(ĐSPL) – Cuộc sống của người dân Ukraina gần hiện trường máy bay Malaysia rơi trước đây đã khó khăn nay lại càng khốn khổ hơn bởi bóng ma chiến tranh ngày càng đến gần.
Thị trưởng ngôi làng Petropavlivka, Natalya Voloshina cho biết bà không còn tiền trả lương cho nhân viên, tiền phụ cấp cho người cao tuổi và chi trả các hóa đơn năng lượng do ngân sách từ Kiev đã hoàn toàn bị đóng băng. Mỏ than nơi chồng bà làm việc cũng sắp phải ngừng hoạt động. Cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai ngày càng tiến gần hơn đến ngôi làng sau thảm kịch MH17.
|
Bà Natalya Voloshina, thị trường ngôi làng Petropavlivka ngay sát hiện trường nơi chuyến bay MH17 gặp nạn |
Ngày máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines rơi ngay cạnh ngôi làng, người dân cứ tưởng họ bị tấn công bằng bom. Mọi người trong làng chạy đến nhà thờ để ẩn nấp. Kể từ khi thị trưởng Petropavlivka tìm thấy một nửa thi thể ông bị cắt đôi của một người đàn gần hiện trường máy bay rơi, bà không ngày nào có thể ngủ ngon.
“Tôi biết rằng tôi là thị trưởng và tôi cần phải tỏ ra mạnh mẽ, bình tĩnh”, bà Voloshina chia sẻ với phóng viên tờ Wall Street Journal (WSJ). Đôi bàn tay của bà Voloshina vẫn run rẩy kể từ ngày chuyến bay MH17 gặp nạn. “Khi làm việc tôi tỏ ra cứng rắn nhưng khi trở về nhà, tôi đã khóc rất nhiều”.
Thảm kịch MH17 khiến cả thế giới bàng hoàng đã trôi qua được gần nửa tháng, các thi thể hầu như đã được đưa trở về Hà Lan nhưng 6.500 người dân sống tại ngôi làng vẫn cảm thấy bị tổn thương vì những gì đã xảy ra, khi đồ đạc của hành khách xấu số, các mảnh vỡ máy bay nằm rải rác gần hiện trường. Một số người đã bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi và đau khổ.
Mặc dù không có người dân làng nào thiệt mạng do vụ rơi máy bay nhưng họ lo ngại về những điều sẽ xảy đến trong tương lai. Không một chuyên gia xử lý khủng hoảng nào đến hướng dẫn cho người dân làng những điều cần phải làm.
Chiến tranh đã khiến chính phủ Kiev phải cắt giảm ngân sách dành cho các tỉnh miền đông. Chính quyền và cảnh sát địa phương phải làm việc không lương trong khi các quan chức và các nhà điều tra quốc tế đã không thể tiếp cận hiện trường vì giao tranh.
"Chúng tôi đã hỏi người ta về những điều phải làm, nhưng không ai trả lời", Voloshina, người từng là giáo viên môn toán cho biết. Bà cũng muốn tìm người hỗ trợ việc nhặt những phần còn lại của máy bay và đóng gói đồ đạc của hành khách mặc dù bà không biết ràng điều này có đúng với thủ tục hay không.
|
Một mảnh vỡ máy bay Boeing 777 rơi tại ngôi làng Petropavlivka |
Trước vụ tai nạn, người dân ở ngôi làng Petropavlivka vốn đã phải sống dưới mức nghèo khổ. Tiền lương hưu chỉ ở mức 125 USD mỗi tháng trong khi lương thợ mỏ trung bình đạt 550 USD mỗi tháng. Chiến tranh khiến các mỏ than rơi vào tình trạng tê liệt, các nhà máy phải đóng cửa và tạm dừng việc đồng áng. Một số người đã phải rời bỏ ngôi làng tìm đến những nơi an toàn hơn, còn một số người ở lại lựa chọn tham gia chiến đấu.
Cha Sergei, một linh mục tại ngôi làng Grabovo gần hiện trường máy bay rơi cho biết: "Chúng tôi cứ ngỡ hôm đó là ngày tận thế", vị mục sư nói về cảnh tượng quả cầu lửa và những âm thanh tựa như tiếng bom đột ngột xuất hiện. Các bộ phận của thi thể người xuất hiện rải rạc tại hiện trường bao gồm chân, tay, ngón tay và phần đầu.
Nhiều người vội vã rời khỏi làng vì lo sợ những hệ quả trong tương lai. Vladimir Berezhnoi, trưởng làng Grabovo đã yêu cầu người dân đưa trẻ em trở về nhà sau khi chứng kiến mảnh thi thể rải rác trên các cánh đồng.
Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ ở Donetsk xuất hiện, chụp ảnh và đánh dấu lại những vị trí có xác chết. Lực lượng ly khai dần tiếp quản khu vực và canh gác cho đến khi có sự xuất hiện của các quan sát viên quốc tế.
Ông Miroshnichenko ngồi dưới gốc cây bạch dương cho rằng Kiev lẽ ra phải hướng dẫn cho người dân làng biết phải làm gì khi có những thảm họa như vụ rơi máy bay Malaysia xảy ra.
Dân làng đã phải tự đóng gói những thi thể đã bắt đầu phân hủy dưới cái nắng mùa hè. Các thợ mỏ cũng quyết định giúp đỡ. Nhiều người dân làng đã không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy các thi thể nạn nhân.
|
Mảnh vỡ lớn nhất của máy bay Malaysia rơi tại một khu rừng gần đó |
Ông Berezhnoi thị trưởng ngôi làng Hrabove nói rằng ông chưa từng nghĩ rằng sẽ phải trải qua nỗi đau nào lớn hơn việc mất mẹ và vợ. “Tôi đã 60 tuổi và đây là thảm kịch tồi tệ nhất tôi từng chứng kiến trong cuộc đời.
Nhiều người dân ở Hrabove cho rằng cuộc sống của họ đã sang một chương mới kể từ khi máy bay rơi. Tại Petropavlivka, chồng bà thị trưởng cũng gia nhập nhóm tình nguyện tìm kiếm các thi thể nạn nhân. Bà Voloshina chia sẻ: "Chồng tôi là một người đàn ông cao to, khỏe mạnh. Vậy mà ông ấy không vẫn không thể kìm nổi nước mắt".
Những đồ dùng, vật dụng của các nạn nhân trong thảm kịch MH17 đều được dân làng Petropavlivka giao nộp cho thị trưởng. Từ con búp bê mang tên Emma, đến các vali, quần áo, ví, USB... đều được cất giữ cẩn thận cho đến khi đưa trả về cho gia đình các nạn nhân.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-song-cua-nguoi-dan-ukraina-gan-noi-may-bay-malaysia-roi-a43679.html