+Aa-
    Zalo

    Cuối đời cơ cực của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - “ông thánh” nhiều quê

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Rất nhiều năm tháng “rong chơi” với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên “đúc kết”: Ổng là “thánh sống” của xứ dừa đó nghe!

    Rất nhiều năm tháng “rong chơi” với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên “đúc kết”: Ổng là “thánh sống” của xứ dừa đó nghe!

    Mà cái xứ Bến Tre “phong” nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là… thánh, thấy cũng phải. Bởi cái xứ dừa này thì đất và người đã có hàng bao nhiêu thế hệ mà đâu có ai biết cái dáng đứng của nó như thế nào? Chỉ khi ca khúc Dáng đứng Bến Tre ra đời (1980), thì con người và mảnh đất Đồng Khởi ấy mới đi vào lòng người và được cả nước biết đến. Kể từ những năm tháng ấy, ông bỗng được người dân (và cả chính quyền các cấp) Bến Tre nhận mình là… đồng hương (!?). Người Bến Tre lập luận rất đơn giản: Ổng là người Bến Tre… gốc. Hổng gốc sao viết được bài “cật ruột” này của "miệt" Bến Tre?

    Để sáng tác bài hát có giai điệu hay, ca từ đẹp, ghi sâu vào lòng người nghe không phải là chuyện dễ dàng. Chuyện là: Từ năm 1976, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Bến Tre cùng với vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ-nhà thơ Lê Giang để nghiên cứu về dân ca Nam Bộ. Trong một bức thư gửi về cho vợ ở Hà Nội, ông đã viết “Em ạ, anh giờ  phải bỏ ra dăm năm để học cách làm người Nam Bộ”.

    Và ông đã bỏ ra 5 năm để thâm nhập, để sống và hiểu cách suy nghĩ, cách nói cũng như phong tục của người dân Bến Tre. Có một lần, ông cùng với bạn bè ngồi uống rượu thì để ý thấy mọi người ngồi xếp bằng và ngồi thành vòng tròn. Anh bạn ngồi kế bên mời ông ly rượu, theo thói quen, ông dùng tay phải để cầm ly rượu thì anh bạn đó hất bỏ rượu và nói: “Không được!”.

    Ông thắc mắc tại sao và hỏi làm thế nào mới được thì anh đó trả lời rằng: “Tôi đưa tay phải thì anh phải lấy bằng tay trái để đưa trực tiếp vào tim mình.”. Từ đó, ông học được cách uống rượu của người Bến Tre và dần dà đã thông thạo được mọi thói quen sinh hoạt của người dân nơi đây.

    Về Bến Tre, ông cũng được nghe chuyện của bà Nguyễn Thị Định, người con gái kiên cường dũng cảm cùng với Đội quân tóc dài đã làm nên phong trào Đồng Khởi, khiến quân thù khiếp đảm. Còn có những cây dừa nghiêng mình theo gió, chịu biết bao nhiêu đạn lửa mà vẫn kiên cường. Càng ngày, ông càng thần tượng bà Ba Định, thần tượng Đội quân tóc dài và cả những cây dừa. Theo ông, đó là những hình tượng “đẹp hơn nhiều tiểu thuyết”.

    Ông không biết là mình yêu Bến Tre từ lúc nào và coi mình như là người con được sinh ra ở vùng đất này. Thế rồi, trong thời gian rất ngắn, chỉ một đêm của năm 1980, ông đã sáng tác nên bài hát   Dáng đứng Bến Tre. Nhanh đến nỗi vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ-- nhà  thơ Lê Giang cũng phải giật mình.

    Vì những chuyện như vậy, thì thử hỏi người Bến Tre: Ổng quê ở Hà Tĩnh hay Bến Tre?  Hay tin ông bị bạo bệnh, phải nằm một chỗ, đầu tháng 11 vừa qua, nghệ sĩ hài Việt Hương đã tìm đến nhà của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại địa chỉ số 94/19 Trần Khắc Trân, quận 1, TP HCM. Danh hài đã đến thăm hỏi sức khỏe cũng như trao tận tay số tiền 12 triệu đồng mà cô cùng với các nghệ sĩ hải ngoại quyên góp được.  Việt Hương cũng cảm thấy an tâm khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã khỏe hơn trước, da vẻ hồng hào và nói chuyện rất vui vẻ với danh hài.

    Ông còn yêu cầu Việt Hương gọi bằng anh, xưng em… cho ông có cảm giác là mình… trẻ cũng vì là tình nghệ sĩ với nhau. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925, Ở ngưỡng tuổi 90, nhạc sĩ tài hoa sống trong nghèo khó và bệnh tật đã khiến nhiều người yêu nhạc Việt cảm thấy xót xa. Đó cũng là tình cảm chung của giới nghệ sĩ người Việt ở nước ngoài hướng cái lòng mình về ông, một trong những đại thụ của nền âm nhạc VN.

    Cuối đời cơ cực của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - “ông thánh” nhiều quê

    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nằm liệt giường trong căn nhà chỉ 10m2.

    Chan chứa tình nghệ sĩ

    Vào những ngày tháng 9/2014, khi thông tin về cuộc sống cơ cực tuổi già của nhạc sĩ tài danh Nguyễn Văn Tý được đăng tải, rất nhiều đồng nghiệp thế hệ sau đã đến thăm “cây đại thụ” của âm nhạc âm nhạc Việt. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, Tùng Dương, Đồng Lan có mặt tại nhà Nguyễn Văn Tý thăm hỏi, trao tặng số tiền hơn 70 triệu đồng do đông đảo nghệ sĩ hai miền quyên góp.

    Hình ảnh nhạc sĩ già nằm trên giường bệnh đưa tay bắt nhịp còn Tùng Dương còn say sưa hát đã khiến nhiều người bùi ngùi. Hiện nay, ông lại đang sống trong một căn nhà chỉ 10m2 trong cuối con hẻm nhỏ trên đường Trần Khắc Chân (quận 1, TP HCM). Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn đang phải đối mặt với những khó khăn sau thời gian dài nằm liệt giường vì cơn tai biến lần thứ 3 cách đây 1 tháng.

    Ông cũng chia sẻ, từ khi về hưu, ngoài lương hưu và tiền tác quyền, ông còn nhận được ít nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, hay gần đây là sự giúp đỡ của người hâm mộ sau khi hay tin hoàn cảnh khó khăn của người nhạc sĩ mà mình yêu mến. Do trước đây ông phải chi tiêu nhiều cho gia đình cô giúp việc, vốn đã theo ông gần 20 năm nên có nhiều ân tình, mới xảy ra chuyện thiếu hụt chứ thực tế, ông có thu nhập khá.

    Nghe tin ông đột quỵ vì bạo bệnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa chỉ đạo thống nhất quyết định thành lập Quỹ nhân ái để hỗ trợ chia sẻ khó khăn với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Theo đó, số tiền quỹ sẽ ủng hộ trọn đời nhạc sĩ mỗi tháng là 5 triệu đồng, bắt đầu từ tháng 9/2014. Đối với Hà Tĩnh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là người có công vinh danh mảnh đất và con người nơi đây qua hai tác phẩm để đời là “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” (1976), “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” (1974)…  Dự kiến trong tháng 9 này, Quỹ Nhân ái do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh tài trợ sẽ đến thăm hỏi, động viên và trao tiền tận tay nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

    Trong khi dó, đoạn thông tin trên Facebook cá nhân của Nhà báo Phan Tùng Sơn (Báo Quân đội nhân dân) đăng "Khoảng lặng của một "tượng đài" âm nhạc" nói về tình cảnh đáng thương của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hiện đang sống trong căn nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã thu hút được rất nhiều sự đồng cảm chia sẻ của cộng đồng mạng. Một nhóm người trên mạng Facebook hiện đang sinh sống, công tác tại TP.HCM đã kết nối cùng nhau biến những suy nghĩ, tình cảm của mình thành nghĩa cử nhân ái đối với nhạc sĩ.

    Nhóm gồm những người đại diện của Báo Quân đội nhân dân; Báo Nông nghiệp VN; Chi nhánh phía Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân; Công ty Bảo Long Sài Gòn; Công ty Chứng khoán ACE Life Việt Nam; Trung tâm Kỹ thuật Điện toán Đại học Bách khoa TP HCM… đã tổ chức cùng nhau đến thăm, tặng quà cho nhạc sĩ tại nhà riêng.

    Theo lời kể lại của một thành viên trong nhóm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tuy yếu nhưng vẫn tràn đầy tình yêu âm nhạc và dành rất nhiều tình cảm đối với Hà Tĩnh. Nhạc sĩ nói, người Hà Tĩnh sống tình cảm lắm. Năm nào lãnh đạo tỉnh cũng cử người vào thăm và tặng quà cho ông. Đó là cách thể hiện sự tri ân, lòng ngưỡng mộ của con người Hà Tĩnh đối với tác giả của những ca khúc bất hủ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoi-doi-co-cuc-cua-nhac-si-nguyen-van-ty---ong-thanh-nhieu-que-a70281.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan