Đều là đàn ông, cùng hầu hạ Hoàng đế nhưng số phận và cuộc đời của thị vệ vốn dĩ đã khác xa so với tầng lớp thái giám, hoạn quan.
Hoàng cung là nơi có không ít phi tần, mỹ nữ. Để tránh việc nhà vua bị "cắm sừng" nam giới một khi bước chân vào Tử Cấm Thành làm nô tài đều bị thiến và trở thành thái giám, hoạn quan.
Chính điều này khiến nhiều người lầm tưởng trong Tử Cấm Thành chỉ có Hoàng đế là người đàn ông chân chính duy nhất. Thế nhưng, trên thực tế, trong cung cấm vẫn có những người đàn ông khác được phép ra vào đó chính là đội ngũ thị vệ.
Số phận khác nhau giữa thị vệ và thái giám trong cung cấm. |
Tại sao thị vệ thoát kiếp "tịnh thân"?
Lý giải vì sao thị vệ cũng làm việc trong cung nhưng lại không bị thiến như thái giám, các nhà sử học Trung Quốc hiện đại đã đưa ra một số ý kiến sau:
Thứ nhất, thị vệ là tầng lớp có địa vị không hề thấp. Phạm vi hoạt động của họ không chỉ nằm trong hậu cung mà còn ở khắp nơi trong hoàng cung, nên không thể so sánh với thái giám, hoạn quan.
Thứ hai, thị vệ đóng vai trò quan trọng trong hoàng cung hơn thái giám.
Bởi thái giám là người trực tiếp hầu hạ các phi tần, cũng là đối tượng có nhiều thời gian gần gũi với các nàng nên buộc phải thiến để đảm bảo sự thanh bạch trong hoàng cung. Hơn nữa, nhóm người này cũng chẳng mấy ai biết võ công, không mấy hữu dụng.
Thế nhưng thị vệ lại chịu trách nhiệm cho sự an toàn của Hoàng đế. Họ đều là những binh lính tinh nhuệ, vai trò quan trọng hơn hoạn quan rất nhiều.
Thứ ba, thị vệ nếu bị thiến sẽ mất đi sức mạnh. Chúng ta đều biết, đàn ông khi trải qua quá trình tịnh thân sẽ có nhiều biến hóa, thể trạng giảm sút so với trước. Mà thị vệ là người bảo vệ bên cạnh Hoàng đế, không thể không cường tráng, mạnh khỏe.
Thị vệ trong cung cấm đều có xuất thân từ danh gia vọng tộc. |
Thứ tư, xuất thân của thị vệ trong sạch và cao quý. Vào thời Tần – Hán, tầng lớp này đều được triều đình đặc biệt tuyển chọn những người tinh thông võ nghệ để đưa vào cung. Tới đời nhà Thanh, thị vệ hầu hết đều là các công tử có xuất thân danh giá.
Trong khi đó, thái giám phần lớn đều là những đứa trẻ nghèo khổ, sinh ra đã bị xếp vào đáy xã hội. Những người này buộc phải vào cung để làm người hầu kẻ hạ, kiếm miếng cơm sống qua ngày.
Rợn người quy trình "tịnh thân" của hoạn quan thời cổ
Những người chuyên hành nghề tịnh thân thường được gọi với cái tên “tịnh thân sư”. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, những ai nghèo khổ đều có thể tịnh thân để vào làm việc trong cung cấm, kiếm miếng cơm manh áo.
Nhưng không, để tịnh thân thành thái giám, những người này phải đưa cho tịnh thân sư 6 lượng bạc trắng. Nếu người nghèo không có tiền tịnh thân, họ phải có người đứng ra bảo kê và chi phí tịnh thân sẽ được khất tới sau này. Nếu không có người “bảo kê” phù hợp, tịnh thân sư nhất quyết không đồng ý thực hiện thủ thuật này.
Các gia đình nghèo muốn đem con vào cung làm thái giám trước tiên phải tới báo danh “treo thìa” ở nhà tịnh thân sư. Đứa trẻ sau khi vượt qua các công đoạn kiểm tra về diện mạo, sức khỏe, mức độ nghe lời và khả năng nhanh nhẹn sẽ được các tịnh thân sư giữ lại.
Trong khi đó, thái giám lại xuất thân bần hàn, nghèo khổ, dưới đáy của xã hội. |
Sau đó, gia đình đứa bé phải lập ra một bản “hôn thư” để cam kết, coi mình là một “cô gái” được “gả” vào cung. Trong “hôn thư”, người tịnh thân phải cam kết mình hoàn toàn tự nguyện và dù sống hay chết cũng không kiện lên quan phủ.
Không một thái giám nào trong cung lại không phải trải qua một thủ thuật “tịnh thân” bằng loại “yêm đao” riêng. “Yêm đao” được làm từ hợp kim vàng và đồng để chống nhiễm trùng. Khi "tịnh thân" xong, người bị hoạn sẽ được “đao tử tượng” đỡ dậy, đi lại chầm chậm trong phòng hai tiếng đồng hồ, sau đó mới được nằm xuống nghỉ ngơi.
Liên tiếp trong vòng 3 ngày sau thủ thuật, người tịnh thân sẽ không được uống nước để tránh nhiễm trùng. Sau thủ thuật khoảng 100 ngày, thái giám vừa bị hoạn này khôi phục sức khỏe. Và họ sẽ được đưa vào cung đình làm hoạn quan cho các vua chúa. Chính vì có cấu tạo không bình thường về mặt tâm sinh lý, những nô tài làm thái giám ở triều đại nào luôn mang nét mặt nhợt nhạt, vóc dáng mảnh mai, giọng nói khao khao, bộ điệu rụt rè, tính tình nhút nhát khác với người bình thường.
Được biêt, bộ phận sinh dục đã cắt bỏ của thái giám sẽ được các tịnh thân sư cất giữ như bảo bối, được bọc kín bằng vải đỏ treo trên xà nhà với ý cầu chúc cho thái giám đó đỏ vận thăng tiến trên con đường đua tranh quyền lực chốn hoàng cung.
Quỳnh Chi(T/h)