+Aa-
    Zalo

    Cuộc chơi của những ông trùm: Gán thân vì... bẫy vay

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Với lượng du khách đổ về các khu nghỉ mát ven biển rất lớn vào mỗi kỳ nghỉ nên để điều phối dịch vụ được cho là “nhạy cảm”.

    (ĐSPL) - Với lượng du khách đổ về các khu nghỉ mát ven biển rất lớn vào mỗi kỳ nghỉ nên để điều phối dịch vụ được cho là “nhạy cảm”, đòi hỏi các ông trùm phải có những chiến lược riêng cho mình. Mục tiêu của ông trùm là vừa thu lợi, lại tránh được cơ quan chức năng. Hệ thống “chân rết ruột” được coi là át chủ bài nhằm vận hành hoạt động này…

    Mớm cho vay để... xích việc

    Như đã viết ở kỳ trước, sau một chuyến bay đêm tại khu phố được coi là “macao” thu nhỏ giữa lòng Đồ Sơn, cả nhóm quay về khách sạn của Khánh “phủi”. Đem thắc mắc việc hoạt động chăn dắt gái diễn ra khá nhộn nhịp ở đây, song không mấy khi có sự va chạm giữa các nhóm “cò gái” hay giữa các chủ nhà nghỉ, Khánh “phủi” cười nói: “Thật ra, bảo là không có sự va chạm giữa các băng nhóm thì không hẳn. Song nếu có, sự va chạm sẽ được giải quyết âm thầm sau đó và theo đúng luật bất thành văn của cuộc sống”.

    PV gợi hỏi về những luật ngầm này, Khánh “phủi” rít một hơi thuốc lá dài rồi nói: “Để kể chi tiết về các luật lá này, nói cả đêm cũng không hết. Các hoạt động dịch vụ ở đây từ nhà nghỉ, nhà hàng, hoạt động cho vay... tuân thủ tuyệt đối 3 tiêu chí: Đồng giá, có vay và có trả. Chỉ cần một cá nhân, nhà hàng nào vi phạm quy tắc chơi này ngay lập tức các ông trùm sẽ liên thủ thành “phường” cô lập”.

    “Nếu phía kia vẫn cương, liệu có xảy ra huyết chiến không?” - PV hỏi. Khánh “phủi” cười khùng khục: “Đúng là ông em không hiểu uy lực của “phường” liên thủ rồi. Một khi “phường” đã đưa nhà hàng nào đó vào vòng ngắm thì chỉ có nước là bán sới đi nơi khác làm ăn”. Khi đó, toàn bộ dịch vụ từ “gái gọi”, cho đến trông giữ xe, hay các tuyến vận chuyển hải sản... sẽ bị đóng băng từ gốc. “Không đánh mà vẫn chết là thế đấy chú em ạ!”, Khánh “phủi” nói thêm.

    Theo tìm hiểu của PV, đúng là hoạt động bảo kê tại các khu nghỉ dưỡng ven biển có cách thức hoạt động đặc thù không giống với bảo kê vũ trường, sòng bạc... Tuy nhiên, các tuyến điều tra cho thấy, để xây dựng hệ thống “chân rết ruột” của mình, các ông trùm “cát cứ” khu nghỉ mát ven biển đều dùng chiêu thức cho vay nặng lãi để từng bước thu phục đệ tử và hình thành đội quân gái gọi, bảo kê, đội quân quản lý tài chính (thực chất là đòi nợ thuê)... Đặc biệt là đội quân cảnh báo từ xa, thực chất là những quán hàng rong, xe ôm.

    Trong mấy ngày ở lại đây, PV cũng tiếp xúc được với một người đàn ông có tên Thắng “rỗ”, hành nghề xe ôm tại khu “macao” Đồ Sơn này cả chục năm trời. Thắng “rỗ” có khuôn mặt khá dữ dằn. Tàn dư của căn bệnh đậu mùa khiến khuôn mặt Thắng bị rỗ như đá ong. Vẻ bề ngoài dữ dằn song lại khá dễ gần và nói chuyện có duyên. Thắng “rỗ” nói: “Ở khu nghỉ mát này, đa số những người bán hàng rong gần bờ biển là dân nghèo từ các tỉnh xa kiếm sống, ngay cả gái gọi cũng vậy. Chuyện họ phải vay tiền các ông trùm và đóng “phí đen” trong kinh doanh không có gì là lạ. Không vốn nên phải tìm đến các “đại ca” để vay tiền, cũng nhiều người không muốn nhưng để yên ổn làm ăn vẫn phải thành con nợ bất đắc dĩ, để rồi đã dính vào là không dứt ra được”.

    Thắng “rỗ” không giấu giếm, bản thân mình chính là người được một đại ca ở đây thuê đi thu phí hàng ngày với tiền công 100.000 đồng/ca làm việc. Hàng ngày, cứ khoảng 16h, Thắng “rỗ” sẽ chạy xe lướt qua các điểm chợ, nhà hàng, quán hàng rong để thu phí.

    Thúy Hạnh tâm sự chuyện đời với PV.

    Gán thân vì... bẫy vay

    Cô gái có tên Thúy Hạnh là người được Thảo “xăm” - nhân vật nói ở kỳ trước dẫn mối cho PV. Thúy Hạnh khá xinh xắn, quê ở Lào Cai. Trong câu chuyện với PV, Thúy Hạnh kể, cách đây 3 năm đã lập gia đình và hiện có một cô con gái. Tuy nhiên chỉ ít thời gian sau đó chồng cô “dính” vào vụ án vận chuyển ma túy, đang thụ án với mức án 15 năm. Gia đình nhỏ cũng tan vỡ kể từ đó.

    Vốn không được học hành đến nơi đến chốn nên Hạnh không xin được việc làm. Bí quá, đầu năm 2015, Hạnh gửi con gái nhờ ông bà nuôi còn mình... xuống đây kiếm nghề. Nói đến đây Hạnh cười: “Anh biết rồi đấy, một khi đã tìm nghề ở những khu nghỉ biển như Đồ Sơn thì những người như em có nghề gì ngoài nghề đấy hở anh!”.

    Hạnh kể tiếp: “Thời gian đầu xuống đây cũng vất lắm vì chẳng có mối nào cả. Không có bảo kê thì lấy đâu ra khách. Và để vào một “phường” nào đó, cách tốt nhất là... vay nặng lãi. Em đã chủ động đến gặp một chủ bưởng ở đây vay 3 triệu đồng gọi là vốn làm ăn, để mua quần áo phấn son ấy mà”.

    Cũng theo lời Hạnh, tiền lãi là 50.000 đồng/ngày. Nói đến đây Hạnh chua chát: “Anh biết không, số tiền vay lúc đầu tưởng nhỏ vậy mà đến tận bây giờ không hiểu các chủ bưởng tính thế nào mà cả gốc lẫn nợ lãi em phải gánh đến hơn 10 triệu đồng. Cứ đà này em phải gán nợ thân suốt đời cho ông trùm khu vực này anh ạ!?”.

    Tham gia vào câu chuyện, Thảo “xăm”, xác nhận: “Đây là luật bất thành văn rồi. Muốn hành nghề, gái bán dâm bắt buộc phải vay nặng lãi của các “đại ca” thì mới có khách. Ở khu vực này, chẳng có gái gọi nào là không dính vay nặng lãi cả. Nó như một “thẻ căn cước” để ràng buộc gái gọi ở đây”.

    Theo dõi tại “khu đèn đỏ” Đồ Sơn, cứ tầm khoảng 20h mỗi ngày, bên cạnh các hoạt động chèo kéo vào nhà nghỉ, chào hàng của gái gọi, không khó để nhận ra hoạt động thu phí của các nhóm bảo kê đối với số gái gọi ở đây. Thúy Hạnh chen thêm vào câu chuyện: “Nếu ai bận đi khách, phải gửi lại tiền cho “đồng nghiệp” trả giùm, chưa đủ tiền trả thì gần sáng, ông trùm sẽ cho đàn em tới thu. Đã có nhiều cô gái không đủ tiền trả lãi bị đàn em chủ nợ truy tìm, đánh đập dã man hoặc bị cấm hoạt động ở địa bàn mình “quản lý””.

    Cũng trong mấy ngày ở đây, PV làm quen được với Giang Tuyền, người đã làm tại khu “macao” này gần 5 năm. Tuyền chia sẻ: “Riêng tại khu “đèn đỏ” này, bọn em không hoạt động theo mô hình của các chị đứng đường. Các chị chỉ đứng đường, tụ tập nhau lại vào một khu vực, còn bọn em làm việc có cả một đường dây. Mọi người cứ nghĩ nằm ra là được 200.000 đến 500.000 đồng, đúng là giá của em như thế. Nhưng em đâu có được ăn cả số tiền ấy?”.

    Theo Tuyền, những người như cô phải trả tiền bảo kê, tiền dẫn mối, phí hoạt động cho má mì, xe ôm... làm bằng thân xác của mình và nuôi cả một đường dây đằng sau. “Nhưng nếu không có bọn họ, em cũng chẳng hoạt động được. Có rất nhiều đứa ngoài luồng, hoặc ở khu vực khác đến đây ăn khách là bị triệt tiêu ngay”, Tuyền nói.

    Hình thành cả đường dây “hút máu”

    Không chỉ hoạt động cho vay nặng lãi, theo Khánh “phủi”, các đối tượng “có tiếng nói” tại khu vực này còn bao luôn việc cung cấp xe đạp, xe đạp điện, thậm chí “điểm đáp” cho gái bán dâm để dễ thu nợ. Nói chung dịch vụ sẽ được tận thu không trừ khoản nào... Lãi suất chung tại đây khoảng 50.000 đồng mỗi ngày cho 1 triệu tiền vay. Tuy nhiên, cũng có thể giảm một chút lãi suất vay nếu như những người vay có thể là chủ cửa hàng nhỏ, quán hàng rong, cánh xe ôm... làm thêm việc tiếp thị và dẫn khách vào nghỉ tại chuỗi nhà hàng, khách sạn của một ông trùm nào đó.

    VI HẬU – SƠN MINH

    Đọc thêm nhiều bài khác tại chuyên mục : An NinhTin pháp luật
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-choi-cua-nhung-ong-trum-gan-than-vi-bay-vay-a146801.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan