Hành vi sử dụng ma túy dẫn tới ảo giác sát hại nạn nhân đã cấu thành tội Giết người. Tuy nhiên, trong khi bị cáo Châu Việt Cường chỉ bị phạt 13 năm tù thì bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn lại phải nhận án tử. Vì sao lại có sự khác biệt này?
Mức án khác nhau của 2 bị cáo cùng “ngáo đá” giết người
Bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn (34 tuổi, ngụ tại TP.HCM) và Châu Việt Cường (41 tuổi, ở Quảng Ninh) đều hầu tòa vì tội Giết người. Hai bị cáo cùng có hành vi sử dụng ma túy dẫn tới ảo giác và sát hại nạn nhân, cấu thành hành vi giết người. Tuy nhiên, trong khi TAND TP.Hà Nội chỉ xử phạt bị cáo Châu Việt Cường 13 năm tù giam thì TAND TP.HCM và TAND Cấp cao tại TP.HCM lại xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn mức án... tử hình?!.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn và Châu Việt Cường. |
Cụ thể, về hành vi phạm tội của bị cáo Châu Việt Cường, cáo trạng của TAND TP.Hà Nội nêu rõ, vào 24h ngày 4/3/2018 đến 10h30 ngày 5/3/2018, Cường cùng Đoàn Quý Nguyên (tức ca sĩ Nam Khang) đến chơi nhà Phạm Đức Thế thuê tại căn hộ ở phố Nguyễn Văn Ngọc (Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội).
Lúc này, Nguyên gọi điện thoại rủ thêm Đỗ Phượng A. (SN 1995, trú tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) và Trần Mỹ H. (SN 1998, trú tại thôn Đồi 1, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đến nhà chơi cùng. Tại đây, cả nhóm đã 3 lần cùng nhau sử dụng ma túy tổng hợp Ketamin. Sau đó, Nguyên đi về trước.
Vào 8h ngày 5/3/2018, Cường và chị H. bị ảo giác ma túy dẫn tới khóc lóc ngồi vái lạy lẫn nhau. Nghĩ chị H. bị ma nhập, Cường chạy xuống sân tập thể, bốc một vốc tỏi của chị Đào Thị Sợi (là người bán hàng) mang lên ném về phía chị H. đang ngồi.
Sau đó, Cường tự ăn tỏi và nhét nguyên củ tỏi chưa bóc vỏ vào miệng chị H.. Khi chị H nằm xuống nệm, Cường tiếp tục ngồi lên bụng chị này để nhét tổng cộng 33 nhánh, củ tỏi vào trong khoang miệng của chị H.. Thấy vậy, Phượng A. bảo Thế vào kéo Cường ra nhưng lúc này, chị H. đã bị tử vong.
HĐXX nhận định, bị cáo Cường chưa có tiền án, tiền sự. Sau khi sử dụng ma túy, Cường đã có hành vi dùng tỏi nhét vào miệng chị H. làm chị này tử vong do ngạt thở. Khi thực hiện hành vi, bị cáo bị ảo giác do sử dụng ma túy nên không làm chủ hành vi. Hành vi giết người sau khi sử dụng trái phép chất ma túy là do bị cáo tự tạo ra. Yếu tố không làm chủ hành vi cũng từ ảo giác gây ra. HĐXX nhận thấy bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người nên quyết định tuyên phạt 13 năm tù.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn cũng gây án trong khi “ngáo đá”, tưởng “vợ hờ” là yêu quái nên đánh vợ tử vong... Cáo trạng thể hiện, từ năm 2014, Tuấn và chị Nguyễn Mai Thủy T. chung sống với nhau như vợ chồng. Cả hai thuê nhà trọ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh để chung sống.
Ngày 6/9/2017, Tuấn mua 200 ngàn đồng ma túy tổng hợp rồi mang về phòng trọ sử dụng chung với chị T.. Khuya cùng ngày, do ảo giác của ma túy nên Tuấn nhìn chị T. mà tưởng là... yêu quái. Sợ bị yêu quái tấn công nên Tuấn dùng búa, kéo đánh chị T. khiến nạn nhân chấn thương sọ não. Sau khi giết vợ xong, Tuấn hoảng sợ nên bỏ chạy ra bụi cây gần đó trốn. Được biết, Tuấn đã từng phải đi cai nghiện bắt buộc. Trở về chưa lâu, Tuấn nhận luôn mức án 2 năm 6 tháng tù vì tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Sau khi mãn hạn tù, Tuấn không tu chí mà tiếp tục tái sử dụng ma túy.
Khi xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, xét hành vi của bị cáo không còn khả năng cải tạo nên đã quyết định y án tử hình đối với Nguyễn Thanh Tuấn về tội Giết người.
Vì sao cơ quan tòa án lại có 2 quyết định khác nhau như vậy? PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp lý về vấn đề này.
Hầu tòa về cùng tội danh không có nghĩa hình phạt như nhau
Đánh giá về 2 vụ án trên, luật sư Bùi Thị Hiệp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về căn cứ quyết định hình phạt tại Điều 50, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài những căn cứ trên, Tòa án còn căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
Luật sư Hiệp nhìn nhận, qua thông tin báo chí đăng tải có thể thấy, bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn và Châu Việt Cường đều hầu tòa vì tội Giết người nhưng bị áp dụng các khoản khác nhau. Bị cáo Tuấn bị áp dụng khoản 1, còn bị cáo Cường áp dụng khoản 2, Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015.
Cả hai bị cáo đều sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, giết người. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn lại dùng hung khí là búa, kéo đánh nạn nhân đến chấn thương sọ não, tử vong. Hành vi gây án này khá man rợ. Khác với bị cáo Châu Việt Cường, vì “ngáo đá” nên nhét tỏi vào miệng nạn nhân dẫn đến cô gái bị ngạt khí và tử vong.
"Hai bị cáo hầu tòa cùng vì tội Giết người không có nghĩa hình phạt như nhau. HĐXX đã cân nhắc các tình tiết để tuyên án trong khung hình phạt. Theo tôi, 2 mức án các cấp tòa đã tuyên là đúng người, đúng tội", luật sư Hiệp nêu quan điểm.
Không có sự áp dụng pháp luật chênh lệch lớn
Phân tích kỹ hơn về căn cứ quyết định hình phạt, luật sư Nguyễn Văn Hùng (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 bao gồm cả phần chung và điều luật quy định hình phạt đối với tội phạm cụ thể trong phần các tội phạm, quá trình áp dụng pháp luật hình sự phải xác định từ khâu định tội danh, định khung hình phạt, quyết định hình phạt và lựa chọn biện pháp hình phạt cụ thể đối với người phạm tội. Đặc biệt, phải tuân thủ mức hình phạt đối với tội phạm được quy định trong điều luật, bởi vì Toà án chỉ có thể quyết định hình phạt mà Điều luật đã quy định cho tội đã vi phạm.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi có thể dựa vào các yếu tố như: Tính chất của hành vi khách quan, quan hệ xã hội bị xâm phạm, trong đó việc xác định tính chất của phương pháp, thủ đoạn, phương tiện, công cụ, đặc biệt là mức độ hậu quả gây ra cho quan hệ xã hội bị xâm hại, tội phạm thực hiện đã hoàn thành hay chưa hoàn thành.
Ngoài ra, việc xác định tính chất, mức độ lỗi, cũng như động cơ, mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội đó như thế nào. Ngoài ra, Tòa án còn phải xem xét các yếu tố về nhân thân người phạm tội như: Tiền án, tiền sự, lần phạm tội này là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, có tính chất chuyên nghiệp hay không, thái độ khai báo như thế nào, có biện pháp khắc phục hậu quả hay không? Bị cáo có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cụ thể như thế nào?
Đối chiếu với 2 vụ án trên, luật sư Nguyễn Văn Hùng cho hay: “Xét về nhân thân, bị cáo Châu Việt Cường chưa có tiền án tiền sự; còn bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn trước khi giết “vợ hờ” từng lĩnh 2 năm 6 tháng tù vì phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, sau đó tiếp tục nghiện ma túy. Bên cạnh đó, cách thức gây án của bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn cũng có tính chất dã man, côn đồ hơn. Tôi tin, HĐXX đã cân nhắc kỹ trước khi tuyên án nên mức án tòa tuyên là phù hợp với quy định của pháp luật, chứ không phải có sự áp dụng pháp luật chênh lệch lớn”.
Phương Quế
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 67