+Aa-
    Zalo

    Cuộc vận động không ăn thịt chó: Bao giờ mới đến hồi kết?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cuộc tranh luận ăn hay không ăn thịt chó trên truyền thông đã kéo dài hơn một thập niên, và có lẽ cuộc vận động sẽ kéo dài hơn nữa, không hạn định được thời gian kết thúc

    Cuộc tranh luận ăn hay không ăn thịt chó trên truyền thông đã kéo dài hơn một thập niên, và có lẽ cuộc vận động sẽ kéo dài hơn nữa, không hạn định được thời gian kết thúc. Những tiểu thương bán thịt chó vẫn khẳng định, khi nào hết người ăn thịt chó, tự các cửa hàng giết mổ đóng cửa. Và sẽ không có gì đáng phải tranh luận nếu chúng ta “vá” một lỗ hổng trong an toàn thực phẩm, tức là, kiểm soát thật tốt khâu giết mổ, kiểm dịch.

    Luật sư Trương Quốc Hoè.


    Thịt chó - cần là có!

    Chiều tối ngày cuối tuần, những dãy cửa hàng trên đường Hữu Hưng (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu bày bàn ra sát vỉa hè để bán thịt chó. Hàng chục con chó bị mổ phanh, thui màu vàng óng, xếp chồng lên nhau trên những chiếc bàn sắt. Chốc chốc lại có người đi xe máy ghé vào mua. Thịt chó sống giá dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, thịt chín từ 200.000 - 300.000 đồng/kg.

    Trong gia đình ba đời kinh doanh thịt chó, anh Giang – chủ cửa hàng thịt chó trên đường Hữu Hưng, cho biết, trung bình mỗi ngày, anh bán ra chừng 10 con. “Sau dịch Covid-19, khách vẫn đều, đầu tháng và ngày nắng nóng thì ít hơn. Nói chung khách quen là chủ yếu”, nói rồi anh Giang nhanh tay xẻ thịt, chặt phay ra từng miếng.

    Khi tạm vắng khách, người đàn ông lưng trần mới kịp ngồi xuống ghế, anh nói: “Thật ra, mỗi người có khẩu vị, thói quen ăn uống riêng. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, người ta vẫn ăn nên không thể nói ăn thịt chó là không văn minh hay phản cảm. Việt Nam mình vận động nhiều lần nhưng đã cấm được đâu. Cái này hoàn toàn thuộc về ý thức, có tranh luận cũng không dẫn đến đâu cả. Còn chưa kể, một năm chó đẻ bao nhiêu lứa, không giết thịt thì chó chạy ra đường, cắn người, lúc đấy ai chịu. Khi nào hết người ăn thịt chó, tự các cửa hàng giết mổ sẽ đóng cửa”.

    Tại một “phố thịt chó” có tiếng khác là thị trấn Trôi (huyện Hoài Đức), thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), ngoài các quán ăn thường xuyên tấp nập thực khách còn có vài sạp hàng bán chó sống. Khu vực này được giới thiệu là nơi giết mổ, bán buôn hàng trăm con chó cho các nhà hàng, quán ăn ở trung tâm thành phố.

    Chia sẻ với PV tạp chí ĐS&PL, ông Trường (tiểu thương bán thịt chó lâu năm) chia sẻ: “Thịt chó chính là món ăn được nhiều người yêu thích. Tôi nghĩ rằng cấm bán thì được, nhưng liệu rằng có cấm ăn được không. Đừng áp đặt suy nghĩ của người không thích ăn thịt chó với người ăn thịt chó vì đó là ẩm thực ở từng vùng miền. Nếu cấm thịt chó thì tại sao ở các nước khác trên thế giới không cấm ăn thịt bò, thịt lợn”.

    Theo ông Trường, thịt chó chính là một bài toán kinh tế với các hộ gia đình ở vùng nông thôn: “Tôi đã từng trực tiếp đi xuống các vùng quê bắt chó, vào một gia đình có hai đứa trẻ, hỏi tại sao không đi học thì các con nói không có tiền, chờ người bắt chó bán được mới có tiền đi học. Điều đó, để thấy rằng, rõ ràng chó cũng như các loài động vật khác là thực phẩm có giá trị kinh tế”.

    Cuộc vận động dài hơi...

    Năm 2018, UBND TP.Hà Nội đã có công văn khẳng định việc ăn thịt các loài vật này tạo ra những hình ảnh phản cảm đối với khách du lịch và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm dại, xoắn khuẩn, tả và kêu gọi “một bộ phận người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo”. Hay mới đây, diễn đàn mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) gửi bản kiến nghị đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cấm vĩnh viễn việc vận chuyển, buôn bán chó mèo để làm thịt tại Việt Nam.

    Khi trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng chi cục Thú y Hà Nội nói rằng, cuộc vận động có thể sẽ phải kéo dài thậm chí cả chục năm và không hạn định thời gian kết thúc, bởi thói quen, tập quán lâu năm của người dân khó thay đổi. Hơn nữa, trong luật Thú y, chó không thuộc đối tượng động vật được kiểm soát giết mổ, không có quy định cụ thể về kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, gây khó khăn trong việc quản lý.

    “Chó không nằm trong danh mục các loại động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB (nhóm các loài động vật nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại - PV), cũng như nhóm IIB (nhóm các loài động vật hạn chế khai thác vì mục đích thương mại - PV) quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”, luật sư Hòe cho hay.

    Nêu quan điểm, vị luật sư này cho rằng, phải đảm bảo nguyên tắc xã hội căn bản và khách quan, thực phẩm người dân ăn thì phải được kiểm soát. Vì vậy, việc cần làm bây giờ là kiểm soát thật tốt khâu giết mổ, kiểm dịch. Hơn nữa, việc tăng điều kiện đầu vào cho hàng hóa, đồng nghĩa với tăng giá đột biến, luôn là biện pháp hữu hiệu để giảm cầu.

    Thu Huyền
    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật-22
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-van-dong-khong-an-thit-cho-bao-gio-moi-den-hoi-ket-a326145.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan