(ĐSPL) - Lì xì là một tục lệ tốt đẹp mang đậm phong vị Tết Việt tuy nhiên phong tục này ngày nay đã bị biến tướng.
Ảnh minh họa. |
Lì xì vốn là một tục lệ tốt đẹp của người Việt. Theo đó, người lớn tặng cho trẻ nhỏ những đồng tiền với mệnh giá rất nhỏ để mừng tuổi và đem đến cho chúng niềm vui đầu năm. Nó giúp cho trẻ em có những hồi ức tuyệt vời về ngày Tết. Không chỉ lì xì cho trẻ em, con cháu còn lì xì cho ông bà để mừng tuổi cho những bậc cao niên trong nhà. Đây là một tục lệ tốt đẹp mang đậm phong vị Tết Việt.
Video tết Ất Mùi: Độc đáo bao lì xì 'xanh'
Tuy nhiên, ngày nay phong tục lì xì đầu năm cũng bị biến tướng, nhiều người lấy giá trị của bao lì xì để “đo” sự hào phóng của người tặng lì xì. Có đứa trẻ dại, thấy tiền ít thì vùng vằng hoặc phát ngôn dại dột.
Như chị Phan Nguyễn Anh Thư (38 tuổi, quê Hậu Giang, kinh doanh buôn bán nhỏ tại TP.HCM) chia sẻ trên báo Công an TP HCM, 2 năm liền chị không về quê đón tết, năm nay quyết định về quê ăn Tết, thăm bà con, họ hàng. Trước khi về chị đã cẩn thận nhờ người đổi giúp 1 triệu tiền mới mệnh giá 20.000 đồng bỏ bao đỏ để lì xì các cháu. Tối 30 chị mang ra lì xì các cháu. Các bé rất mừng và cảm ơn rối rít. Tuy nhiên, sau khi mở phong bì lì xì, một cháu nhỏ của chị (mới 8 tuổi), buông một câu gọn ơ: "Tưởng gì, có 20 chục ngàn mà dì Ba cũng lì xì nữa".
Chị Thư chia sẻ: “Lâu ngày không về quê, cứ nghĩ con nít không biết xài tiền, lì xì để lấy hên đầu năm thôi. Ai ngờ cháu nó buột miệng chê ít. Cả bố mẹ của cháu lẫn chị đều cảm thấy khó xử trước câu nói của bé".
Đó là những trường hợp không phải là hiếm, tạo tình huống ngại ngùng cho cả phía phụ huynh lẫn khách đến chơi. Có trẻ thì chê ít, có trẻ lại nhắc khách là: “Cô/chú chưa xì lì cho cháu”, thậm chí có nơi phụ huynh còn nhắc khéo...
Anh Phan Thanh Bình (ngụ Q.3, TP.HCM) bộc bạch: “Năm nào mình cũng chuẩn bị rất nhiều tiền mới, cứ đến thăm xuân nhà ai có trẻ nhỏ là mình cũng lì xì, nhưng phải chăng vì thế mà tạo thói quen cho chúng. Bởi nhiều nhà, trẻ con cứ thấy người lớn tới chơi là lại chạy lên… đợi. Có khi mải nói chuyện quên không lì xì, ra cửa về chúng nhắc thẳng: "Chú chưa lì xì cho cháu". Mình vội vã móc ví, vừa ngượng với chủ nhà vừa cảm thấy buồn. Nhiều lúc tôi cảm thấy sợ khi Tết đến.
Trao đổi về chuyện lì xì ngày Tết, được dẫn lời trên báo Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) bày tỏ: “Chuyện trẻ con thích nhiều tiền thì thời nào cũng vậy”.
Tuy nhiên, theo ông Vỹ, đối với những đứa trẻ dại, thấy tiền lì xì ít thì vùng vằng hoặc phát ngôn dại dột thì lúc đó người lớn phải ứng xử tế nhị. Sau đó có cách dạy trẻ cho hiệu quả.
Ông Vỹ dẫn chứng: “Có bà mẹ thấy con như vậy lại suốt ngày bô lô: "Cháu nó cực siêu! Ông A lì xì 10 ngàn nó không thèm nhận!", nói rồi ha hả cười khen con mình. Thế là mẹ hỏng chứ con chưa hỏng đâu”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn cho rằng, ngày nay bắt nguồn từ tác động của kinh tế thị trường, khó tránh khỏi chuyện trẻ em coi trọng mệnh giá tiền lì xì. Có khi phong tục lì xì biến thành món hàng hóa trao đổi. Người lớn lì xì con trẻ thật nhiều tiền cho con sếp để lấy lòng bố, mẹ; tục lì xì thành văn hóa “phong bì”... Đó là sự biến đổi mang tính tiêu cực.
Cũng theo tiến sỹ Trần Hữu Sơn, để tránh “sự biến đổi tiêu cực” trên, chỉ có cách tuyên truyền, vận động. Đến thời điểm nào đó, con người sẽ nhận thức được rằng, đó là tiêu cực và trở lại đúng ý nghĩa ban đầu của tục mừng tuổi đầu năm.