Đã hơn 20 năm nay, người dân ở khu vực phường 4, chợ Long Kiểng (TP.HCM) vẫn không thôi ngợi ca tấm lòng nghĩa hiệp của ông Hào. Ông được mệnh danh là chàng "Hiệp sỹ cụt chân" của khu phố.
|
Ông Hào và những giấy khen, bằng khen được UBND phường trao tặng.
|
Quả mìn nổ và những thế võ thời thơ ấu
Trong một lần tác nghiệp, chúng tôi đi lạc vào một con hẻm nhỏ tại khu vực chợ Long Kiểng (P.15, Q.4, TP.HCM). Đang loay hoay tìm lối ra thì bất chợt chúng tôi bắt gặp hai người đàn ông chạy tới, kẻ đứng trước tay cầm túi xách cùng con dao găm nhọn và người đứng sau tay không như muốn bắt lại tên đứng trước. Khi tới con hẻm cụt, hai bên đánh nhau kịch liệt, người đàn ông tay không tung những cú đá hiểm khiến đối phương đánh rơi con dao cầm trên tay. Và nhanh như cắt, ông giật lấy con dao, bẻ trái tay đối phương và lấy lại chiếc túi xách. Hỏi ra mới biết, đó là ông Dương Văn Hào (SN 1966, ngụ P.4, Q.4, TP.HCM) làm nghề giữ xe tại khu vực chợ Long Kiểng.
Sau khi trao trả túi xách cho người đi đường và giao nộp tên cướp cho dân phòng, ông Hào lại tiếp tục làm công việc trông giữ xe của mình. Điều khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ là ông chỉ còn một chân và bước từng bước khập khiễng chậm rãi. Nếu không được tận mắt chứng kiến màn bắt cướp ngoạn mục vừa rồi thì chắc chắn không ai nghĩ rằng ông là một hiệp sỹ bắt cướp cừ khôi. Nhưng với những người dân sống ở khu vực chợ Long Kiểng, hình ảnh người đàn ông trung niên, dáng người mập tròn, chân đi khập khiễng nhưng khi bắt cướp thì cực kỳ nhanh nhẹn này đã trở nên quá đỗi quen thuộc và thân thương. Tên cướp nào đã bị ông bắt gặp chắc chắn rằng nếu hôm đó không phải "uống trà" với công an thì cũng không thể "làm ăn" gì được. Bởi vậy, người dân trong khu vực đã đặt cho ông một cái tên dễ mến "Hiệp sỹ cụt chân".
Trao đổi về cuộc sống và mối cơ duyên của ông với "nghiệp" bắt cướp và danh xưng "Hiệp sỹ cụt chân", ông Hào chia sẻ: "Trước đây, tôi cũng là một người lành lặn. Từ nhỏ phải chứng kiến cảnh áp bức của giặc ngụy, lớn lên gặp lúc đất nước mới giải phóng xuất hiện nhiều kẻ lưu manh trộm cướp. Nhà tôi lúc đó không có gì để mất trộm mất cắp, nhưng bà con lối xóm vất vả làm việc để mong có được của ăn của để. Vậy mà đùng một cái lại bị mất trộm khiến cuộc sống cùng khổ hơn". Được biết, vì nhà nghèo không được ăn học đến nơi đến chốn nên từ nhỏ ông Hào đã tự học các thế võ. Năm 1984, ông nhập ngũ. Môi trường quân đội đã rèn thêm cho ông ý chí kiên cường, không ngại hiểm nguy. "Tuy nhiên, trong một lần lập trận chiến đấu, tôi gặp phải quả mìn nổ nên đã mất đi một phần chân trái", ông Hào cho biết thêm.
Sau khi xuất ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, bị mất đi một chân nên cuộc sống của ông càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà ông bi quan hay sống bám vào gia đình, ông quyết tâm tự tập rồi đi làm thuê để kiếm sống với đủ nghề như bốc vác, làm bảo vệ, giữ xe,... tại khu vực chợ Long Kiểng. Sau khi lấy vợ, ngày nào ông cũng phụ giúp vợ bán hàng hóa tại đây. Với ông, dù có tàn tật nhưng quyết không trở thành phế nhân và phải làm nhiều việc có ích.
Trong những ngày mưu sinh tại chợ Long Kiểng, ông Hào đã chứng kiến rất nhiều vụ trộm cắp, cướp giật tài sản. "Bọn chúng không chỉ trộm cắp mà còn xô ngã nạn nhân để cướp giật tài sản. Nhiều người bị chúng xô ngã xuống đường khi đang đi xe máy nên bị thương rất nặng, có nhiều trường hợp còn bị chấn thương sọ não và tử vong", ông Hào bức xúc chia sẻ. Vì quá bất bình với bọn tội phạm này nên ông đã quyết tâm bắt chúng để đem lại sự bình yên cho bà con. Vụ bắt cướp đầu tiên ông thực hiện tại chợ Long Kiểng là vào năm 1993. Ngày ấy, một phụ nữ đang mua hàng trong chợ thì bất ngờ bị kẻ gian giật mất đôi bông tai vàng. Nghe tri hô, ông Hào tức tốc rượt theo tên cướp. Khi đến hẻm cùng, tên cướp đang chuẩn bị leo qua tường rào để tẩu thoát thì ông đã túm lấy chân, vật ngã chúng và tóm gọn. Sau hơn 20 năm theo "nghiệp" bắt cướp, ông đã bắt được hơn 40 tên cướp giao nộp cho công an.
|
Một pha bắt cướp trên đường phố (ảnh minh họa) |
"Độc cước hiệp khách hành"
Biết chân mình bị khiếm khuyết nên có phần hạn chế trong việc di chuyển, vì thế ông Hào rất chịu khó quan sát kẻ gian. Hễ phát hiện đối tượng nào có biểu hiện khác thường như mặt mày lấm lét, dòm trước, ngó sau là ông nhanh chóng bám sát để theo dõi và chuẩn bị tư thế sẵn sàng đợi chúng ra tay là tóm gọn. Trong cái nghiệp săn bắt kẻ cướp, rất nhiều lần ông rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. "Kẻ cướp thì nhanh nhẹn, chuyên nghiệp còn mình thì què quặt. Ngoài ra, một số tên cướp còn sử dụng cả hung khí và có đồng bọn hỗ trợ nên nếu không khéo léo là có thể để chúng "sổng" mất hoặc bị chúng đánh gục lại", ông Hào cho biết. Để hạ gục kẻ cướp, trong những lần tiếp giáp với cướp, ông luôn vận dụng tối đa kỹ năng võ thuật của mình, kết hợp với sức mạnh đôi tay rắn khỏe. Vậy nhưng nhiều lúc bị bọn cướp đẩy vào thế bí, ông thậm chí phải dùng cả thắt lưng da để chống trả lại.
Nhớ lại kỷ niệm một lần bắt cướp trong lúc chở con đi học, ông Hào nở nụ cười phúc hậu: "Trong một lần chở con đi học trên đường Tôn Đản (Q.4, TP.HCM), tôi bắt gặp tên cướp giật sợi dây chuyền của một phụ nữ rồi bỏ chạy nên bèn đuổi theo. Thấy có người rượt đuổi, tên cướp lập tức đứng lại, thò tay vào túi quần và rút dao chực đâm nhưng tôi đã thu phục tên cướp hung tợn bằng những thế võ hiểm của mình. Sau khi bàn giao tên cướp cho công an, trả lại dây chuyền cho nạn nhân, tôi lại tiếp tục "phi" xe thật nhanh để đưa con tới trường".
Ngoài sự nguy hiểm những lúc đối mặt với cướp, ông còn phải đương đầu với bao hiểm nguy rình rập bởi sự trả thù của những đối tượng từng bị ông bắt giữ. Chúng thường xuyên đe dọa vợ ông: "Nói chồng bà chớ có lo chuyện thiên hạ mà hại thân. Việc ai thì người đó làm, nếu ngăn cản hoài thì tụi này thí mạng luôn". Không chỉ dọa, chúng còn nhiều lần cho người đến gây sự đánh nhau với ông Hào nhưng đều bị ông hạ gục. ông kể: "Có lần tôi đang lúi húi phụ giúp vợ dọn hàng, thì có bốn tên côn đồ cầm cây, cầm đá bất ngờ tấn công dữ dội. Một mình tôi phải "quật" nhau với bốn tên. Rồi tôi cũng hạ gục được bốn tên kia, tri hô mọi người tới tiếp viện nhưng sau lần đó tôi cũng bị thương khá nặng, gãy cả sống mũi và phải nằm viện nhiều ngày liền".
Nói về quyết tâm săn bắt cướp của mình, ông bảo: "Tôi nằm viện thì vợ con tôi khổ, nên nhiều lần bà ấy đã khóc hết nước mắt khuyên tôi từ bỏ việc bắt cướp mạo hiểm này nhưng làm sao mà bỏ được. Thấy kẻ cướp cướp giật ngay trước mặt mình mà không bắt được chúng là tôi uất lắm. Thực sự nếu ai cũng sợ kẻ trộm, cướp thì chúng sẽ càng lộng hành hơn. Từ cướp giật ngoài đường, chúng sẽ vào tận nhà dân để cướp. Biết đâu sẽ có lúc nạn nhân của chúng là vợ tôi, con tôi hay người thân thích của tôi thì sao? Vì thế nếu còn sức khỏe thì tôi quyết sẽ còn bắt cướp! Thấy tôi kiên quyết quá nên vợ tôi cũng chỉ còn biết khuyên tôi phải cẩn thận hơn". Nhiều người dân yêu quý ông còn gọi ông bằng cái tên đầy hào hiệp: "Độc cước hiệp khách hành".
Tấm gương sáng của người đàn ông "tàn nhưng không phế" Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường 4 (Q.4, TP.HCM) nhận định: Sau những lần không ngại nguy hiểm bắt cướp, ông Dương Văn Hào đã được UBND phường 4 và UBND phường 15 (Q.4, TP.HCM) tặng thưởng giấy khen, bằng khen và chính thức được mời gia nhập đội dân phòng của phường 4 (TP.HCM) để tiếp tục theo đuổi nghiệp bắt cướp. Thực sự, ông Hào là một tấm gương sáng không chỉ về nghị lực vươn lên trong cuộc sống mà còn nêu cao tinh thần đấu tranh chống trộm cắp, giữ bình yên cho phố phường. |