Trên thị trường vận tải hành khách đang có sự cạnh tranh giữa một loại hình kinh doanh mới với loại hình kinh doanh cũ. Trong lịch sử, loại hình kinh doanh mới thường giành phần thắng.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng cách ứng xử hiện nay của các công ty truyền thống là sai về phương pháp. Có một khoảng cách về công nghệ giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. Điều này đòi hỏi taxi truyền thống phải vươn lên để đạt mức ngang bằng các công ty công nghệ.
“Không phải một hãng taxi mới đến cạnh tranh với một hãng taxi cũ, mà cạnh tranh ở đây là giữa một loại hình kinh doanh mới với một loại hình kinh doanh cũ. Cạnh tranh như thế này thì phần thắng hầu như thuộc về loại hình mới” – ông Nguyễn Đức Thành dự báo.
Theo ông Thành, chính sách cần khuyến khích tạo lập những doanh nghiệp Việt Nam dám tham gia vào loại hình mới để cùng cạnh tranh với những công ty nước ngoài. Nếu thành công, họ sẽ tích lũy được vốn và dần mở rộng.
Câu chuyện khởi nghiệp của một số thanh niên tạo ra ứng dụng kết nối giữa lái xe và người có nhu cầu di chuyến từ trung tâm thành phố đến sân bay Nội Bài được ông Thanh coi là ví dụ chứng minh cho luận điểm này.
Ứng dụng đặt xe do các startup Việt phát triển
Thực tế, nhiều startup trong nước đã tập trung vào mảng đặt xe đường dài, nơi chưa có sự tham gia của Uber và Grab. Vietgo, Carento, 123xe, Taxi Go là một vài cái tên được nhắc đến nhiều trên truyền thông.
Nhưng số lượt tải về của những ứng dụng này trên App Store và Play Store còn ít. Các nhà phát triển cũng chỉ coi đây là một cách đặt xe trong tổng thể đa phương thức bao gồm: website, tổng đài, ứng dụng trên thiết bị di động.
Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đi Chung cho rằng, số lượt tải về của các các ứng dụng đi xe đường dài không cao là do nhu cầu không nhiều và liên tục như quãng đường ngắn mà Uber, Grab đang phục vụ.
Bên cạnh đó, Uber và Grab mạnh về vốn và có khả năng khuyến mãi trong thời gian dài, điều mà doanh nghiệp trong nước không thể thực hiện.
Chọn cách giải quyết một phân khúc nhu cầu của thị trường, Đi Chung đã hướng vào cung cấp dịch vụ đi chung, ghép xe và trở thành đối tác của các hãng taxi, vận tải.
Ông Nam đánh giá, sự tham gia mới đây của sàn giao dịch vận tải GoNow, đơn vị đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng công ty Viễn thông Viettel, có thể sẽ làm cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt.
Khi khoảng cách công nghệ được san bằng, chiến thắng sẽ thuộc về người am hiểu thị trường và văn hóa. Một ví dụ điển hình là Grab có thể cạnh tranh ngang ngửa với Uber ở Đông Nam Á, còn Didi đánh bại Uber tại Trung Quốc.
Tất nhiên, các hãng taxi cũng không đứng ngoài xu hướng công nghệ. 5 doanh nghiệp Việt Nam đã cùng tham gia Đề án thí điểm với Uber và Grab. Nhiều doanh nghiệp taxi khác cũng phát triển ứng dụng đặt xe. Thậm chí, số lượt tải về ứng dụng Vinasun, Mai Linh taxi,... còn cao hơn ứng dụng của các startup.
Hiện tại, các hãng taxi truyền thống vẫn cho rằng đang tồn tại những khác biệt về thuế và điều kiện kinh doanh. Trong khi taxi truyền thống phải lắp đồng hồ tính cước, hộp đèn (theo quy định tại Nghị định 86), thì xe Uber và Grab không có phù hiệu và có thể di chuyển vào phố cấm taxi.
Trong 1 năm qua, Hiệp hội taxi Hà Nội đã gửi hàng chục văn bản đến các cơ quan chức năng nêu rõ những “bất bình đẳng” trong chính sách.
Tuy nhiên, phải đến khi một số lượng không nhỏ tài xế dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab thì dư luận xã hội mới thực sự nóng lên. Như vậy, có thể thấy rằng mục đích thu hút sự chú ý của dư luận đã thành công chỉ trong 2 ngày cuối tuần, nhờ tấm decal đỏ.
Ở một góc nhìn khác, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cuộc cạch tranh sẽ thêm phần khốc liệt với sự xuất hiện của xe điện tự lái. “Ô tô điện tự lái sẽ làm cho số lượng xe ô tô chạy trên đường giảm hẳn. Nó chạy suốt ngày đêm, không cần người lái. Nó cũng không cần xăng vì dùng điện mặt trời.
Trong tương lại không xa, vai trò của taxi sẽ mờ nhạt và bị thách thức rất nhiều. Thách thức với Uber, Grab bây giờ chỉ là thách thức bước đầu” – ông Lê Đăng Doanh nói.