(ĐSPL) – Theo đại diện Phòng Hàn Quốc-Tây Á-Châu Phi, cục quản lý người lao động ngoài nước:"Hợp đồng giữa bà Nguyễn Thị Hòa và công ty Nam Việt không hợp lệ vì không có chữ ký, con dấu của công ty đưa đi. Vì vậy, chúng tôi nghi đó là hợp đồng giả mạo"
Liên quan tới đơn cầu cứu của gia đình ông Nguyễn Mạnh Trị về việc vợ ông là bà Nguyễn Thị Hòa đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập-xê-út nhưng bị ngược đãi, bỏ đói... chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện phòng Hàn Quốc-Tây Á-Châu Phi, cục quản lý người lao động ngoài nước về những thông tin liên quan.
Hợp đồng lao động không có giá trị pháp lý
Xác minh vụ việc trên, đại diện Phòng Hàn Quốc-Tây Á-Châu Phi, cục quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Phía cục đã nhận được đơn, hồ sơ từ phía gia đình ông Nguyễn Mạnh Trị. Qua kiểm tra, thấy rằng hợp đồng giữa bà Nguyễn Thị Hòa và công ty Nam Việt là không hợp lệ vì không có chữ ký, con dấu của công ty đưa đi nên chúng tôi nghi đó là hợp đồng giả mạo.”
Hợp đồng không có chữ ký, con dấu của công ty đưa người lao động đi xuất khẩu lao động |
Đại diện Phòng Hàn Quốc-Tây Á-Châu Phi, cục quản lý lao động ngoài nước giải thích: “Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công ty ký hợp đồng với người lao động chỉ được phép đưa người lao động đi xuất khẩu tại nước ngoài khi có sự cho phép của cơ quan chức năng.”
“Hợp đồng hợp pháp phải có mã số, con dấu, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty đưa đi. Con dấu đã được đăng ký với cơ quan chức năng để xác nhận tính hợp pháp của hợp đồng.”- vị đại diện nhấn mạnh
Người lao động được đưa đi xuất khẩu “chui”?
Về trường hợp công ty Nam Việt giao kết hợp đồng và đưa bà Nguyễn Thị Hòa đi xuất khẩu lao động (trên giấy tờ), đại diện Phòng Hàn Quốc-Tây Á-Châu Phi, cục quản lý lao động ngoài nước khẳng định: “Công ty Nam Việt được Bộ Lao động thương binh và xã hội cấp giấy phép xuất khẩu lao động, đồng thời được Cục quản lý người lao động ngoài nước đồng ý cho triển khai hợp đồng đưa người lao động đi xuất khẩu. Tuy nhiên, khi tra theo danh sách quản lý chung của Cục và của cả công ty Nam Việt đều không có tên của lao động Nguyễn Thị Hòa.”
Theo thông tin từ ông Nguyễn Mạnh Trị, bà Hòa vợ ông năm nay đã 49 tuổi, lại đang mắc bệnh nhưng vẫn được đưa đi xuất khẩu lao động. Trao đổi với PV về điều này, đại diện Phòng Hàn Quốc-Tây Á-Châu Phi, cục quản lý lao động ngoài nước cho hay: "Hiện nay, cả phía Ả - rập-xê - út và Việt Nam đều thống nhất điều kiện quy định về độ tuổi đi xuất khẩu lao động là 21- 47 tuổi. Đồng thời, sức khỏe phải đáp ứng được đủ điều kiện lao động, cụ thể phía Ả-rập- xê-út cũng chỉ định những bệnh viện tiến hành khám sức khỏe cho người lao động, khi có giấy khám sức khỏe đạt, người lao động mới được đại sứ quán cấp Visa. Tuy nhiên trên thực tế, có những trường hợp người lao động Việt Nam sang đó do thay đổi về khí hậu, điều kiện sinh hoạt.. làm biến chuyển sức khỏe hoặc có những tiền sử bệnh tật khi đó mới phát ra.”
Đồng thời đại diện Phòng Hàn Quốc-Tây Á-Châu Phi, cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, phía Cục quản lý lao động ngoài nước đang tiến hành điều tra làm rõ thực tế, xác minh trường hợp lao động Nguyễn Thị Hòa do đơn vị nào đưa đi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh và cập nhật thông tin về vụ việc!
Khoản 1, Điều 5. Nội dung hợp đồng cung ứng lao động (Thông tư Số: 22/2013/TT-BLĐTBXH) Hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động và có những nội dung chính sau đây: "1. Thông tin về các bên tham gia ký kết hợp đồng Thông tin về các bên tham gia ký kết hợp đồng bao gồm: Tên đầy đủ, tên giao dịch của bên tham gia ký kết hợp đồng; Đại diện của các bên; Địa chỉ đăng ký kinh doanh hay địa chỉ giao dịch; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Mã số doanh nghiệp, ngày cấp (nếu có), mã số thuế, số tài khoản; Điện thoại, fax, email; các thông tin liên quan khác..." Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |