+Aa-
    Zalo

    Cuộc đời éo le người mẹ có con là 'sát thủ nhí' từ tuổi 15

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Kể từ ngày Chung gây tội ác, cuộc đời bà Ch. dường như chấm hết. Một mình bà buồn tủi sống qua ngày mòn mỏi chờ ngày con về.

    (ĐSPL) - Kể từ ngày Chung gây tội ác, cuộc đời bà Ch. dường như chấm hết. Một mình bà buồn tủi sống qua ngày mòn mỏi chờ ngày con về.

    “Sát thủ” nhí gây thảm án kinh hoàng

    Năm 2007, khi cả khu phố Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang chìm trong giấc ngủ bỗng nghe tiếng kêu thất thanh phát ra từ ngôi nhà số 888 của gia đình anh Đỗ Quốc H. (42 tuổi). Mọi người chạy đến thì chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, nhiều thành viên trong gia đình anh H. nằm gục la liệt từ tầng 2 lên tầng 3.

    Cơ quan CSĐT nhanh chóng vào cuộc và xác định hung thủ gây gia vụ thảm án kinh hoàng này là Lê Ngọc Chung (SN 1992), trú tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội (thời điểm đó là Hà Tây).

    Trước đó, Chung bỏ nhà đi lang thang rồi xin vào làm nhân viên rửa xe máy cho cửa hàng nhà anh H. Do có tính gian, Chung bị góp ý nhắc nhở, không ngờ vì thế mà thanh niên tuổi teen này nảy sinh ý định trả thù.

    Ngày 29/4/2007, Chung xin nghỉ làm một buổi với lý do về quê thăm bà ốm nhưng thực tế hôm đó Chung không về nhà mà đi khắp nơi để tìm mua dao và kiếm. Sau đó, Chung cất giấu trong cốp xe chờ thời cơ thực hiện kế hoạch “rửa hận”.

    Lê Ngọc Chung tại tòa.

    Đêm 1/5/2007, Chung nằm ở tầng một chờ cho mọi người ngủ say thì ra tay. Đến khoảng 1h sáng ngày 2/5 Chung đi lên tầng 2. Tại đây, Chung thấy bà Đặng Thị N. (68 tuổi, mẹ anh H. ) đang nằm ngủ. Chung định rút kiếm đâm bà N. nhưng đúng lúc đó Chung thấy cháu Đỗ Trung Ng. nằm ở ghế gần đó nhìn sang. Không để cho cháu Ng. kịp lên tiếng, Chung nhanh chóng rút kiếm đâm cháu Ng. nhiều nhát khiến cháu tử vong tại chỗ.

    Đâm cháu Ng. xong, Chung lấy chăn chùm kín đầu bà N. rồi dùng kiếm đâm nhiều nhát khiến bà N. tử vong ngay tại chỗ.

    Gây án xong, Chung tiếp tục đi lên phòng ngủ của vợ chồng anh H. tại tầng 3. Thấy anh H., Chung dùng kiếm đâm anh H. một nhát. Bị đâm, anh H.choàng tỉnh dậy và vật lộn với Chung. Và vì cứu con gái là bé Đỗ Thùy A. (7 tuổi) nên anh H. đã bị Chung đâm gục tại chỗ.

    Trong lúc đó, chị Ng. chạy xuống nhà kêu cứu.

    Sau khi gây thảm án, Chung đập cửa kính chạy xuống tầng 1 để bỏ trốn. Tuy nhiên, Chung chạy được khoảng 2km thì bị người dân và lực lượng công an bắt giữ.

    Tại phiên tòa xét xử, Chung bị truy tố về tội danh giết người với 4 tình tiết tăng nặng là giết nhiều người, giết trẻ em, giết một cách man rợ và vì động cơ đê hèn.

    Sau 4 lần hoãn tòa vì nhiều lý do, cuối cùng Lê Ngọc Chung bị tuyên phạt mức án cao nhất là 12 năm tù giam. Vì tại thời điểm đó, Chung mới 15 tuổi 11 tháng 2 ngày.

    Cuộc đời đầy nước mắt của người mẹ nghèo

    8 năm trôi qua sau thảm án kinh hoàng đó, chúng tôi tìm về nhà hung thủ Lê Ngọc Chung trong một buổi trưa nắng gắt.

    Theo con đường ngoằn ngoèo chạy sâu vào trong làng Bạch Nao, xã Thanh Văn chúng tôi mới tìm được nhà Ch. Trong ngôi nhà đơn sơ, bà kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy nước mắt của mình. Trong câu chuyện đó, bà khóc nhiều hơn nói.

    Bà Ch. cho biết, bao năm nay bà chẳng có nhà. Căn nhà bà đang ở là nhà bố mẹ bà sau khi qua đời để lại. Là con út, con thứ 9 trong gia đình có 9 chị em gái nên bố mẹ đặt tên cho bà là Chín cho dễ nhớ. “Các cụ có câu, “giàu con út, khó con út” quả thật là đúng, số tôi nó khó khăn khổ sở thì đúng là khổ sở từ bé”.

    Ngay từ bé, bà Ch. đã mặc phải căn bệnh thận quái ác. Nhà nghèo nên bố mẹ bà chỉ chữa theo phương pháp dân gian nên bệnh lúc đỡ, lúc không. Đến tuổi trưởng thành bà xây dựng gia đình với một người đàn ông tên Th., (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

    Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân đối với bà Ch. cũng chỉ như cơn gió thoáng qua, có chồng cũng như không.

    Nước mắt người mẹ có con là sát thủ.

    “Tôi kết hôn năm 1984, đến năm 1985 thì sinh cô con gái đầu lòng. Sau khi sinh được mấy tháng thì bệnh thận của tôi lại tái phát, đau đớn quằn quại chẳng làm ăn được gì. Lúc tôi lâm bệnh chồng tôi không những không thương mà còn thẳng tay “cướp” đứa con từ trên tay tôi rồi đuổi tôi ra khỏi nhà vì sợ tôi chết ra đó thì gia đình ông ấy lại tốn mất một cỗ quan tài”.

    Bị chồng đuổi ra khỏi nhà, nghề nghiệp không có lại đang lúc bệnh tật nên bà Ch. quay về nương nhờ bố mẹ đẻ.

    Bà Ch. chia sẻ: “Một lần lỡ dở rồi, mình lại bệnh tật nên từ khi chồng bỏ tôi chỉ sống một mình, chẳng mơ tưởng gì. Một thời gian sau, ông Th. có thuyết phục tôi muốn quay lại. Mình đàn bà nhẹ dạ cả tin nên cũng đồng ý, nhưng chưa về ở hẳn. Trong thời gian này tôi quyết định sinh thêm đứa con nữa để sau này về già còn có chỗ dựa”. Vậy là Lê Ngọc Chung ra đời.

    Kể về việc Chung bỏ nhà đi, bà bảo. Hôm đó, trong họ có đám giỗ nhưng Chung tự ái vì không ai nói tiếng nào nên Chung không sang và bị bố mắng nên bực tức, giận dỗi. Tối đó hai vợ chồng đi ăn cỗ về, ông Th. lại tiếp tục lầm bầm chuyện đó nên Chung bỏ đi lúc nửa đêm. Trước khi đi Chung để lại một bức thư cho bố mẹ.

    “Gửi bố, mẹ. Con là Lê Ngọc Chung. Cho dù con có học hành tiến bộ, được thầy cô và bạn bè yêu quý thì suy cho cùng, những kiến thức đã học ở những năm cấp II có giỏi lúc đó, nhưng bây giờ cũng quên hết. Không phải là con không chịu học mà từ nhỏ con học đã kém, không sao nhớ nổi. Vậy nên con tự thấy mình sẽ không thể thi đại học được và nếu học nữa thì chỉ hao tốn tiền của bố mẹ, chỉ là một gánh nặng cho bố mẹ.

    Con quyết định bỏ nhà đi vì đã không chịu được cuộc sống hiện tại (thật là bi thảm). Lúc đi, con xin mẹ một triệu và định xin bố chiếc xe máy Best, nhưng con thấy khó mà lấy được xe và chìa khóa của bố, nhưng dù có khó đi nữa, con cũng đã phôtô chiếc chìa khóa của bố và chỉ chờ cơ hội là con sẽ ra đi.

    Bố mẹ hãy coi như thằng con mất dạy này đã chết rồi và đừng tốn công vô ích đi tìm làm gì, nhất là mẹ, đừng có đem tiền đi xem bói, cúng lễ để con về làm gì. Con đã quyết định đi rồi. Còn bố mẹ ở nhà thì hãy cố cho vui nhà. Mà nhất định bố mẹ phải nhớ là “con đã chết rồi”, đừng đi tìm kiếm hay đăng báo. Thôi, con chào bố mẹ. Bố mẹ hãy giữ gìn sức khỏe. Con của bố mẹ”.

    Chỉ sợ không sống được để đợi con ra tù

    Sau khi Chung bỏ đi, bà đã điên cuồng tìm kiếm. Bà nhờ người phóng ảnh, đánh chữ để nhờ dán khắp nơi. Chỉ mong có ai nhìn thấy hoặc Chung có nhìn thấy thì quay về với bà, thế nhưng, càng chờ càng không thấy.

    Bỗng nhiên sau hơn 20 ngày sau khi con bỏ đi, bà Ch. bất ngờ nhận được cuộc gọi xưng là công an quận Hai Bà Trưng. Lúc đầu, bà cứ nghĩ họ tìm thấy con bà. Thế nhưng khi cán bộ điều tra thông báo rằng Chung đã gây gia thảm án sát hại 5 người trong một gia đình: 3 người chết, 2 người bị thương.

    Bà Ch. chia sẻ cuộc sống với PV.

    Nghe xong bà không thể tin được nên cố biện minh rằng: “Anh ơi, anh có nhầm không, con tôi là một đứa trẻ ngoan hiền, chưa từng biết gây gổ đánh nhau với ai bao giờ sao lại có thể làm cái chuyện tày trời ấy được”. Thế nhưng, sự thật vẫn là sự thật. Bà Ch. phải chấp nhận.

    Nỗi đau chưa ngoai, một nỗi đau khác lại đến khiến bà tự nhủ rằng cả đời sẽ không thể tha thứ được. Đó là, ngày Chung ra tòa, chồng bà tuyên bố trước tòa rằng Chung không phải con của mình. Kể từ đó, bà quyết tâm từ bỏ người đàn ông bội bạc này.

    Sau phiên tòa, Chung bị giam ở trại giam Thanh Phong, tỉnh Thanh Hóa. Cách Hà Nội hơn 150 cây nhưng cứ lúc rảnh là bà lại một mình đi xe máy vào thăm con. Sợ tốn tiền, bà cố đi về trong ngày.

    Từ ngày con phạm tội bà Ch. sống khép mình, chẳng giám giao du với ai. Nhiều người thấu hiểu hoàn cảnh của bà thì đồng cảm  nhưng cũng có những người họ kỳ thị khiến bà tủi thân. Có lần trong làng có hội, một vài người biết bà có giọng hát hay, muốn động viên bà hòa nhập với mọi người nên đề xuất cho bà một tiết mục văn nghệ. Bà kỳ công học hát nhưng gần đến ngày hội bà nghe mọi người nói ở làng hết người rồi hay sao mà lại để bà tham gia văn nghệ. Nghe vậy, bà Ch. buồn, bà tủi nên không tham gia nữa.

    Bệnh bà càng ngày càng nặng, không thể cày cấy được nên chuyển sang chạy chợ. Trong làng có nghề làm chăn đệm, biết hoàn cảnh của bà nên cho lấy hàng chịu. Bán được thì mang tiền về trả họ tiền gốc, còn nếu không bán được thì mang hàng về trả cũng được.

    Bà Chín bảo: “Khổ sở, vất vả, đau đớn đến mấy tôi cũng chịu được nhưng chỉ sợ bệnh tật nó không cho phép tôi sống bao lâu nữa. Hơn nữa, trong trại Chung cũng bị bệnh tràn dịch màng phổi phải chữa trị mấy năm nay mà vẫn chưa khỏi hẳn. Chẳng biết hai mẹ con còn có cơ hội gặp lại nhau ở bên ngoài hay không nữa bởi Chung còn những 4 năm nữa mới mãn hạn tù”. Nói đến đây nước mắt bà Chín lại trào ra.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-doi-eo-le-nguoi-me-co-con-la-sat-thu-nhi-tu-tuoi-15-a90767.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan