Chạy trốn đến Syria từ tuổi 15, Lenora Lemke nhanh chóng kết hôn với một chiến binh khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và sinh được 2 người con.
Con đường hồi hương gian nan
Lenora Lemke đã chạy đến Syria 4 năm, kể từ khi 15 tuổi. Ảnh: CNN |
Lenora Lemke ngồi trong một chiếc xe chứa đầy đồ đạc, cố gắng che chắn khỏi ánh nắng sa mạc bằng một tấm thảm lớn treo trên mái. Cô gái 19 tuổi kéo chiếc khăn trùm đầu làm lộ khuôn mặt tái nhợt và cố nhớ lại lần cuối cùng cô đi tắm. Cô nhận ra đã đúng 20 ngày kể từ khi cô tự lau mình sau khi sinh thêm bé Maria.
"Sau khi sinh, tôi đã tắm nước ấm và dọn dẹp lại", cô nói, ánh mắt cụp xuống trong sự bối rối. Nằm trong lòng là cô con gái đầu - bé Habiba, mới chỉ 16 tháng tuổi có mái tóc vàng hoe.
Khi được hỏi, Lemke lấy ra tấm hộ chiếu màu đỏ tía với con đại bàng liên bang của Đức được dát vàng trên trang bìa. Cô hi vọng bản thân có thể sớm đứa 2 con về Đức trong thời gian tới.
"Tôi hy vọng rất nhiều rằng 2 đứa trẻ sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn hiện tại. Tôi hy vọng rất nhiều, đặc biệt là cho Maria", cô nói. "Con bé chưa bao giờ thực sự có một ngôi nhà thực sự, không đồ chơi, không thức ăn, không sữa. Tôi hy vọng bé con có thể có một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác. Hạnh phúc và không có bom đạn".
Lemke là một trong số hàng ngàn thân nhân của những kẻ khủng bố IS đang bị Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn giữ lại. Hàng trăm người trong số họ được cho là đến từ các nước châu Âu. Tuy nhiên, khi Mỹ chuẩn bị rút quân, không rõ SDF sẽ lựa chọn giam giữ hay sẽ trả tự do cho họ.
Một báo cáo mới của Lầu Năm Góc cho biết chính phủ Mỹ đang khuyến khích các quốc gia khác đẩy nhanh nỗ lực hồi hương những kẻ khủng bố IS người nước ngoài rồi tiến hành xét xử. Tuy nhiên, tiến độ đã bị chậm lại do những lo ngại chính trị và những thách thức của việc thu thập bằng chứng pháp lý nhằm hỗ trợ các vụ truy tố một khi họ được gửi trở lại.
Trong khi đó, Đức cũng giống như nhiều nước châu Âu khác đã miễn cưỡng chấp nhận nhận lại các thành viên IS. Trên thực tế, chỉ một số ít các quốc gia như Nga, Indonesia, Lebanon và Sudan cho phép những người theo IS hồi hương. Trước đây, các thành viên IS bị bắt bị xử lý theo luật pháp của Iraq, nhưng Liên minh châu Âu (EU) không tin tưởng hệ thống tư pháp của Syria cho phép làm điều tương tự.
Lemke hi vọng được trở về Đức với 2 đứa trẻ. Ảnh: CNN |
Trong trường hợp cụ thể của Lemke và chồng - Martin Lemke, Bộ Ngoại giao Đức cho biết họ gần như không thể cung cấp hỗ trợ lãnh sự.
"Cho dù như vậy, Chính phủ Liên bang Đức đang xem xét các lựa chọn khả thi để cho phép công dân Đức rời khỏi Syria, đặc biệt là trong các trường hợp nhân đạo", Bộ Ngoại giao cho biết trong tuyên bố gửi tới CNN. "Chúng tôi tận tình chăm sóc 9 công dân Đức đang bị giam giữ tại Iraq. Con cái của họ, những người cũng đang ở trong trại giam (nếu có sự đồng ý của cha mẹ) cũng có thể được đưa đến Đức cho người thân tiếp nhận".
Sự thật về tổ chức khủng bố khét tiếng IS
Lemke chỉ mới 15 tuổi khi cô chạy trốn khỏi nhà ở Đức và tới Syria. Cô kết hôn với Martin Lemke vài ngày sau khi đến lãnh thổ do IS kiểm soát, định cư cùng với những người vợ khác của anh ta trong cộng đồng các chiến binh nước ngoài. Tuy nhiên, khi IS rút lui, rất nhiều “gia đình” của chúng đều bị bỏ lại.
"Họ không nghĩ về những gì sẽ phải làm khi bị mất các thành trì", Lenora Lemke nhớ lại lời của các chỉ huy IS. "Những người như chúng tôi thường nghĩ: Nhà nước Hồi giáo có nghĩa là rất lớn mạnh. Họ có cả một hệ thống nhưng thật ra, đến thời điểm nhất định, tất cả những gì họ có thể làm chỉ là đưa tất cả đàn bà, trẻ em vào một nhà thờ rồi bỏ lại”.
Cô cũng mô tả những đấu đá nội bộ giữa các phe phái IS, đặc biệt là giữa các chiến binh nước ngoài và những kẻ khủng bố bản địa ở Syria và Iraq là cực kỳ khốc liệt, dẫn đến hệ luỵ kinh hoàng cho những đối tượng được coi là “thân nhân”.
Hầu hết thân nhân của những kẻ khủng bố IS ở Syria bị bỏ lại, chịu đói khổ. Ảnh: CNN |
"Bạn có thể chỉ được ăn 1 chiếc bánh mì trong suốt 2 ngày và con bạn được 1 năm vẫn không thể tập đi vì bé đói quá. Thậm chí, những đứa trẻ còn không có răng vì thiếu vitamin nghiêm trọng, mọi bà mẹ đều không thể chấp nhận điều này", cô nói. "Lần đầu tiên, bạn có thể nói: Đó là vì Thánh Allah. Tôi làm điều này vì Thánh Allah, vì đấng tối cao của tôi. Tuy nhiên, khi con bạn khóc và lăn lộn trên mặt đất, bạn sẽ tự nhủ: mình có điên không? Mình có thể làm gì?".
Người chồng của Lemke cũng là người Đức, may mắn sống sót sau cuộc chiến và hiện đang bị SDF giam giữ. Cô khẳng định anh ta không chiến đấu cho IS mà chỉ vận hành hệ thống công nghệ thông tin của nhóm.
"Tôi không làm gì cả và chồng tôi cũng không phải là một chiến binh. Anh ấy chỉ là một nhân viên kỹ thuật. Anh ấy vận hành máy tính xách tay. Anh ấy không giết ai cả", cô nói, nhưng thừa nhận tham gia lực lượng khủng bố IS là một sai lầm lớn. "Dĩ nhiên, chúng tôi đã từng là một phần của chúng. Chúng tôi từng ủng hộ IS. Chúng tôi đang sống với IS. Đó là khi tôi nhận ra: Điều này không tốt. Tôi sống ở đây, tôi có cuộc sống của mình nhưng vẫn là một phần của tổ chức khủng bố, giết người".
Cả Martin và Lenora Lemke đều có thể phải đối mặt với án tù ở Đức vì đã gia nhập một tổ chức khủng bố - loại tội ác có thể chịu mức án từ 6 tháng đến 10 năm. Theo công tố viên Klaus Weichmann, Lenora Lemke sẽ được coi là người chưa thành niên vì đến Syria khi mới 15 tuổi. Bên cạnh đó, cô vẫn phải về Đức trước khi chịu sự trừng phạt của pháp luật.
"Hiện không có sự hợp tác với cảnh sát với Syria, không có hỗ trợ pháp lý từ phía Syria", ông nói với CNN. "Cuộc điều tra chỉ có thể được tiếp tục khi bị cáo quay lại Đức. Chúng tôi không có thông tin chính thức nào về việc cô ấy ở đâu hoặc khi nào cô ấy sẽ trở lại Đức''.
Lemke hiểu rằng chồng cô có thể sẽ ở tù, nhưng dường như cô không biết rằng mình cũng sẽ có khả năng bị ra tòa. Mối lo lớn hơn đối với cô là những gì có thể xảy ra với 2 đứa con. Trong một vài trường hợp, những đối tượng người Đức tham gia IS bị kết án tại toà án ở Iraq đã gửi con cái họ trở về nước để sống với người thân. Bộ Ngoại giao Đức khẳng định không có chương trình hoàn trả con cho các thành viên IS.
CNN đã tiếp cận với gia đình của Lenora Lemke ở Đức. Cha cô đã từ chối nói chuyện với CNN, nhưng yêu cầu được nghe tin nhắn mà cô đã ghi lại cho ông trong khi chờ được chuyển đến một trại tị nạn. "Ông ấy không bao giờ từ bỏ tôi", cô nói về cha mình. "Ông từng nói: 'Tôi biết con bé còn sống và sẽ quay lại.' Họ sẽ sớm gặp lại chúng tôi, tôi hy vọng thế". Cô nhìn vào camera và nói thêm bằng tiếng Đức: "Con hy vọng sẽ sớm gặp lại ba. Con thực sự yêu ba rất nhiều. Hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm được ở bên nhau".
Thị trưởng thành phố Sangerhausen-Breitenbach ở miền Trung nước Đức Cornelia Liebau cho biết gia đình cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe tin con gái họ còn sống. "Cô ấy chỉ mới 19 tuổi với 2 đứa con nhỏ", bà khẳng định trong một tuyên bố. "Tôi nghĩ cô ấy xứng đáng có cơ hội thứ hai".
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)