+Aa-
    Zalo

    Cường đô la liên quan gì đến "đại án" Phạm Công Danh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tòa án triệu tập mẹ con Cường đô la vì có liên quan đến một giao dịch 300 tỷ dưới thời Phạm Công Danh

    (ĐSPL)- Cường “đô la” liên quan gì tới “đại án” phạm Công Danh? 

     Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) Thành viên HĐQT của Quốc Cường Gia Lai đều được tòa triệu tập vì có liên quan đến một giao dịch trị giá 300 tỷ đồng với VNCB dưới thời Phạm Công Danh.

    Báo Dân trí đưa tin ngày 21/7, TAND TPHCM tiếp tục tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Trong phiên xử sáng của ngày thứ 3 này, các công tố viên tiếp tục phần công bố cáo trạng.

    Do bản cáo trạng dài hơn 120 trang, riêng phần nội dung vụ án gần 110 trang nên phải công bố trong nhiều giờ, 2 kiểm sát viên đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa phải thay nhau đọc nội dung bản cáo trạng. Để đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo trong suốt thời gian diễn ra phiên xử, tòa cho phép các bị cáo được ngồi để nghe công bố.

    Nội dung cáo trạng chủ yếu xung quanh cáo buộc các hành vi cố ý làm trái của bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm với hàng loạt giao dịch trị giá nhiều tỷ đồng. Ngoài các giao dịch nội bộ do chính các công ty “ma” Danh tự lập ra, nhóm của Danh còn thực hiện giao dịch với nhiều công ty nổi tiếng, trong đó có công ty Nhà Quốc Cường của gia đình Cường “đô la”.

    Phạm Công Danh tại phiên xét xử (Ảnh: Dân trí)

    Theo tin tức đăng tải trên Báo mới, theo đó cáo trạng tại phiên tòa có đến 2 công ty “dính dáng” đến Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai có liên quan đến hành vi vi phạm của ông Phạm Công Danh. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường vay 300 tỷ đồng và Công ty TNHH Một thành viên Thương mại xây dựng đầu tư phát triển nhà Hưng Thịnh vay 450 tỷ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân cho hai công ty này là 300 tỷ đồng. Theo cơ quan tố tụng, hai công ty này lần lượt do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Quốc Cường là Chủ tịch HĐTV.

    Cụ thể hơn, ông Cường đã ký biên bản họp đồng ý cho hai công ty này vay tiền tại VNCB và cử dại diện là ông Nguyễn Văn Hùng và ông Lưu Đình Phát ký kết các hợp đồng tín dụng và các hồ sơ liên quan. Theo cơ quan tố tụng, hai công ty này hoạt động kinh doanh các năm đều lỗ. Tuy nhiên, rất may cho bà Loan và ông Cường là cáo trạng của VKSND Tối cao xác định trong số này, khoản vay 300 tỷ đồng này không bị thất thoát. Do đó Cường đô la và mẹ của mình chỉ bị triệu tập để làm rõ hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gây thiệt hại cho VNCB.

    Liên quan đến Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai (QCG) trong nhiều năm qua luôn vật lộn với rất nhiều khó khăn. Dù năm nào doanh nghiệp này cũng báo cáo có lợi nhuận nhưng chỉ ở mức tượng trưng. Từ năm 2011 đến nay Công ty này hoặc thua lỗ hoặc lợi nhuận chỉ từ 2 đến vài chục tỷ đồng. Đây là con số quá nhỏ so với vốn chủ sở hữu gần 4.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 8.000 tỷ đồng. Hiện nay, hàng tồn kho của doanh nghiệp này lên đến hơn 5.000 tỷ đồng và nằm “bất động” trong nhiều năm qua.

    Hiện nay, tổng nợ vay của QCG hơn 2.000 tỷ đồng. Gần như toàn bộ bất động sản có tên của QCG và một phần tài sản cá nhân CT HĐQT Nguyễn Thị Như Loan đang được thế chấp cho khoản vay nay. Trong những năm gần đây dự án lớn nhất của QCG là Dự án khu dân cư Phước Kiển được triển khai một cách chậm chạp. Tính đến cuối Quý 1/2016, QCG đã rót gần 4.000 tỷ vào dự án này, chiếm tới gần 50\% tổng tài sản của Công ty.

    Trở lại với những sai phạm của ông Phạm Công Danh, có một điểm đáng chú ý là ông Danh đã chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay. Cụ thể 2 lô đất này được VNCB định giá tới 5.000 tỷ đồng, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định chỉ có trị giá hơn 2.600 tỷ đồng. Sau đó ông Danh chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển khoản hoặc rút tiền mặt với số tiền là 4.700 tỷ đồng để trả nợ và số tiền còn lại hơn 1.465 tỷ đồng để chi “chăm sóc khách hàng”.

    Đây là những vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động cho vay tại ngân hàng. Điều đáng nói là hiện tượng này ở các ngân hàng Việt Nam không phải là hiếm. Đặc biệt, việc “đảo nợ” lòng vòng diễn ra khá phổ biến ở nhiều dự án bất động sản.

    Tại phiên tòa, cả bà Loan, ông Cường và bà Huyền My đều không đến tòa mà ủy quyền cho bà Ngô Kim Lan làm đại diện tham dự. Bà Lan cũng được ủy quyền đại diện công ty Nhà Quốc Cường tham gia phiên tòa.

    HÀ THẢO (Tổng hợp)

    Nguồn Nguoiduatin

     


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuong-do-la-lien-quan-gi-den-dai-an-pham-cong-danh-a140461.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan