(ĐSPL) - Trước hết, tôi muốn nói rằng, cuộc thi do báo Đời sống và Pháp luật tổ chức đã tạo ra sân chơi rất rộng rãi với nhiều thành phần người dân tham gia. Khách quan đánh giá, vấn đề pháp lý biển đảo là một vấn đề thời sự nhưng rất khó.
Tuy nhiên, cuộc thi lại nhận được sự tham gia của nhiều người, nhiều thế hệ. Tôi cho rằng, đó là những thắng lợi lớn. Điều này đã chứng tỏ những người dân Việt Nam từ người làm công tác quản lý cho đến những người lao động bình thường đều rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông, về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Người Việt Nam, dân tộc Việt Nam hết sức quan tâm về chủ quyền của đất nước. Việc ban Tổ chức nhận được nhiều bài dự thi có nghĩa là đông đảo người dân Việt Nam đang nghiên cứu các vấn đề pháp lý, theo dõi các thông tin liên quan đến biển đảo quê hương.
Tôi được biết, xung quanh vấn đề chủ quyền biển đảo, có rất nhiều cuộc thi đã diễn ra. Nhưng báo Đời sống và Pháp luật đã phát động riêng cuộc thi về pháp luật biển đảo. Đây là cuộc thi đầu tiên về một khía cạnh rất khó, phức tạp và khoa học, không phải ai cũng tiếp cận được. Ban tổ chức đã dẫn dắt vấn đề tới công chúng một cách nghiêm túc và thu hút dư luận tham gia tích cực.
Tôi cho rằng, cuộc thi lần này đã giúp cho ban tổ chức, ban giám khảo, những người nghiên cứu về biển đảo có thể thấy rõ, đánh giá đúng được nhận thức của quần chúng về chủ quyền Biển đảo Việt Nam. Tôi cho rằng, những kiến thức rút ra từ cuộc thi này có ý nghĩa hết sức quan trọng, sẽ giúp chúng ta có bước tiếp theo, nhất là trên các lĩnh vực pháp lý về mặt tuyên truyền giáo dục sắp tới.
TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới quốc gia của Chính phủ, thành viên Hội đồng Chung khảo cuộc thi "Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014".