Tình yêu của cô gái suy thận Nguyễn Châu Loan với chàng trai kém 3 tuổi Nguyễn Văn Vượng từng được hàng triệu trái tim đồng cảm, chia sẻ và ngưỡng mộ. Nhưng câu chuyện tình yêu như cổ tích của họ đã kết thúc sớm khi anh Vượng tử nạn…
Chuyện tình như cổ tích giữa chị Nguyễn Châu Loan và anh Nguyễn Văn Vượng kết thúc ngắn ngủi sau khi anh Vượng bị tử nạn. |
Kết thúc “chuyện tình cổ tích”
Những ngày này, căn phòng ở tầng 3, Khoa Nội tổng hợp 2 (Bệnh viện Xanh Pôn) nơi chị Nguyễn Châu Loan (37 tuổi) đang điều trị luôn đông người đến thăm hỏi, động viên.
Có lẽ hơn chục năm trời chống chọi với căn bệnh suy thận mãn tính, chưa bao giờ chị nghĩ sẽ chứng kiến một nỗi đau hơn như thế trong cuộc đời: Chồng chị - anh Nguyễn Văn Vượng tử nạn. Nghe hung tin, chị đã gục ngất và phải cấp cứu trong bệnh viện cả chục ngày qua.
Đến nay, nguyên nhân cái chết của anh Vượng vẫn chưa rõ nhưng nó đã kết thúc một câu chuyện tình đẹp như cổ tích của “cô gái suy thận và anh chàng kém 3 tuổi” này. Những tiếc nuối, những thương cảm, những lời động viên của hàng triệu trái tim cũng không khiến chị Loan có thể nguôi ngoai, quên được nỗi đau cuộc đời.
Nằm trên giường bệnh, những hình ảnh của người chồng, người đã cho chị biết thế nào là tình yêu, là hạnh phúc cứ quanh quẩn. Mỗi khi tỉnh, chị lại hỏi vì sao anh Vượng chết? Vì sao anh lại bỏ chị mà đi quá sớm như thế?... Nhiều người đã không cầm được nước mắt, chỉ biết ôm chị vào lòng để động viên, như chia sẻ bớt đi nỗi đau này.
Xem video những giây phút hạnh phúc của đôi vợ chồng trong đám cưới cổ tích
16 năm trước, khi đang học năm thứ ba đại học, chị nhận được tin bị suy thận mãn tính. Một căn bệnh chỉ điều trị từng ngày, từng tháng để kéo dài sự sống mà không bao giờ chữa khỏi được. Cứ đều đặn, một tuần 3 lần, chị phải vào Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu. Tủi phận nhưng chị vẫn cố gắng học hành để cầm tấm bằng tốt nghiệp. Ra trường, sức khỏe yếu, chị xin làm kế toán cho vài công ty nhưng đều phải nghỉ vì bệnh. Sau đó, chị làm ở Trung tâm Dạy nghề khuyết tật Thanh thiếu niên Vì Ngày Mai. Và cũng tại đây, chị đã quen anh Nguyễn Văn Vượng, một “cu em” ít hơn chị 3 tuổi, cao to, đẹp trai và là con một trong một gia đình ở Hà Nội.
Như duyên số, chị được “cu em” ngỏ lời yêu. Cho đến khi được ở bên nhau, họ đã vượt qua nhiều khó khăn cả về tuổi tác, bệnh tật, dư luận và gia đình. Họ sống trong tình yêu, niềm hạnh phúc khiến cho hàng triệu trái tim cảm phục, ngưỡng mộ.
Anh chị sống trong căn phòng trọ chật hẹp ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hàng ngày, người chồng chạy xe ôm, khi làm điện nước còn người vợ thì nhận làm kế toán cho một vài công ty để kiếm tiền mưu sinh. Nhưng dù bất cứ trời mưa to hay nắng cháy thì anh vẫn đều đặn một tuần 3 lần đưa chị vào chạy thận ở bệnh viện.
Nhưng cuộc sống không nói trước được điều gì. Khi căn bệnh của chị đang nặng đi, cần một bờ vai, cần một người luôn bên cạnh chăm sóc hơn thì anh lại bỏ chị đi trong một cái chết đầy tức tưởi. Và cũng kết thúc một câu chuyện tình yêu đẹp như chuyện cổ tích…
“Ngủ nhé anh ơi đừng thức giấc”
Khi bài viết này lên trang báo cũng là khi sức khỏe của chị Nguyễn Châu Loan đã khá hơn. “Không còn cách nào khác là phải chấp nhận sự thật, chỉ mong tìm được nguyên nhân vì sao anh mất”, chị Loan nói trong nước mắt.
Nhiều lúc chị không hiểu vì sao ông trời đã lấy đi của chị sức khỏe, rồi cho chị được gần anh nhưng thời gian lại ngắn ngủi đến vậy? Ngày quen anh Vượng rồi sau này được yêu thương, che chở chị đã làm tặng anh rất nhiều bài thơ. Trong đó, bài “Ánh sáng đời em” là anh Vượng thích nhất. Nhưng có lẽ chị cũng không ngờ, những câu thơ trong bài thơ đó lại vin vào cuộc đời, số phận của chính anh. “Ngủ nhé anh ơi đừng thức giấc/Mơ hồng những giấc mơ say”.
Sự ra đi quá đột ngột của anh Vượng, không chỉ để lại cho người vợ sự đau đớn mà người mẹ già cũng buồn tủi khôn nguôi. Cả chục ngày nay, bà Lý cứ thẩn thơ nhìn lên di ảnh của con và thắp nén hương để cầu nguyện cho con siêu thoát. Nhắc về cái chết của anh, bà bảo: “Người mất thì cũng mất rồi, có điều tra thì cũng có lấy lại người được đâu. Ai hỏi gì, tôi cũng không, bây giờ còn đầu óc nào nữa mà hỏi”.
Nhắc về chuyện tình của người con trai, bà chậm rãi kể chuyện: “Lúc đầu gia đình cũng ngăn cấm, không đồng ý vì chị Loan ở xa xôi quá rồi lại bệnh tật nữa, gia đình lại có mỗi Vượng là con trai. Sau thấy Loan cũng tốt, cũng ngoan, giỏi, có công ăn việc làm ổn định mà con mình cũng thương nó thật lòng nên chúng tôi đồng ý. Vì nhà tập thể ở đây cao, phải leo trèo vất vả, Loan lại ốm yếu nên hai đứa thuê nhà để tiện đường đi lại. Ngày xưa hai đứa cũng về đây chơi thường xuyên, nhưng gần đây sức khỏe Loan cũng yếu nên ít về thăm hơn”.
Nhớ về người con trai, bà lại khóc rấm rức. Bà Lý cho biết, sau khi nghe tin anh Vượng mất, làm xong thủ tục với các cơ quan chức năng thì gia đình đưa anh về quê ở Lạng Sơn an táng.
“Ở nhà, Vượng ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ lắm. Học hết lớp 12 rồi Vượng đi làm chứ không học được lên cao. Mấy hôm nay nghe tin về Loan cấp cứu trong bệnh viện, tôi cũng rối như tơ chuyện gia đình nên chưa qua thăm được. Thôi thì, cũng là cái số hết cả, cũng chả trách được. Cũng thương lắm nhưng cũng chả biết làm gì cả”, bà Lý nói trong nước mắt.
Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, người nhà chị Loan cho biết, hiện nay chị Loan đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, do cú sốc tinh thần quá lớn nên gia đình vẫn để chị ở lại trong bệnh viện theo dõi thêm. Sau khi ra viện, gia đình cũng sẽ đưa chị về quê để có người chăm sóc.
“Qua báo chí, gia đình chúng tôi rất cảm kích trước sự động viên, chia sẻ của các cá nhân, đoàn thể với em tôi trong thời gian qua. Chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành”, anh trai chị Loan cho biết.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, bác sĩ Ngô Thị Thanh Hải, Trưởng khoa Nội tổng hợp 2 (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, hiện nay, chị Loan đã tỉnh táo, có thể trò chuyện được bình thường và nếu mọi thứ tiến triển như hiện tại, có thể xuất viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, một tuần 3 lần, chị Loan vẫn phải chạy thận như thời gian qua. |