(ĐSPL) - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nguy cơ thất bại trong cuộc chiến chống virus Ebola, giữa lúc LHQ khẩn thiết kêu gọi các nguồn tài trợ để chống lại căn bệnh cực kỳ nguy hiểm này.
|
Chủ tịch WB Jim Yong Kim cảnh báo rằng thế giới có nguy cơ “bại trận” trước virus Eobla. |
Phàn nàn trước việc cộng đồng quốc tế thiếu đoàn kết trong nỗ lực chống dịch Ebola, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cảnh báo rằng thế giới có nguy cơ “bại trận” trước virus Eobla, khi "một số quốc gia chỉ quan tâm đến an toàn của riêng mình".
Theo đài Tiếng nói nước Nga, cho đến nay Liên Hợp Quốc chỉ nhận được ít hơn 40\% số tiền 1 tỷ USD mà tổ chức lớn nhất thế giới này yêu cầu để tìm cách chống lại dịch virus Ebola ở Châu Phi.
Đại diện Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ tại Geneva, ông Jens Lerke, nói rằng việc cần làm không phải là phải hứa hẹn, mà là hành động. Theo ông, thiếu vốn là một vấn đề rất nghiêm trọng.
Vào thời điểm này, số người tử vong vì virus Ebola đã vượt quá 4.500 người. Trong khi đó, công ty dược phẩm Anh GlaxoSmithKline thông báo rằng loại vắc xin chống virus Ebola phù hợp cho việc sử dụng rộng rãi chỉ có thể xuất hiện vào cuối năm 2016.
Cả hành tinh lo ngại
Dịch bệnh Ebola với những ca lây nhiễm khó hiểu hiện đang khiến cho toàn thế giới cảm thấy lo ngại.
Báo Pháp Le Figaro đã dành tới 4 trang để viết về dịch bệnh Ebola. Trong bài viết mang tựa đề “Ebola ở Châu Âu, virus của nỗi sợ hãi”, báo Pháp Le Figaro điểm lại đà tiến triển của dịch bệnh Eobola đã làm 4.500 người thiệt mạng: Số người nhiễm virus cao gấp đôi chỉ trong vài tháng đã khiến thế giới hốt hoảng.
Le Figaro cũng lược qua phần đóng góp và cam kết đóng góp của các nước để giúp Châu Phi chống Ebola. Đứng đầu là Mỹ dự kiến 1 tỷ USD (đã đóng góp 350 triệu USD), Anh 200 triệu USD, Pháp gần 90 triệu USD, Nhật 40 triệu USD, Trung Quốc hơn 8 triệu USD và 170 nhân viên y tế. Trong khi Cuba, Malaysia giúp thiết bị… Đó là chưa kể những nhà tỉ phú hảo tâm.
Theo Le Figaro, các chuyên gia tỏ ra bi quan về việc đối phó với dịch Ebola và lo ngại dịch bệnh này sẽ bùng phát.
Virut Ebola toàn cầu hóa
Trong bài xã luận tựa đề “Sự toàn cầu hóa của một loại virus”, báo Le Figaro trách móc phương Tây lúc đầu đã coi nhẹ dịch bệnh nguy hiểm này. Trong vòng 30 năm qua, đã tới gần 20 dịch Ebola bùng phát, nhưng phương Tây chỉ bắt đầu quan tâm khi số người thiệt mạng lên đến hàng trăm vào mùa xuân năm nay. Le Figaro khẳng định rằng thắng bại trong trận chiến chống Ebola là ở Châu Phi.
Trong khi đó, báo Liberation lại nêu bật tâm trạng lo âu xuất hiện từ sau những ca bị nhiễm virus không phải là “du nhập”, mà là tại chỗ ở phương Tây. Đó là hai trường hợp ở Mỹ, một trường hợp ở Tây Ban Nha. Các trường hợp này rất gây thắc mắc, vì do đâu mà xảy ra lây nhiễm tại những nơi mà ngành y tế trên nguyên tắc rất hữu hiệu, có những quy định chặt chẽ về ngăn ngừa dịch bệnh?
Báo Liberation viết trường hợp một nữ y tá bị nhiễm Ebola ở Tây Ban Nha đã phơi bày hàng loạt lỗ hổng trong việc theo dõi, chữa trị và là tấm gương phản ánh một hệ thống y tế trong tình trạng khủng hoảng xã hội.
Ngành y tế Tây Ban Nha vốn có 550.000 nhân viên trong năm 2012, nhưng đã phải “tinh giảm” 28.500 trong hai năm qua. Bệnh viện Carlos III, nơi nữ y tá xấu số nói trên làm việc, đã cắt giảm 12\% nhân viên vào năm ngoái và khoa phụ trách bệnh truyền nhiễm cao đã bị đóng cửa vào mùa hè năm nay.
Một bác sĩ của bệnh viện công nhận việc cắt giảm biên chế, ngân sách một cách sai lầm và ảnh hưởng xấu đến hoạt động của bệnh viện. Phải chăng vì thế mà cô y tá đã nhiễm bệnh và không được sớm phát hiện? Khi cô yêu cầu xét nghiệm thì bị đuổi về nhà đến 3 lần.
Ích kỷ và bất cẩn
Trường hợp ở Mỹ còn đáng ngại hơn nữa, khi ai cũng biết nước Mỹ rất chặt chẽ về vấn đề an toàn và từ 10 năm qua, Ebola được nhìn nhận dưới góc độ khủng bố sinh học.
Chuyện gì đã xẩy ra vẫn chưa rõ, nhưng điều rõ nhất là sự bất cẩn. Tờ báo đề cập đến trường hợp nữ y tá Teresa ở Madrid và nữ y tá nhiễm bệnh ở Texas. Cả hai đều tự do đi lại giao tiếp, mặc dù họ đã mấy lần tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus Ebola.
Trong bài xã luận, báo Pháp Libération cũng phê phán thái độ ích kỷ của một số nước có công nghiệp phát triển. Theo báo này, một số nước phương Tây chỉ thực sự lo ngại khi dịch Ebola bắt đầu xuất hiện ở nước họ, mà ít quan tâm đến việc virus Ebola đã giết hại hàng ngàn người ở Châu Phi - đặc biệt là tại ba nước bị nặng nhất, nghèo nhất và bị nội chiến hoành hành như Liberia, Sierra Leone.
Libration hy vọng sự lo sợ sẽ khiến các quốc gia giàu có thật sự giúp Châu Phi chống lại dịch bệnh Ebola. Đây là vấn đề đạo đức, đoàn kết, tương trợ, cũng là việc hành xử hữu hiệu trong một thế giới toàn cầu hóa.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-chien-chong-virus-ebola-co-nguy-co-that-bai-a56190.html