông đã đưa ra lời khuyên khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai cách: Gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại tới đầu số 156 như sau:
Cách thứ nhất
Khách hàng gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Cách thứ hai
Khách hàng gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.
Từ đó, sẽ yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo Điểm e, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông).
Thông tin từ báo Lao động, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khuyến cáo người dân cần cảnh giác, đề phòng các cuộc gọi từ số lạ, dọa khóa thuê bao.
Trước tình trạng các hình thức lừa đảo gia tăng, Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi.
Đồng thời khuyến nghị, khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý.
Bên cạnh đó, cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan Công an gần nhất đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Nguyễn Linh (T/h)