Thời điểm lên nắm quyền vào năm 2021, ban đầu chính quyền Taliban tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách điều hành đất nước ôn hòa hơn và hứa sẽ cho phép phụ nữ được học lên bậc đại học.
Tuy nhiên, thực tế sau đó, Taliban đã ra lệnh đóng cửa các trường trung học dành cho nữ sinh, cấm phụ nữ học đại học và làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả Liên Hợp Quốc. Thậm chí, phụ nữ còn bị hạn chế đi lại nếu như không có nam giới đi kèm và cấm họ đến các địa điểm công cộng như công viên hay phòng tập thể dục.
Mùa hè năm 2021, khi còn là sinh viên tại Afghanistan, nữ sinh Zahra (20 tuổi) có “rất nhiều bạn”. Nhưng cuộc sống hiện tại của Zahra đã hoàn toàn khác. Cô gái trẻ không thể đi đạp xe, không thể đến trường, hoặc đi bộ ra ngoài mà không có mạng che mặt, và phải chứng kiến những người bạn của mình trốn khỏi Afghanistan. Những gì Zahra có thể làm ở hiện tại là ngồi ở nhà và lo lắng cho tương lai của mình.
“Chúng tôi từng rất hạnh phúc khi được ở bên nhau. Chúng tôi cùng học bài, đôi khi tụ tập với nhau, và đạp xe. Khi tôi đứng trước gương, nhìn thấy chính mình, tôi chỉ thấy một Zahra hoàn toàn khác so với 2 năm trước. Tôi cảm thấy buồn khi nhớ về quá khứ”, hãng tin CNN dẫn lời cô Zahra tâm sự. “Tôi đã 20 tuổi, và giờ là lúc tôi cần phải học hỏi. Nhưng tôi không được phép đi học. Tôi chỉ được ở trong nhà. Tôi lo lắng cho tương lai của mình, cho các chị gái và cho tất cả phụ nữ Afghanistan”.
Theo bà Alema Alema - cựu Thứ trưởng Bộ Hòa bình Afghanistan, kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Taliban đã ban hành 51 lệnh cấm có ảnh hưởng đến phụ nữ (khoảng hơn một lệnh cấm được ban hành mỗi tháng). Việc Taliban trở lại nắm quyền đã nhanh chóng đảo ngược nỗ lực trong hai thập kỷ qua của cộng đồng quốc tế, nhằm tạo cơ hội để phụ nữ Afghanistan có thể tạo lập kinh doanh.
Phụ nữ Afghanistan hiện không còn được làm việc trong hầu hết các ngành nghề. Mới đây nhất, hồi tháng 7, Taliban đã yêu cầu đóng cửa tất cả các thẩm mỹ viện trên cả nước. Trong khi đó, ngành công nghiệp này sử dụng khoảng 60.000 phụ nữ, và nhiều người trong số họ là trụ cột kinh tế duy nhất của gia đình. Điều này càng gây khó khăn hơn cho nhiều gia đình vốn phải vật lộn để kiếm sống.
Theo một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 7, chính sách cai trị hà khắc của Taliban đã gây ra tổn thất nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và tự tử, nhất là với những nữ thiếu niên đang bị ngăn cản theo đuổi con đường học hành.
Gần 8% số người được khảo sát nói rằng, họ biết được một cô gái hoặc phụ nữ từng có ý định tự tử. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho hay những hạn chế và khó khăn kinh tế còn làm gia tăng bạo lực gia đình và hôn nhân ép buộc đối với nữ giới.
Ngày 15/8 vừa qua đánh dấu tròn hai năm Taliban lên nắm quyền trở lại tại Afghanistan. Tuy vậy, hiện chưa có quốc gia nào chính thức công nhận Taliban là lực lượng nắm quyền hợp pháp tại Afghanistan. Cộng đồng quốc tế coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điều kiện quan trọng trong các cuộc đàm phán về viện trợ và sự công nhận đối với Taliban.
Phương Uyên(T/h)