Đúng 1 năm kể từ ngày Trịnh Đình Vàng ra đi, ngày 27/7, 5 người được nhận mô tạng từ anh đã cùng nhau gặp mặt tri ân tại nhà Vàng trong nỗi xúc động khôn nguôi.
Từ những giọt nước mắt đau đớn
Ngày 27/7 năm ngoái, bác sĩ Nguyễn Sơn viện 103 đã nhắn cho tôi rằng viện anh đang gấp rút chuẩn bị cho các ca đại phẫu từ một người chết não. Chiều hôm đó, gió bão bỗng nổi lên và mưa bắt đầu rơi nặng hạt chuẩn bị cho một đợt bão về nhưng kệ, tôi vẫn phóng vào viện để chờ đón những giây phút quan trọng.
Người không may ngã từ ban công và chết não là Trịnh Đình Vàng, sinh năm 1986 ở Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội. Sau khi hội chẩn và khẳng định không thể cứu Vàng được nữa, nhưng mô tạng của Vàng có thể sẽ cứu được nhiều người, các bác sĩ đã vận động gia đình Vàng hiến tặng mô tạng.
Trong nỗi đau tột cùng, bà Cấn Thị Ngần đã ngậm ngùi đồng ý. Đơn giản vì bà nghĩ, con bà ra đi thì cũng thành tro bụi, nếu mô tạng được ghép cho những người bệnh sẽ cứu được nhiều người. Nhưng nỗi niềm thương con, sự xót xa không kìm nổi những tiếng khóc nghẹn của người đàn bà đã quá nhiều khổ đau mất mát. Chồng chết khi con còn nhỏ, giờ đến con chết.
Ngày hôm đó, trong một không khí tang thương buồn bã. Tôi chậm rãi đẩy cửa căn phòng nhỏ tại viện 103 bước vào, bà Ngần ngồi bất động, thất thần trước nỗi mất con.
Bà Ngần trong giây phút đau đớn mất con trong căn phòng nhỏ tại viện 103 năm 2016. |
Những người thân của bệnh nhân được nhận tạng không dám nói một lời. Họ sợ sẽ chạm tới nỗi đau đớn của bà Ngần. Tối hôm đó, tôi đã ở trong tình huống trớ trêu. Một bên là người mẹ đau khổ có con vì ngủ quên khi nằm hóng mát ở lan can tầng 2 mà ngã rồi chết não. Một bên là người nhà các chiến sỹ chờ được ghép tạng.
Người mẹ dằn vặt có nên cho tạng con? khi đông người nhà khác đang phản đối.
Tôi, lúc đó dâng trào nỗi đồng cảm với bà, khẽ tiến lại gần, cầm tay bà nói với những giọt nước mắt cũng lăn dài không thể ngăn: “Cháu rất đau xót vì tai nạn của con cô nhưng cô ơi, con cô ra đi sẽ cứu được mấy mạng người. Có chiến sỹ từng bảo vệ vùng biển khi Trung Quốc đặt giàn khoan 981 đang hấp hối từng ngày đợi ghép tim. Anh ấy có đứa con sắp sinh còn trong bụng mẹ".
Người phụ nữ thôn quê lam lũ, tóc đã bạc, đầu nghẹo sang một bên trên chiếc ghế xanh ở căn phòng yên lặng giữa đêm khuya chỉ im lặng. Nhưng bà đã quyết rồi.
Bà nói: “Cháu nó chết mà cứu được nhiều người thì tôi sẽ đồng ý. Tôi nghĩ suốt từ trưa đến giờ. Cháu nó đã không may... Hiến cho ai thì hiến để cứu được người khác...”
Thế rồi sáng hôm sau, tôi nhận được tin, tạng đã được hiến và ca mổ ghép đa tạng tim, thận đã thành công rồi.
Đến những nụ cười hạnh phúc
Một năm sau ngày con trai mất, bà Ngần không thể tưởng tượng nổi trong ngày giỗ đầu Vàng, bà lại được đón cùng lúc 5 người nhận mô tạng, trong đó có những người nhận bà là mẹ.
Nguyễn Nam Tiến, chiến sĩ cảnh sát biển được ghép tim lần này ra Hà Nội và ở nhà mẹ Ngần. Lần này ra, Tiến đi cùng cả vợ và 2 con.
Chiến sĩ cảnh sát biển Nam Tiến- người nhận trái tim từ anh Vàng đang dần hồi phục. |
Nhớ năm ngoái, sức khỏe Tiến nguy kịch, 2 con còn thơ dại lắm. Sau khi được ghép tim Tiến đã về thăm mẹ Ngần vài lần. Trước đó, gia đình Tiến, đã có ý định tìm gặp gia đình bà Ngần nhưng vì Vàng mới chết. Tôi e ngại bà Ngần còn chưa nguôi mất con nên không thể cung cấp thông tin cho đến mãi sau này mới gửi số điện thoại của bà Ngần cho gia đình Tiến.
Và nỗi đau đáu muốn tìm về tri ân bà Ngần, cuối cùng Tiến đã được toại nguyện. Sau vài lần đi lại, Tiến đã đón bà Ngần về quê mình chơi. Bà Ngần kể: Nhà Tiến ở quê nghèo lắm nên bà càng thương Tiến nhiều hơn. Một năm trôi qua, sức khỏe Tiến đã tốt lên nhiều, da không còn sạm. Hôm nay, nụ cười Tiến đã rạng rỡ.
Còn anh Vũ Xuân Cường ở Sơn La và chị Trần Thị Hậu ở Lạng Sơn là 2 cán bộ quân đội may mắn được nhận thận của con trai bà Ngần.
Bà Ngần vui mừng đón 5 người, mà trên cơ thể họ có một phần cơ thể con trai bà, anh Trịnh Đình Vàng. |
Anh Cường nhớ lại, tôi bị thận năm 2014, phải chạy thận ở 103. Sức khỏe yếu, bác sĩ chẩn đoán suy thận độ 3, nếu không được ghép thận cuộc sống không được kéo dài.
May mắn cho tôi có chung nhóm máu B với Vàng nên được nhận thận từ cậu ấy. Giờ đây, sau khi ghép, tôi cảm thấy như người bình thường, không mệt mỏi nữa. Trong thời gian này, tôi vẫn đang nghỉ, để thận ghép dần dần hồi phục trong cơ thể. Trước đây, tôi phải nằm viên suốt giờ được ở nhà với vợ con làm được việc nhẹ nhàng.
Vừa rồi, mẹ Ngần lên chơi với gia đình tôi 11 ngày. Tôi cũng xin phép bà được như con trong nhà và bà nhất trí, vào những ngày giỗ Vàng hoặc khi gia đình có công việc thì tôi sẽ về. Tôi coi bà như mẹ thứ 2 đã sinh ra mình.
Tôi mong là tới đây nhiều người hiến mô tạng khi ra đi và nhiều người bệnh được như tôi. Tôi thấy mình quá may mắn”, anh Cường cảm động nói.
Tiến (thứ 1 từ trái sang)- người nhận tim, anh Cường (thứ 2) và chị Hậu (người thứ 4) nhận thận, bà Thụy (thứ 3) và Hưng (thứ 6) nhận giác mạc bên cạnh bà Ngần trong ngày giỗ Vàng |
Còn chị Hậu, không nén khỏi xúc động kể: “Tôi bị thận và chạy thận từ 2008. Bệnh viện như nhà, gia đình khó khăn khi có một người bệnh như tôi. Đằng đẵng bao năm trời, cuối cùng một ngày tôi nhận được tin báo có người tặng thận và tôi được ghép. Cuộc sống của tôi đã hồi sinh”.
Không chỉ có những người nhận tạng, có 2 người khác may mắn nhận giác mạc của Vàng là bà Nguyễn Thị Thụy, thôn Xuân Thủy, xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội. Bà Thụy 51 tuổi bị viêm giác mạc nhưng chủ quan nên bị thủng giác mạc. Nhờ được ghép giác mạc mắt bên trái nên bà không còn bị những cơn đau hành hạ nữa.
Còn Nguyễn Xuân Hưng, Hoài Đức, Hà Nội cũng may mắn khi mắt em bị mờ dần vào năm 26 tuổi. Nhờ được ghép giác mạc của Vàng, Hưng đã lạc quan vui vẻ sống. Hưng nói: “Hôm nay gặp được mẹ Ngần em thấy vui lắm”.
Nhưng hơn cả, có lẽ không ai vui bằng bà Ngần. Bà không ngừng cười vì ngày hôm nay, bà có thêm những người thân yêu - những người mang trái tim và cả tình yêu của con trai bà đang ở bên cạnh.